Tháng 4.1861, sau khi chiếm thành Định Tường, quân viễn chinh Pháp chia lực lượng đóng đồn ở Kỳ Hôn, Rạch Gầm và Ba Rài. Triều đình Huế cử Biện lý bộ binh Đỗ Thúc Tịnh làm Tuần phủ Định Tường, Nguyễn Túc Trưng làm Khâm phái quân vụ, bổ sung thêm các quan Trương Minh Lượng, Nguyễn Nhã, Võ Duy Dương... Họ tập hợp nghĩa quân tại Tân Thành - Mỹ Quý (nay thuộc xã Nhị Quý, H.Cai Lậy, Tiền Giang), tích trữ lương thực khí giới, huấn luyện quân sĩ. Nhưng Đỗ Thúc Tịnh hy sinh khi trên đường nhận nhiệm vụ. Bấy giờ các nghĩa sĩ cử Cử nhân Trần Xuân Hòa làm Tri phủ thay thế, Thiên hộ Võ Duy Dương làm Chánh quản đạo, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân làm Phó quản đạo.
Đánh giặc, đem theo mẹ
Trần Xuân Hòa người gốc Quảng Trị, con quan Bố chánh Trần Tuyên, vào ngụ ở thôn Mỹ Thới, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, mẹ ông nuôi dạy hai con đều đỗ đạt: Năm Tân Sửu 1841, Trần Xuân Hòa thi đỗ Cử nhân. Năm Quý Mão 1843, người em là Trần Xuân Quang cũng thi đỗ Cử nhân, được bổ nhiệm làm quan Tri huyện.
Đình Hữu Đạo, nơi lưu dấu huyền thoại về vị Lãnh binh Trần Từ - Ảnh: H.P |
Vì mắc bệnh phong nên Trần Xuân Hòa không được bổ nhiệm quan. Tuy nhiên, khi giặc Pháp đánh Định Tường, trước cảnh nước mất nhà tan, không đợi lệnh vua, ông đã tự nguyện ra chiến trường đánh giặc. Do cha đã qua đời, người em lại ở xa nên ông phải dẫn mẹ già theo để tiện bề chăm sóc. Cảm kích tấm lòng trung hiếu, các nghĩa sĩ đã cử ông làm Tri phủ, chỉ huy việc đắp đồn kháng giặc, nên được dân chúng gọi là Phủ Cậu, tức ông Tri phủ con quan.
Bấy giờ vùng Mỹ Quý là một địa bàn xung yếu, là tuyến phòng thủ ngăn chặn giặc xâm nhập vào địa phận huyện Kiến Đăng (Cai Lậy), đồng thời có vai trò chia cắt giữa thành Mỹ Tho và các đồn tiền tiêu của giặc đóng ở Cai Lậy (lỵ sở cũ của huyện Kiến Đăng) nên các quan quân nhà Nguyễn quyết định lập đồn ở đây. Dựa vào địa thế tự nhiên, xung quanh có sẵn lũy tre dày bao bọc, nghĩa quân gấp rút xây dựng một đồn mới với đầy đủ các công trình phụ phục vụ chiến đấu như nhà kho, bến vựa, ao nước... Là một đồn mới xây dựng sau thành Chí Hòa nên được gọi là Tân Thành - Mỹ Quý (nay thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý).
Liên tiếp vào đêm 25.8 và 29.8.1861, nghĩa quân Trần Xuân Hòa tấn công đồn Cai Lậy do đại úy thủy quân lục chiến Chassériau trấn giữ. Đêm 4.9.1861, nghĩa quân lại tấn công đồn Trung Lương rồi đồn Rạch Gầm, Kỳ Hôn...
Quân đội viễn chinh Pháp nhận xét: “Tại Mỹ Tho, Phủ Cậu tỏ ra vượt bậc. Cách 30 km về hướng tây bắc Mỹ Tho có dựng lên một tiền đồn gần giữa đường nối Cai Lậy với Mỹ Tho - đất hơi nổi cao và làm thành một giồng, đi từ thành Mỹ Tho về đồn Cai Lậy. Đó là nơi đồn trú của Phủ Cậu. Từ đó ông phái các toán đi công kích các bót, đặc biệt đồn Cai Lậy bị nhiều hơn hết. Đại úy Chassériau, thuộc toán thủy quân lục chiến kiên cường lắm cũng chỉ giữ được thời gian ngắn. Sau cùng chợ (Cai Lậy) cũng bị đốt cháy” (Monographie de la province de My Tho 1936).
Ngày 14.9.1861, trung tá hải quân Desvaux chỉ huy quân viễn chinh tại Mỹ Tho cho hai đội thủy quân dùng pháo hạm từ Rạch Gầm tiến vô phá cảng hàng, lập đồn tại Thuộc Nhiêu, nã đại bác tấn công vào Tân Thành. Một cánh quân nữa từ Cai Lậy đánh xuống. Đồn Tân Thành - Mỹ Quý bị vỡ ngày 25.9.1861. Trần Xuân Hòa được một nghĩa quân cõng chạy thoát. Nhưng mẹ của ông không may bị chúng bắt được treo trên thành hòng chiêu dụ ông đầu hàng. Không diệt được Trần Xuân Hòa, chúng trả thù bằng cách bắn chết thân mẫu ông. Ngày 28.9.1861, Pháp rút khỏi Mỹ Quý, lui về đồn Thuộc Nhiêu trấn giữ. Nghĩa quân Trần Xuân Hòa lại tiếp tục mở các cuộc tấn công.
Ngày 6.1.1862, đại úy hải quân Rieuner bất ngờ mang quân bao vây vùng nằm giữa Cai Lậy và Cái Bè. Trần Xuân Hòa chỉ huy nghĩa quân chống cự quyết liệt, nhưng chẳng may bị bắt. Giặc Pháp giải ông về Mỹ Tho, dùng nhục hình tra tấn nhưng vẫn không khuất phục được. Người Pháp nhận xét: “Tại Mỹ Tho, có Phủ Cậu thống lĩnh nghĩa quân. Ông này là người có quyền thế, hùng tâm; nhưng mắc phải bệnh phong, ba phần thân thể đều bất toại, song vẫn lo việc nước thật đáng khen. Ông điều binh ra trận rất tài tình và rất lạ, suốt một năm trời cho đến khi bị bắt”.
Ngày 7.1.1862, Trần Xuân Hòa cắn lưỡi chết để bảo tồn khí tiết. Giặc Pháp đem bêu đầu ông cùng 6 nghĩa quân ở chợ Thuộc Nhiêu hòng uy hiếp tinh thần nghĩa quân và dân chúng. Sau đó, chúng đem đầu ông và 6 nghĩa quân chôn ở khu vực Cầu Dền (gần chợ Thuộc Nhiêu, H.Châu Thành, Tiền Giang), dân gian gọi là “khu mả Bảy Ông”. Năm 1964, Mỹ làm ấp chiến lược san bằng khu mộ, hiện không còn vết tích.
Dấu vết thành xưa
Theo tài liệu lịch sử địa phương, hơn nửa thế kỷ trước, phế tích Tân Thành - Mỹ Quý còn sót lại nền vựa kho lúa, nền vựa kho tiền, ao và hào thành, lũy tre bao bọc thành vẫn chưa bị phá hết. Ngõ phía nam, đường tới xã Mỹ Long (H.Cai Lậy) bấy giờ cũng còn vết tích cổng thành.
Hiện nay đồn Tân Thành chỉ còn ngôi chùa Long Thành làm chứng nhân lịch sử. Theo sư Thích Nhuận Huệ, trụ trì chùa Long Thành, ngôi chùa này được lập vào năm 1846, ở ngoài vòng thành. Đến năm 1935 chùa dời vào trong nền đồn Tân Thành, ngay vị trí trung tâm đại bản doanh của Phủ Cậu Trần Xuân Hòa. Sư Thích Nhuận Huệ còn cho biết, cách đây mấy chục năm, khu vực này còn dấu tích của vòng thành bề ngang khoảng 10 m, cao chừng 2 m. Sau này người dân làm vườn đã san phẳng.
Trong dân gian còn lưu truyền huyền thoại kể rằng, sau khi căn cứ Tân Thành thất thủ, Phủ Cậu tuẫn tiết, có một vị Lãnh binh họ Trần tên Từ sau thời gian trốn tránh sự truy đuổi của giặc, mười mấy năm sau trở lại cố hương. Bấy giờ đình Hữu Đạo đang xây dựng lại. Đứng ở bên này nhìn sang phía Tân Thành cảm khái thời oanh liệt xưa, lòng căm thù giặc trỗi dậy, ông tức tối giậm chân lên cây trính của đình. Dấu chân ấy nay vẫn còn hằn lên cây trính, dân gian gọi là “bàn chân ông Tổ đình”.
Việc khai quật tìm lại di vật của nghĩa quân Trần Xuân Hòa hay phục hồi di tích Tân Thành là một việc làm bất khả thi. Nhưng thiết nghĩ ngành chức năng cũng nên dựng lại bia khu mộ Bảy Ông ở xóm cầu Dền nhằm ghi lại công lao của Phủ Cậu, một con người trung hiếu vẹn toàn.
Ngọc Phan - Hoàng Phương
Bình luận (0)