Theo bước chân tình nguyện: Thắp sáng ngôi làng có nhiều 'cái không'

07/08/2024 06:23 GMT+7

Khi mặt trời xuống núi, cũng là lúc ngôi làng biệt lập nằm sâu trong cánh rừng già ở huyện vùng cao Quảng Nam bừng sáng. Ánh sáng ấy mang đậm dấu ấn sức trẻ, cùng với hy vọng về một cuộc sống no đủ của đồng bào Cơ Tu.

"BẢN MÌNH CÓ ĐIỆN RỒI, VUI LẮM !"

Khác với khung cảnh trước đây, khi mặt trời buông xuống là cả bản làng chìm trong bóng đêm mịt mù, thì nay từ trong nhà ra các tuyến đường ngõ của bản làng Aur thuộc xã A Vương (H.Tây Giang, Quảng Nam) đều bừng sáng ánh điện. Aur bừng sáng ngay giữa rừng già, giúp người dân di chuyển dễ dàng. Tiếng cười nói, chạy nhảy của lũ trẻ vang vọng trong màn đêm.

Theo bước chân tình nguyện: Thắp sáng ngôi làng có nhiều 'cái không'- Ảnh 1.

Khi có ánh điện, Đoàn thanh niên chiếu phim phục vụ người dân Aur

NAM THỊNH

Nằm sâu trong cánh rừng, Aur được biết đến là ngôi làng biệt lập chưa có trên bản đồ với khoảng 25 hộ dân (hơn 100 nhân khẩu) sinh sống. Bao đời nay, đồng bào ở đây vẫn sống theo phương thức "tự cung, tự cấp". Ngôi làng này cũng có nhiều "cái không" nhất của tỉnh Quảng Nam: không chợ, không trạm y tế, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, không đường giao thông…

Lối duy nhất vào làng là con đường mòn đi bộ gần 20 km qua những cánh rừng, lội qua những con suối, băng qua những ngọn đồi quanh năm mây phủ... Và dường như, chính sự "nguyên bản" ấy đã tạo nên một ngôi làng rất đặc biệt, còn lưu lại những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Theo bước chân tình nguyện: Thắp sáng ngôi làng có nhiều 'cái không'- Ảnh 2.

Hành trình mang ánh sáng đến với làng Aur vô cùng vất vả

NAM THỊNH

Đứng dưới gươl (nhà cộng đồng làng), già làng Alăng Reng cứ mãi nhìn quầng sáng tỏa ra từ chiếc bóng đèn, cạnh đó nhiều đứa trẻ chạy quanh gươl reo hò. "Bản mình nay có điện rồi, vui lắm! Nguồn sáng từ điện năng lượng mặt trời sẽ thắp sáng bản làng, mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, no đủ cho người dân nơi đây", già Reng nói, giọng chắc nịch.

Nguồn điện mà già Reng nhắc đến được hàng chục bạn trẻ vượt gần 20 km đường rừng hiểm trở "cõng" lên, trong chuỗi sự kiện của Chiến dịch thanh niên tình nguyện "Kỳ nghỉ hồng" năm 2024.

Anh Arâl Hoàng, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, cho biết những ngày qua bất chấp thời tiết bất lợi, hàng chục đoàn viên, thanh niên của H.Tây Giang ngược núi, vận chuyển đèn năng lượng mặt trời cùng nhu yếu phẩm đến thôn Aur. "Ngôi làng này nằm hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, nên để vào được đây là vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng với tinh thần tuổi trẻ, hàng chục thanh niên đã hỗ trợ nhau vượt núi, băng rừng", anh Hoàng nói.

Theo bước chân tình nguyện: Thắp sáng ngôi làng có nhiều 'cái không'- Ảnh 3.

Những tấm pin mặt trời được đưa lên mái nhà dân ở làng Aur

NAM THỊNH

Ngoài triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và bóng điện thắp sáng tại 25 hộ dân cùng 2 điểm gươl và trường học, các bạn trẻ còn trao 65 suất quà là nhu yếu phẩm tặng người dân. Các tình nguyện viên cũng nấu các "bữa ăn có thịt" cùng nhiều hoạt động giao lưu, tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh... Tổng giá trị công trình, phần việc hơn 200 triệu đồng.

"Biết rõ tình cảnh dân làng còn khốn khó, không muốn phiền hà nên trước khi vượt quãng đường mòn đầy chông gai để vào Aur, ngoài vận chuyển vật liệu, các bạn trẻ còn gùi cõng thêm lương thực, thực phẩm để tự nấu ăn. Hành trình về với Aur gặp nhiều trở ngại, nhưng tôi tin sẽ để lại nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ cho các bạn trẻ", anh Hoàng chia sẻ.

NHƯ MỘT PHÉP MÀU...

Hàng chục năm qua, nguồn sáng duy nhất thắp sáng cả bản làng khi màn đêm buông xuống chỉ là những ánh đèn tù mù từ tuabin nước hay ánh trăng. Bao đời nay, họ đã quen với những khó khăn vất vả và với cả bóng tối. Vì vậy, khi đèn điện mặt trời ngược núi về với bản, một nhà được lắp điện, những hộ xung quanh cũng háo hức kéo đến xem điện mặt trời "nó là cái gì"... Trong suy nghĩ của dân bản, chuyện biến ánh mặt trời thành điện giống như biến không thành có. "Đó như một phép màu", nhiều người chia sẻ. Ai cũng mong nhanh chóng lắp xong nhà này để đến lượt nhà mình được lắp. 25 ngôi nhà trong bản râm ran tiếng nói cười những ngày này, vui như hội.

Theo bước chân tình nguyện: Thắp sáng ngôi làng có nhiều 'cái không'- Ảnh 4.

Arâl Hoàng, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, tham gia nối đường dây điện cho người dân

NAM THỊNH

Lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng đèn điện, anh Arất Pươi (33 tuổi, ở làng Aur) không giấu được xúc động, lòng anh như có chiêng có trống nổi lên. "Vui lắm, mừng lắm! Từ một bản làng luôn chìm trong đêm tối, nay ánh sáng đã soi đến mọi ngóc ngách. Đêm đến, lũ trẻ thỏa thích chạy nhảy quanh làng. Điểm trường đã được thắp sáng, học sinh không phải học bài bằng đèn pin nữa. Sau khi có điện, mình tin nhiều "cái không" ở làng sẽ dần được xóa bỏ, đời sống bà con sẽ đầy đủ hơn", Pươi cười nói.

Già Alăng Reng cho hay ngoài sở hữu rất nhiều "cái không" thì Aur còn biết đến là thôn nghèo nhất huyện, cái chữ hầu như vẫn còn "xa lạ" với đồng bào bởi gần 70% người dân không biết chữ. Bà con chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, lại ít tiếp cận thông tin bên ngoài do không có điện. "Ước mơ mang ánh sáng về bản đã được người trẻ hiện thực hóa. Từ khi ánh sáng đèn điện về với từng ngôi nhà, bà con ai cũng vui mừng. Điện năng lượng mặt trời là một nguồn sáng mới, thắp sáng bản làng và thắp sáng hy vọng về một tương lai cho những đứa trẻ nơi đây. Già cảm ơn các bạn trẻ rất nhiều", già Reng tâm sự.

RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH

Trở thành "người vận chuyển", Arất Úy, Phó bí thư Đoàn xã A Vương, cho biết con đường duy nhất vào Aur khá hiểm trở, phải mất gần 1 ngày mới vào đến làng. "Dù khó khăn vất vả đến đâu chúng tôi vẫn luôn động viên, hỗ trợ nhau vận chuyển vật liệu để công trình sớm hoàn thành. Khi chiếc bóng đầu tiên sáng đèn, người dân cùng nhau reo hò, nhiều người còn ôm chúng tôi rồi nói lời cảm ơn, lúc đó tôi thấy hạnh phúc vô cùng", Úy chia sẻ.

Bà Bling Thị Bơn, Chủ tịch UBND xã A Vương, cho hay Aur luôn là địa chỉ quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Mỗi khi có chương trình hỗ trợ nào, UBND xã hay UBND H.Tây Giang cũng đều ưu ái dành phần hơn. Riêng chuyện không có điện trong thời gian dài khiến đồng bào mất đi cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin, nên cuộc sống gặp không ít khó khăn.

Còn ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay Aur là thôn xa nhất của huyện, đường sá khó khăn, lại "vướng" rừng nguyên sinh nên chưa thể đầu tư bằng ngân sách nhà nước. "Hành trình mang ánh sáng về với Aur do Huyện đoàn vừa tổ chức là một hoạt động rất ý nghĩa. Tôi đánh giá rất cao, bởi có ánh điện là niềm mong mỏi của người dân bao đời nay. Đây không chỉ là niềm vui lớn cho bà con thôn Aur mà còn là của toàn huyện", ông Lượm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.