Từ một biệt danh
|
Trước năm 1975, vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Ðường do Nguyễn Huỳnh biên soạn làm khán thính giả nhớ mãi. Năm 1988, tướng cướp Bạch Hải Đường tái xuất trên màn ảnh rộng trong loạt phim SBC do Trần Phương đạo diễn. Thương Tín vào vai tướng cướp, Lê Khanh vai Băng Thanh, Trọng Trinh vai trung úy Nam Hà. Nhưng tướng cướp của cải lương và phim truyện khác nhau. Tướng cướp trong phim để lại bao giai thoại lại xuất thân ở An Giang.
Theo hồ sơ lưu của Công an tỉnh An Giang thì Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh ra trong một gia đình lao động nghèo trong hẻm Ba Lâu, Long Xuyên, An Giang. Lúc nhỏ, vì mến mộ nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương cùng tên mà Truyện đã lấy biệt danh này. Bạch Hải Đường Nguyễn Ngọc Truyện đã gây ra hàng loạt phi vụ trộm cướp từ An Giang đến Sài Gòn... Sau giải phóng, Bạch Hải Đường vẫn không từ bỏ con đường trộm cướp, bị Công an tỉnh An Giang và Tỉnh đội, Thị đội Long Xuyên lần theo dấu bắt giam. Ngày 13.7.1983, Bạch Hải Đường kết thúc cuộc đời lúc 33 tuổi. Bình sinh Bạch Hải Đường rất hào hoa phong nhã với kỹ nữ, giai nhân nhưng khi y ngồi trong khám, hiếm thấy bóng hồng nào ghé thăm.
Bạch Hải Đường qua đời không lâu thì TP.Long Xuyên bị khuấy động bởi đoàn làm phim của hãng phim truyện Việt Nam về quay loạt phim SBC với tập 1 nhan đề Tôi sinh ra không phải để ngồi tù, khắc họa chân dung hào hùng của các chiến sĩ công an săn bắt cướp, phá án, trong đó có vụ truy bắt Bạch Hải Đường. Nhiều cán bộ về hưu ở Long Xuyên kể khi đóng vai này Thương Tín đã bị tai nạn.
Đoàn phim chỉ có 4 diễn viên
Nhiều lần liên hệ với Thương Tín nhưng ông như bóng chim tăm cá. Gọi vào các số điện thoại cũ ông đều tắt máy hay cắt bỏ. Một đồng nghiệp lục tìm được số khuyến mãi nói đây là hy vọng cuối cùng. May quá, khi gọi, bên kia đầu dây vang lên giọng trầm ấm: “A lô, Thương Tín đây”. Thương Tín cho biết người thân của ông vừa mất nên ông đang lo hậu sự, vài ngày nữa mới trở lại Sài Gòn.
|
Thương Tín xác nhận trong phim ông đóng cảnh nhảy lầu ở khách sạn Thái Bình. Để vai diễn gây ấn tượng, đích thân ông đã nhảy từ độ cao hơn 12 m mà không cần người thay thế. Hậu quả, Thương Tín bị té gãy tay, còn đoàn phim phải ngưng quay mấy tháng để chờ Thương Tín hồi phục. Thương Tín nói lúc đó dàn diễn viên của tập phim này chỉ có 4 người: ông, nữ diễn viên Lê Khanh, Trọng Trinh và một diễn viên phụ, còn lại là diễn viên quần chúng tại An Giang.
Ông Lưu Văn Phước, cán bộ Trung tâm văn hóa tỉnh An Giang, vẫn không quên “cảm giác” làm đàn em tướng cướp. Ông Phước kể: “Lúc đó tôi mới 23 tuổi, tóc dài ngang vai, để bộ ria mép nhìn rất ngầu và là nhạc công đang công tác ở Nhà văn hóa Long Xuyên.
Tôi đang ngồi chơi đàn thì đạo diễn Trần Phương đi ngang qua. Ông dừng lại, nhìn tôi chằm chằm, nói tôi thích hợp vai đàn em thân tín của tướng cướp. Tôi thấy ngộ nên chịu liền, định đi cắt tóc cạo râu nhưng ổng nói gương mặt này mới ngầu, cứ để y vậy mà diễn”.
Ông Phước nói tướng cướp này đâu xa lạ gì với ông vì nhà ông ở hẻm Ba Lâu, gần nhà tướng cướp. Ông Phước nhớ lại, lúc đó các ngành chức năng bao vây con hẻm, dùng súng bắn tướng cướp thì cả xóm mới phát hoảng biết Truyện là tướng cướp khét tiếng.
Trong phim, ông Phước đóng vai tài xế thân tín, lái xe Honda 67 đưa Thương Tín đi thăm người tình ở bệnh viện, rồi nhà thờ và sở thú... Dù đóng vai ngắn nhưng phim hay quá nên có một thời gian ông gần như “chết” với biệt danh “đàn em tướng cướp”, bị nhiều người chọc ghẹo. Còn tiền cát sê ông Phước gãi đầu cười, chỉ đủ khao bạn bè uống chầu cà phê.
Ông Phan Trọng n, 56 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, là diễn viên bất đắc dĩ của đoàn phim SBC tập 1 cười nhớ lại, hôm đó vợ bệnh nên ông đi chợ Mỹ Hòa mua cá, đang lúc các bà, các cô lựa cá, mua rau bỗng đâu có người nhào tới giật đồ. Ai nấy bất ngờ vì đây là lần đầu tiên chợ này xảy ra cướp táo tợn. Có người hô hoán cướp cướp, rồi tiếng còi công an vang lên làm cả chợ hỗn loạn. Người thì rượt bắt, kẻ trốn chạy làm rau củ, cá tôm bị hất văng tung tóe. Đang lúc hăng say truy bắt thì tiếng hô qua loa phát thanh: “Cắt, cắt! Xin cảm ơn bà con!”. Lúc này, tên cướp và tốp công an mới quay lại cười, cả chợ ngã ngửa, thì ra đây là đoàn quay phim.
Ông n kể tiếp trong phim có cô gái trẻ bơi xuồng đưa tướng cướp qua sông là người quen ở gần nhà ông nay đã chuyển đi nơi khác. Đoàn làm phim đã đốt căn nhà chứa rơm của cô gái này làm người dân trong xã chữa lửa loạn xị, xong mới biết đã bị quay phim. Trại rơm này được bồi thường mấy ngàn đồng, số tiền khá lớn vào năm đó.
Thanh Dũng
>> Những người làm phim Biệt động Sài Gòn: Thương Tín với những ngày... sống chậm
>> Diễn viên Thương Tín: Người nhiều vai diễn nhất Việt Nam
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 25: Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 24: Đi tìm nàng Sa Rết
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 23: Đứa bé của 'Cánh đồng hoang
Bình luận (0)