Theo chuyên gia đi bắt muỗi 'đại gia'

30/07/2017 08:01 GMT+7

6 giờ 30 ngày 26.7, chiếc xe xuất phát từ Viện Pasteur TP.HCM đưa các chuyên gia về côn trùng, dịch tễ cùng 2 ba lô chứa trang thiết bị bắt muỗi, lăng quăng trực chỉ TX.Dĩ An (Bình Dương) để bắt "đại gia" gây bệnh sốt xuất huyết - muỗi vằn Aedes aegypti.

Theo các chuyên gia, TX.Dĩ An là 1 trong 3 điểm nóng về sốt xuất huyết (SXH) của tỉnh Bình Dương (cùng với TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An). Gọi là “đại gia” vì loại muỗi gây bệnh SXH chỉ sống trong nhà, thích đu bám trên vải, sinh nở trong nước sạch và điều đặc biệt là chỉ chích người.
Vào tận phòng ngủ bắt muỗi
Sau cái bắt tay của cán bộ Viện Pasteur TP.HCM và cán bộ tại Trung tâm y tế TX.Dĩ An, hai bên bắt đầu vào công việc.
Hai chuyên gia côn trùng là Nguyễn Văn Trọng và La Hoàng Huy, với dụng cụ bắt muỗi gồm ống nghiệm, đèn pin, máy hút muỗi và vợt bắt lăng quăng, đề nghị Trung tâm y tế TX.Dĩ An dẫn đường xuống nơi có ca bệnh SXH, đã phun xịt thuốc 2 hôm trước để kiểm tra.

Chiếc xe đưa chuyên gia xuống KP.Tân Phú 2, P.Tân Bình để bắt muỗi "đại gia". Nhiều ngôi nhà cửa đóng im ỉm, số còn lại có người trong nhà nhưng có vẻ dò xét, không muốn cho chuyên gia vào. Chị N.T.N.B (33 tuổi) ở nhà không số, nói: “Tháng rồi, có người xưng là cán bộ y tế vào kêu cửa đòi lấy 1,5 - 1,8 triệu đồng tiền xịt thuốc. Tôi sợ quá vì nhà chỉ có 2 mẹ con nên gọi cho chồng, người thân; thế là mấy người đó đi mất”. Cán bộ y tế của TX.Dĩ An cho biết có việc một số đối tượng giả mạo cán bộ y tế đi thu tiền chống dịch.
Tại nhà số 114/9, chuyên gia Nguyễn Văn Trọng xin phép vào tận bếp, phòng ngủ để truy lùng muỗi. Trong phòng ngủ tối om và nhiều đồ đạc của gia chủ, dưới ánh đèn pin, 2 con muỗi rằn ri đang đậu trên quần áo và dây cáp ti vi. Trong tích tắc, 2 con muỗi nằm gọn trong chiếc máy bắt muỗi mi ni; còn ở hiên nhà, một bình bông với lăng quăng bơi đầy bên trong.
“Y tế phường xịt hóa chất chỉ diệt được muỗi thôi, bà con một tuần diệt lăng quăng, đổ nước bình bông giúp”, chuyên gia nói với hộ gia đình.
Ở căn nhà bên cạnh, phía sau có hũ nước đầy lăng quăng; chuyên gia vào nhà vệ sinh “tóm” ngay một con muỗi truyền SXH đang đậu trên quần áo, vào phòng ngủ “tóm” thêm một con khác... Gia chủ phân bua: “Mới sinh con nên em bận quá. Nhưng em có mua kem thoa, miếng dán để tránh muỗi cho con!”.
Tại nhà số 28/9, chuyên gia La Hoàng Huy không khỏi rùng mình khi xung quanh nhà có rất nhiều vỏ dừa, bình, chậu chứa nước với lăng quăng lúc nhúc. Gia chủ N.T.L (59 tuổi) giải thích: “Con tui nuôi cho cá ăn đó, đổ đi là nó la!”. Ông Huy nói: “Trước khi cá ăn thì lăng quăng thành muỗi gây bệnh rồi!” và yêu cầu đổ bỏ, gia chủ miễn cưỡng làm và cho rằng “khu vực này chưa có ai bệnh”. Tuy nhiên, khu nhà trọ kế nhà bà có 2 ca bệnh SXH nặng vừa được cứu sống.

Vào trong nhà, chuyên gia Huy chỉ cho bà L. thấy những con muỗi gây SXH bám trên quần áo. Ông ước tính nhà bà L. có vài trăm con, nếu bắt đến chiều cũng không hết. Chỉ 5 phút, ông Huy đã bắt được 12 con.
Khi được hỏi vì sao ở đây lăng quăng, muỗi quá nhiều, cán bộ y tế TX.Dĩ An ngao ngán bảo, khu vực phần lớn là dân nhập cư, cán bộ đi xịt thuốc còn bị ném đá, bị chém. Một cán bộ y tế TX.Dĩ An kể, năm 2014 anh đi xịt thuốc diệt muỗi, đến trước một ngôi nhà đang có người nhậu nên anh chỉ xịt xung quanh. Thế nhưng chủ nhà cho rằng anh xịt vào nhà mình rồi cầm dao rượt chém. Do mang 20 lít hóa chất trên người nên anh không thể chạy được bèn giơ cần xịt thuốc đỡ và bị chém đứt cần xịt. Nhờ nhiều người can ngăn nên anh thoát nạn. Lần khác, xe xịt thuốc chạy ngang nhà dân thì bị ném đá vào xe.
Một hộ gia đình có quá nhiều lăng quăng, muỗi
Học bắt muỗi cả năm
Chiều tối, trên chuyến xe từ Bình Dương về lại TP.HCM để dưỡng sức cho cuộc săn bắt muỗi vào ngày hôm sau tại H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), 2 chuyên gia Trọng và Huy tổng kết bắt muỗi ở 30 căn nhà được tổng cộng 21 con (chưa kể phát hiện thêm muỗi gây viêm não Nhật Bản, sốt rét). Số lượng này về mặt dịch bệnh là cao, có nguy cơ gây bùng phát dịch, vì trước đó địa phương đã phun xịt thuốc.
Chuyên gia dịch tễ Diệp Thanh Hải cho biết, các đoàn chống dịch của viện đi các tỉnh để giám sát, đánh giá công tác chống dịch, một tháng 2 - 3 chuyến, có chuyến đi cả tuần, ăn ngủ tại địa phương. Thường tháng 12 mới rảnh để ở nhà viết báo cáo hội nghị. Công việc của anh em là giám sát địa phương phun thuốc có đúng không; đi bắt muỗi trước và sau đợt phun thuốc để xem mật độ muỗi có giảm...

Làm sao phân biệt được muỗi cái truyền bệnh SXH và muỗi đực để không bắt nhầm, các chuyên gia nói kinh nghiệm: Muỗi đực không truyền bệnh, không hút máu và rất dễ nhận diện: râu nó dài và nhiều như… râu đàn ông. Còn muỗi cái râu ít và ngắn. Tuy nhiên không phải con muỗi cái nào cũng mang vi rút gây SXH, tùy vào từng khu vực mà tỷ lệ mang mầm bệnh khác nhau. Để so sánh với muỗi cỏ cũng đơn giản, vì muỗi cỏ có màu nâu, còn muỗi truyền bệnh SXH có màu đen với nhiều vệt vằn trên chân, bụng và ngực có vảy trắng. Muốn phân biệt phải lấy đèn pin rọi mới biết. Muỗi truyền bệnh SXH tập trung ở độ cao 1 - 2 m, đó là tập tính sinh học của nó.
Để bắt được muỗi truyền bệnh SXH cũng không đơn giản, các chuyên gia cho biết phải trải qua 1 năm học hỏi mới “cứng” nghề. Với thâm niên 4 năm trong nghề như chuyên gia Huy và 11 năm như chuyên gia Trọng, họ đã bắt không biết bao nhiêu con muỗi truyền SXH mang về để xét nghiệm. Các chuyên gia còn đi bắt lăng quăng về nuôi để thành muỗi, đẻ trứng, nở, sau đó bỏ con muỗi đời F1 này vào lồng mang ngược lại địa phương nơi bắt lăng quăng để vào nhà dân rồi xịt thuốc, xem con muỗi có kháng thuốc hay không.
Điều làm các chuyên gia vui mà theo nghề săn muỗi “đại gia” là cảnh báo cho cộng đồng chống dịch, giảm bệnh tật.
“Gác cửa” cảnh báo dịch cho cộng đồng
TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng để ngăn chặn hiệu quả bệnh SXH, một trong những khâu then chốt là giám sát và kiểm soát tốt các véc tơ (yếu tố trung gian truyền bệnh SXH là lăng quăng, muỗi). Giám sát bao gồm xác định, đánh giá các ổ lăng quăng nguồn, muỗi truyền bệnh SXH trong các hộ gia đình và môi trường xung quanh. Để thực hiện được công việc này, cán bộ y tế dự phòng phải đi sớm, về khuya vì muỗi SXH hoạt động mạnh vào sáng sớm và xế chiều; đi vào hộ gia đình, từng ngõ ngách để tìm nguồn gây bệnh, bắt từng con muỗi...
Kết quả giám sát véc tơ là một trong những chỉ số hết sức quan trọng giúp tiên lượng chiều hướng, diễn biến bệnh SXH. Chỉ số véc tơ cao là dấu hiệu dự báo mối nguy cơ gia tăng các ca bệnh SXH. Kết quả giám sát véc tơ còn giúp đánh giá hiệu quả của việc diệt lăng quăng, diệt muỗi, cùng giám sát ca bệnh SXH, giúp có các chỉ định phòng chống dịch hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.