Gần đây, đoạn hội thoại trong chương trình Đại sứ hoàn mỹ gây "sốt" cộng đồng mạng, huấn luyện viên, Á hậu hòa bình Chế Nguyễn Quỳnh Châu đã đưa ra quyết định loại thí sinh Huỳnh My là người thuộc đội của Á hậu Hoàn vũ Thủy Tiên vì có thái độ không tốt. Á hậu Quỳnh Châu khẳng định chính thái độ tốt trong quá trình làm nghề đã giúp cô có được thành công như hiện tại và nữ huấn luyện viên còn nhấn mạnh: “Đôi khi thái độ hơn trình độ”.
Câu nói trên nhận được nhiều sự đồng tình của người trẻ, bởi trong một môi trường làm việc hay học tập thì thái độ là một yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của một cá nhân nào đó.
Chọn những người bạn có thái độ tốt vì dễ làm việc và trao đổi...
Nguyễn Thị Phương Giang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Khi làm việc nhóm mình thường lựa chọn những người bạn có thái độ tốt vì dễ làm việc và trao đổi. Mình thật sự rất sợ những bạn giỏi mà luôn tỏ ra bề trên, kiêu căng… nếu bắt buộc làm việc với những cá nhân như vậy thì mình thật sự rất đau đầu. Dĩ nhiên, một người vừa giỏi vừa có thái độ tốt thì quá hoàn hảo, nhưng nếu được chọn một trong hai thì mình vẫn chọn người có thái độ tốt. Mình tự nhận thấy khả năng của bản thân không quá vượt trội vì vậy mình luôn lắng nghe, sửa đổi để hoàn thiện, khi cần đóng góp ý kiến mình luôn cẩn trọng trong lời nói và cố gắng giữ thái độ ôn hòa”.
Jos Tuấn Dũng, đạo diễn chương trình Cây cọ vàng, cho biết: “Tôi rất ủng hộ và đồng ý quan điểm thái độ hơn trình độ. Với vai trò là người quản trị và là người anh tôi sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho các bạn nếu thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng nếu các bạn thiếu thái độ tốt, ứng xử không văn minh thì tôi sẽ không đánh giá cao. Thái độ tốt phản ánh sự trưởng thành, môi trường sống và hơn hết là tư duy của mỗi bạn trẻ”.
Tuấn Dũng nói thêm: “Trong tất cả môi trường, trong đó có môi trường doanh nghiệp thì một người chủ họ quan tâm đến cách bạn giao tiếp, mối tương quan người với người, ứng xử giữa sếp với nhân viên, đồng nghiệp... Nó là cách phản chiếu thương hiệu của mỗi người, để qua đó họ thấy được sự chuyên nghiệp, uy tín của mỗi bạn. Vì thế, đừng bỏ qua những điều nhỏ nhất, cơ bản nhất như lịch sự, văn minh trong cách giao tiếp bên cạnh việc nâng cao năng lực”.
Nên cân bằng giữa thái độ và trình độ
Nguyễn Phước Xuyên (27 tuổi, chuyên viên hoạch định tài chính tại AIA Exchange) chia sẻ: “Trong một tập thể, sự tài giỏi thông minh chưa chắc được lòng nhiều người nhưng có tinh thần cởi mở, chịu lắng nghe hợp tác lại đưa đến cảm giác dễ chịu cho mọi người xung quanh. Điều này chưa thể khẳng định thái độ hơn trình độ mà chỉ dừng ở mức đại đa số thường quan tâm đến cách bạn hành xử hơn là năng lực của bạn. Dù bạn có tài giỏi đến đâu, trình độ cao như thế nào nhưng hống hách, trịch thượng không xem ai ra gì thì cũng không ai dám lại gần cả”.
Xuyên chia sẻ thêm: “Ngược lại, dù không thông minh, trình độ bình thường nhưng cách cư xử ôn hoà, biết trước, biết sau thì cũng được lòng nhiều người. Cá nhân mình thấy, thái độ là điều đến trước, trình độ đến sau. Nó giống với lộ trình phát triển của mỗi chúng ta, khởi nguồn từ môi trường gia đình nơi mình nhìn cách ông bà, cha mẹ ứng xử, để học đạo lý, cách cư xử. Sau này rồi mới bắt đầu học tập ở trường lớp, dung nạp kiến thức, xếp hạng trình độ này, trình độ kia”.
Phước Xuyên cho biết tốt nhất là nên rèn luyện thái độ và trình độ song song. Trong công việc hiện tại, cách mà Xuyên chọn lọc nhân sự cũng được đánh giá dựa trên sự cân bằng giữa thái độ và trình độ. Tuy nhiên, theo Xuyên thái độ quá tốt nhưng năng lực quá kém thì cũng “công cóc”, ngược lại năng lực quá tốt và thái độ “dở hơi” thì cũng không đi được đường dài, khó làm việc với nhau.
Đồng quan điểm với Phước Xuyên, Hoàng Như Ngọc, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết làm việc với người thiếu một trong hai yếu tố “thái độ” và “năng lực” điều mệt mỏi như nhau: “Năng lực và thái độ luôn là yếu tố nên đi cùng với nhau, đừng tập trung quá nhiều vào một trong hai mà bỏ quên yếu tố còn lại”.
Bình luận (0)