Thêm tin vui cho người thích uống cà phê: Giảm nguy cơ mắc bệnh gout!

03/06/2019 04:33 GMT+7

Gout (bệnh gút) xảy ra khi nồng độ a xít uric trong máu cao bất thường. A xít uric hình thành các tinh thể trong khớp, thường ở bàn chân và ngón chân lớn, gây sưng tấy nghiêm trọng và đau đớn.

Giảm a xít uric có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout và thậm chí có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát tiếp theo, theo Medicine News Line.
Sau đây là 8 cách tự nhiên để giảm mức a xít uric.

1. Uống cà phê

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống cà phê ít có khả năng mắc bệnh gout.
Nghiên cứu Sức khỏe Điều dưỡng của Đại học Harvard (Mỹ) khảo sát ở nữ giới cho thấy nguy cơ bệnh gout giảm khi uống nhiều cà phê.
Phụ nữ tiêu thụ 1 đến 3 tách cà phê mỗi ngày, giảm 22% nguy cơ mắc bệnh gout so với những người không uống cà phê.
Phụ nữ uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày, giảm 57% nguy cơ mắc bệnh này.
Một đánh giá có hệ thống năm 2014 còn cho thấy những người uống 3 - 5 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhất.
Vì những người bị bệnh gout có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nên uống cà phê có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của họ, theo Medicine News Line.

2. Thử bổ sung vitamin C

Uống bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Một nghên cứu cho thấy vitamin C làm giảm đáng kể nồng độ a xit uric trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ bị bệnh gout tấn công.

3. Ăn quả anh đào

Ăn quả anh đào có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh goutt, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh.
Một nghiên cứu năm 2012 trên 633 người bị bệnh gout cho thấy ăn quả anh đào trong 2 ngày làm giảm 35% nguy cơ bệnh gout.
Sự kết hợp giữa thuốc trị bệnh gout allopurinol và quả anh đào làm giảm 75% nguy cơ bị tấn công bởi bệnh gout.

4. Nên ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp

Tăng cường những loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp, có thể giảm dần nồng độ a xít uric.
Thực phẩm có hàm lượng purine thấp gồm có: sản phẩm sữa ít béo và không béo, bơ đậu phộng và các loại hạt, các loại trái cây và rau quả, cà phê, gạo còn cám, bánh mì và khoai tây.
Cần lưu ý là không phải ai ăn nhiều purine cũng bị bệnh gout.

5. Hạn chế thực phẩm giàu purine

Quá trình chuyển hóa thực phẩm giàu purin có thể dẫn đến bệnh gout bằng cách khiến cơ thể sản xuất quá nhiều a xít uric.
Thực phẩm có hàm lượng purine cao gồm có: thịt rừng như hươu (nai), cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, trai và cá trích, bia rượu; thực phẩm giàu chất béo như thịt xông khói, các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ kể cả thịt bê, nội tạng; bánh ngọt, thực phẩm và đồ uống có đường, theo Medicine News Line.
Thực phẩm có hàm lượng purine vừa phải bao gồm: thịt nguội, giăm bông, thịt bò, gia cầm, hàu, tôm, cua và tôm hùm

6. Tránh uống rượu và nước ngọt

Uống nhiều rượu và nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Rượu và nước ngọt bổ sung lượng calo không cần thiết vào chế độ ăn uống, có khả năng gây tăng cân và các vấn đề trao đổi chất.

7. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout và bệnh tim.
Thừa cân dẫn đến nguy cơ tăng nồng độ a xít uric trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Tuy nhiên, nhịn ăn để giảm cân cũng có thể làm tăng nồng độ a xít uric.

8. Một số loại thuốc làm tăng nồng độ a xít uric

Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ a xít uric, bao gồm: Thuốc lợi tiểu, như furosemide và hydrochlorothiazide; thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, đặc biệt là trước hoặc sau khi ghép tạng; Aspirin liều thấp, theo Medicine News Line.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.