Thêm trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tự chủ, tăng học phí từ năm học 2022-2023

24/10/2021 11:39 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục có thêm một trường thành viên được thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tăng học phí từ năm 2022.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vừa được Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua đề án tự chủ

ussh.edu.vn

Hôm nay (24.10), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin về việc Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH của trường này. Trong đó, một trong các nội dung thay đổi liên quan đến người học là tăng học phí từ khoá tuyển sinh 2022-2023.

Học phí từ 16-24 triệu đồng/ năm học

Theo đó, trường chuyển qua loại hình tự chủ áp dụng với đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo chi thường xuyên (nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí không thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển).

Trên cơ sở luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung năm 2018, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH theo 3 nội dung chính.

Về bộ máy và nhân sự, trường tự chủ trong thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thuộc trường. Thứ hai là bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi các chức danh quản lý do trường quản lý. Thứ ba, quyết định các chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng đối với viên chức và người lao động; quyết định về chính sách thu nhập của người lao động trong trường. Thứ tư là tự chủ về tuyển dụng, ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong và ngoài nước; bổ nhiệm, sử dụng người lao động quá độ tuổi lao động (theo quy định nhà nước) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý theo nhu cầu của trường.

Về cơ sở vật chất và tài chính, trường quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thứ hai là lập kế hoạch đầu tư, vay vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng hoặc huy động các nguồn tài chính khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thứ ba, được khai thác các cơ sở vật chất đã đầu tư để liên kết đào tạo, làm các dịch vụ khoa học, liên doanh, liên kết trong các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trường. Thứ tư là tự chủ trong xây dựng mức học phí theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo.

Riêng về mức học phí áp dụng cho năm học 2022-2023, chương trình chuẩn trình độ ĐH cụ thể như sau:

Nội dung

Năm học 2022 – 2023

Mức học phí của nhóm ngành Khoa học xã hội

16-20

Mức học phí của nhóm ngành Ngôn ngữ và du lịch

21-24

(Đơn vị tính: triệu đồng/sinh viên/năm học)

So với học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH hiện nay, học phí theo đề án tự chủ tăng khá mạnh (năm học 2021-2022 học phí trung bình từ 9-10 triệu đồng/ năm/ sinh viên).

Hệ văn bằng 2 chính quy, văn bằng 1 vừa làm vừa học, học phí không vượt quá 1,5 lần.

Học phí bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH theo từng nhóm ngành, bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần.

Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ ĐH, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Tòa nhà điều hành Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

ussh.edu.vn

Những thay đổi sau khi trường được tự chủ

Theo thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, đề án tự chủ này chính thức bắt đầu từ năm học 2022-2023. Do vậy, mức học phí mới áp dụng cho khoá tuyển sinh từ năm học 2022-2023. Học phí của năm học 2021-2022 tiếp tục thực hiện như thông tin đã công bố trước đó.

Cũng theo ông Nam, trường đã có chương trình khuyến học khuyến tài do các nhà tài trợ và các đơn vị đồng hành với trường hỗ trợ cho các bạn sinh viên gặp điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội học tập tại trường. Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM có chương trình tín dụng học tập lãi suất 0%, có chính sách học bổng dành cho các chương trình đặc thù theo lộ trình phù hợp.

“Đặc biệt là trường có mức học phí phù hợp với ngành đặc thù. Trường sẽ làm đề án đề nghị nhà nước hỗ trợ đặt hàng cho các ngành đặc thù”, thạc sĩ Trần Nam thông tin thêm.

Với cơ chế hoạt động này, định hướng phát triển thời gian tới tạo điều kiện cho trường có những phát triển đột phá thể hiện trên những phương diện như: phát huy hết năng lực của nguồn nhân lực, thực hiện nhiệm vụ quản trị ĐH hiệu quả, đảm bảo chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế, đào tạo thực sự gắn với nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường học tập hiện đại và hội nhập…

Trước đó, thực hiện luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH số 2018, Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH gồm 4 trường thành viên: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế-luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin trong năm 2021.

Như vậy, với việc thông qua đề án Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 5 trường ĐH thành viên chuyển sang hoạt động theo hướng tự chủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.