Tờ The Wall Street Journal (WSJ) tuần này dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo để trang bị cho xe tăng Abrams mà Washington chuyển cho Kyiv.
Theo WSJ, trong nhiều tháng qua chính quyền Mỹ đã tranh cãi về khả năng chuyển giao loại đạn này cho Ukraine vì quan ngại về tác động đến môi trường và sức khỏe.
Mỹ sẽ chuyển giao đạn uranium nghèo cho Ukraine cùng với xe tăng Abrams
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cấp cao nói với WSJ rằng hiện nay dường như không có trở ngại lớn nào đối với việc phê duyệt loại đạn này. Các quan chức hàng đầu của chính quyền ông Biden cho biết mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraine đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể trên chiến trường, đặt Kyiv vào vị thế tốt trong bất kỳ cuộc hòa đàm nào.
Loại đạn này được cho là có hiệu quả xuyên phá cao trước xe tăng Nga.
Trước Mỹ, Anh là đồng minh đầu tiên của Ukraine cung cấp cho Kyiv loại đạn này. Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận sẽ gửi cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo được trang bị trong xe tăng Challenger-2 để phá hủy xe tăng Nga thừa hưởng từ Liên Xô.
Tổng thống Putin nêu điều kiện chấm dứt chiến sự
Trước các thông tin trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13.6 cho biết Nga cũng sẽ sử dụng vũ khí uranium nghèo, nếu cần, để đáp trả.
"Nga có rất nhiều loại đạn như vậy, có uranium nghèo, và nếu [Lực lượng vũ trang Ukraine] sử dụng chúng, chúng tôi cũng bảo lưu quyền sử dụng loại đạn tương tự", thông tấn xã TASS dẫn lời ông Putin nói.
Tổng thống Nga cho biết thêm rằng nước này có rất nhiều loại đạn làm từ uranium nghèo, nhưng cho đến nay vẫn chưa sử dụng.
Nguy cơ đẩy Ukraine đến thảm họa nhân đạo
Tuy nhiên, theo tờ EurAsian Times, việc các bên đổ dồn đạn uranium nghèo vào Ukraine sẽ khiến người dân nước này có nguy cơ đối mặt thảm họa nhân đạo, bởi tính chất nguy hiểm của nó.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium, bước cần thiết để tạo ra vũ khí hạt nhân. Với khối lượng nguyên tử lớn, khi được sử dụng, các viên đạn dùng lõi uranium nghèo có thể xuyên qua giáp xe tăng đối phương.
Do đó, loại vũ khí này có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trong các trận chiến xe tăng. Tuy nhiên, theo tờ Business Insider, đạn uranium khi nóng lên và có thể tự bắt lửa, gây ra vụ nổ nhiên liệu hoặc đạn dược.
Bên cạnh đó, việc sử dụng uranium nghèo cũng đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến những tác động rất độc hại đối với binh lính và dân thường.
Mỹ nói Nga phản đối đạn uranium nghèo vì sợ mất thêm nhiều xe tăng
Tạp chí Harvard International Review giải thích rằng khi đạn dược có chứa thành phần uranium nghèo tấn công trúng mục tiêu, uranium sẽ biến thành bụi. Đầu tiên, các binh sĩ sẽ hít phải, và sau đó gió sẽ phát tán các bụi đến các khu vực xung quanh, thấm vào các dòng sông, gây ô nhiễm nước, hoặc thậm chí tích tụ trong nông sản và gây hại cho người tiêu dùng.
Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Mỹ (EPA) cũng có cảnh báo tương tự đối với sức khỏe con người một khi hít phải. Bên cạnh đó, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh "độc tính hóa học" của kim loại này là mối quan tâm lớn nhất do "nó có thể gây kích ứng da, suy thận và tăng nguy cơ ung thư".
Bình luận (0)