Theo bước chân tình nguyện: Làng quê '3 không'

14/08/2023 06:00 GMT+7

Đến xã Khánh Tiên (H.Yên Khánh, Ninh Bình), ai cũng cảm thấy đây là một làng quê đáng sống, bởi sự xinh đẹp, yên bình, trong lành, với tiêu chí "3 không": không thuốc bảo vệ thực vật, không rác thải, không thiếu ánh sáng.

Miền quê không rác thải

Xã Khánh Tiên nằm ở phía bắc H.Yên Khánh, cách trung tâm TP.Ninh Bình (Ninh Bình) 14 km, có diện tích 6,37 km². Đây là một trong 2 xã được Tỉnh đoàn Ninh Bình lựa chọn để xây dựng mô hình "Làng quê đáng sống". Đến đây, ai cũng nhận thấy một làng quê rất sáng, xanh, sạch, đẹp. Những con đường nhựa rộng thênh thang chạy quanh làng, mặt đường sạch tinh tươm, không rác thải sinh hoạt và được trang bị ánh sáng từ những công trình thắp sáng đường quê của thanh niên.

Theo bước chân tình nguyện: Làng quê '3 không' - Ảnh 1.

Quang cảnh sạch đẹp của xã Khánh Tiên khi xây dựng mô hình “Làng quê đáng sống”

Gặp chúng tôi, người dân tự hào khoe đây là làng quê "3 không": không thuốc bảo vệ thực vật, không rác thải và không thiếu ánh sáng.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Bí thư Đoàn xã Khánh Tiên, cho biết tại đây thanh niên đã tham gia nhiều công việc để xây dựng "Làng quê đáng sống". Một trong những mô hình tiêu biểu là việc xử lý rác thải. Mô hình này vừa hạn chế xả rác ra môi trường, vừa giúp người dân có nguồn phân hữu cơ tưới cho cây trồng, không cần dùng đến các hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.

Theo chị Liên, trước đây Khánh Tiên là xã thuần nông, người dân nhận thức về môi trường rất đơn giản, nhưng từ khi xây dựng mô hình "Làng quê đáng sống" mọi thứ đã đổi mới rất nhiều. Từ khi áp dụng mô hình, việc lợi nhất là đã nâng cao nhận thức của người dân.

Với sự tập huấn của Đoàn thanh niên, người dân cũng biết phân loại rác thải, sử dụng men vi sinh để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón. Trước đây, nguồn rác thải sinh hoạt rất lớn, việc thu gom được thực hiện 2 lần/tuần, nên rác hữu cơ bốc mùi hôi thối và thải ra môi trường. Rác có khi bị chó, mèo tha lôi khắp nơi khiến không gian trở nên nhếch nhác. Đặc biệt, người dân thường xử lý rác bằng cách đốt nên gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng giờ đây, thức ăn thừa, vỏ trái cây và rác hữu cơ đều được cho vào thùng xử lý thành phân bón, lượng rác thải ra môi trường rất ít. "Nhiều gia đình cả tuần chỉ phải vứt đi một lượng rác rất nhỏ, thậm chí là không có rác. Từ đó, cũng không còn tình trạng vứt rác ra đường hoặc xuống sông ngòi nữa", chị Liên phấn khởi cho hay.

Theo bước chân tình nguyện: Làng quê '3 không' - Ảnh 2.

Các bạn trẻ giới thiệu về mô hình Làng quê đáng sống tại địa phương

Bảo Anh

Bảo vệ môi trường sống

Cũng tại xã Khánh Tiên, thanh niên vận động bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Chị Liên cho biết trước đây trên cánh đồng xã, bà con thường dùng thuốc diệt cỏ để tiêu diệt "lúa ma" (một loại cây giống cây lúa nhưng hạt không sử dụng được, mọc rất nhanh, lấn át lúa thuần, gây mất mùa - PV). Sau đó, một nông dân trong xã có sáng kiến cày úp mặt ruộng xuống, ngâm đất trong 2 tuần và cấy lúa thay vì gieo trực tiếp hạt giống lên ruộng, nhờ thế đã khắc phục được tình trạng "lúa ma" và không phải dùng đến thuốc diệt cỏ trên cánh đồng. Từ đó, Đoàn thanh niên đã tìm hiểu, học hỏi, vận động bà con áp dụng mô hình này.

Việc vận động được triển khai đến từng chi Đoàn để đoàn viên áp dụng ngay trong gia đình mình, sau đó nhân rộng ra toàn xã. "Khi vận động cũng không ít gian nan, có gia đình lúa đã lên cao rồi, nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền bà con bỏ hẳn ruộng lúa đó, ngâm ủ đất trong 2 tuần rồi cấy lại. Quả nhiên, phương pháp này đã mang lại giá trị cao. Bà con vừa được mùa, lại vừa giảm thiểu chi phí chăm sóc", chị Liên chia sẻ.

Là người sáng kiến ra phương pháp này, bà Bùi Thị Hồng, một nông dân ở xóm 4 (xã Khánh Tiên), cho biết thêm: "Trước đây, khi thực hiện gieo sạ, "lúa ma" mọc rất nhanh, lấn át lúa thuần nên gây mất năng suất. Nông dân mất công nhổ cỏ hoặc phun thuốc với mức đầu tư 250.000 - 300.000 đồng/sào. Hiện nay, việc chăm sóc nhàn hơn rất nhiều và chi phí chỉ mất khoảng 150.000 - 180.000 đồng/sào".

Đặc biệt, theo bà Hồng, từ ngày áp dụng mô hình xử lý rác thải, người dân đã có nguồn phân bón hữu cơ, giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do cây trồng ít bị sâu bệnh hơn. "Gia đình tôi đã giảm 2/3 rác thải và còn có nguồn phân bón cho cây cối, ruộng đồng. Cỏ cây, rác có thể tiêu hủy thành phân dùng để tưới cây hiệu quả. Cây trồng được tưới bằng phân ủ từ rác, có hiệu quả rất tốt, lá cây khỏe hơn và kháng sâu bệnh tốt. Vì thế, chúng tôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nữa", bà Hồng chia sẻ.

Để có một làng quê đáng sống, Tỉnh đoàn Ninh Bình cũng đã vận động nguồn lực để thực hiện các công trình thanh niên, như: chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng hàng cây thanh niên. Đặc biệt là công trình "Thắp sáng đường quê", giúp người dân đi lại dễ dàng khi về đêm, đảm bảo an ninh, trật tự tốt hơn.

Anh Trịnh Như Lâm, Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình, chia sẻ: "Chúng tôi tập trung tuyên truyền, tập huấn cho người dân ở địa bàn dân cư để mọi người nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Bắt đầu từ việc cải thiện môi trường sống của gia đình mình, như việc phân loại rác thải hay nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu về giá trị văn hóa truyền thống của nơi mình sinh sống, bảo tồn và phát huy… Đây là những nội dung có giá trị bền vững, rất quan trọng nên cần phải làm và làm rất bền bỉ", anh Lâm nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.