“Đọc để coi ổng viết cái gì”
Tháng 10.1971, Phan Tứ viết xong Mẫn và tôi dày ngót 640 trang. Cùng với Trước giờ nổ súng (tiểu thuyết), Gia đình má Bảy (tiểu thuyết), Sông Hằng mẹ tôi (dịch), Nhật ký chiến trường (di cảo, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Lào, Pháp, Nga)..., Mẫn và tôi đã làm đồ sộ gia tài văn chương của chủ nhân Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, năm 2000. Trong Lời người viết cuối truyện, Phan Tứ đã “xin nhắc” rằng tất cả những tên người, tên đất, tên sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết này đều là mượn tạm, hoặc do ông đặt ra.
Bà Phận lật tìm những đoạn viết về mình trong tác phẩm Mẫn và tôi cùng với
nhà văn Phạm Thông - Ảnh: H.X.H |
Nhưng sự cẩn thận của Phan Tứ xem ra chẳng còn cần thiết nữa, vì ai cũng nhận ra những địa danh Tam Sa, Tam Trân, Lộc Chánh, làng Cá... đều in đậm hình ảnh vùng đất Tứ Mỹ, Tam Mỹ Tây và khu vực giáp ranh Chu Lai (H.Núi Thành, Quảng Nam) bây giờ. Đặc biệt, nhiều người biết Út Mẫn - người chỉ huy đơn vị du kích tại vành đai diệt Mỹ khu vực Chu Lai được hư cấu từ nguyên mẫu Võ Thị Phận. Bất ngờ hơn, nhân vật đại đội phó Thiêm (ngôi thứ nhất trong truyện), người yêu của Út Mẫn, cũng mang vóc dáng của chính Phan Tứ.
Ở tuổi 74, bà Phận vẫn giữ nhiều nét thanh thoát, có lẽ mấy chục năm trước bà cũng khá xinh như Phan Tứ mô tả Mẫn. Đây rồi, khuôn mặt trái xoan trắng xanh, thân hình dẻo và thon, hơi mảnh khảnh... của Út Mẫn vẫn thấp thoáng nơi bà Phận. Bà đón chúng tôi tại ngôi nhà cũ cách cao điểm 76 chừng 800 m ở thôn 8, xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành bây giờ. Từ ngôi nhà này, bà kể đã từng thấy Phan Tứ chiều chiều thường lấy ống nhòm dòm sang đồn địch. Ấy vậy mà, phải hơn 10 năm sau ngày Phan Tứ viết Mẫn và tôi, bà mới biết mình hóa thân vào Út Mẫn. Ban đầu chỉ nghe loáng thoáng, bà lục tìm nhiều sách nhưng đọc mãi vẫn không “thấy” mình. Thêm 20 năm nữa, đến năm 2003, nguyên mẫu mới chính thức gặp nhân vật thông qua bản photo. “Có đứa cháu sinh viên photo mang đến tặng, nói con biết bác sẽ rất cần cuốn này”. Từ đó, tui hay đọc, để coi ổng viết cái gì. Chỗ nào có viết về tui là tui ghi chú và đọc kỹ”, bà Phận nhớ lại. Rồi bà lật rất nhanh trang sách, tìm những đoạn mà bà “tin tưởng” nhất. Chi chít các ký hiệu đánh dấu bên lề.
Thân phận tình yêu
Phan Tứ vào chiến trường miền Nam năm 1960, mãi đến sau năm 1965 mới ra bắc. Bà Phận gặp ông giữa đường khi đi cáng thương binh, lúc đó đang tuổi 20. Ông ở nhà bà một thời gian dài, sau chuyển đến lều dựng tạm để viết văn cách đó hơn 3 km nhưng bà vẫn đưathức ăn và áo quần lên. “Tui từng chê ổng già, lớn hơn 8 - 9 tuổi mà. Nhưng rồi yêu nhau lúc nào không biết. Yêu nhau thời chiến tranh, không thể bỏ được. Địch đây ta đấy, ở bên nhau ngót 3 năm sao không có con với nhau cho được?”, bà nhớ lại.
Bà Phận sinh con năm 1963, đặt tên Uẩn, sau đổi thành Huẩn. Chiếc nhẫn vàng mà Phan Tứ lén đeo vào ngón chân đứa con, theo lời bà kể, vẫn được cất giữ cẩn thận. Anh Phan Thế Huẩn và vợ hiện làm nghề giáo tại trường tiểu học ở Tam Mỹ Tây. Năm 1995, Phan Tứ mất, anh có đến viếng hương, được gửi tặng bức ảnh chân dung nhà văn.
Trước khi tìm gặp “Út Mẫn”, tôi cứ sợ bà sẽ khóc, như đã từng khóc trước đó mỗi khi có người gợi lại chuyện quá khứ. Nhưng nước mắt đã không hề chảy. Thậm chí, bà vui mỗi lần nhắc đến đứa cháu học giỏi. Con trai đầu của anh Huẩn được đặc cách nghiên cứu sinh tiến sĩ, vừa sang Úc hôm 25.7 sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Nhân vật Út Mẫn đóng khung ở trang viết từ năm 1971. Mối tình thời chiến Mẫn - Thiêm từng khiến nhiều thế hệ trẻ say mê. Nhưng nguyên mẫu Võ Thị Phận thì trải qua rất nhiều sóng gió đời thường cho đến tận ngày nay. Giai đoạn làm công tác binh vận công khai cùng với sự mù mờ về thân phận đứa con đã khiến bà hứng chịu nhiều nghi vấn. Không ai muốn “mổ xẻ” quá khứ, nhưng cứ lần theo nhân vật Út Mẫn lại bắt gặp một số phận. Sau mấy mươi năm hóa thân vào Mẫn và tôi, dường như bà Phận vẫn đang cô độc giữa chúng ta.
Uẩn khúc Nhiều dư luận đa chiều khi bà Phận sinh đứa con duy nhất. Ông Nguyễn Tám, Bí thư Chi bộ thôn Tứ Mỹ giai đoạn 1962 - 1965 (hiện đang ở tại thôn 9, xã Tam Hiệp, H.Núi Thành), quả quyết với chúng tôi rằng bà Phận bị oan khiên suốt mấy chục năm nay. Theo ông, sau khi sinh con, để tiếp tục vai trò của cán bộ binh vận hợp pháp, bà đã phải nhờ một người lính bảo an ở thôn 5 “nhận” làm con. Những thông tin khác đều giữ kín. Ông Tám từng sống chung với nhà văn Phan Tứ trong hai năm 1961 - 1962, và đã cho làm lán trại để nhà văn Phan Tứ ngồi viết truyện, trong đó có tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Nhân vật “má Bảy” cũng lấy nguyên mẫu từ chính mẹ ông Tám - bà Trần Thị Chỉ, tức Bảy Chỉ. Gia đình bà Trần Thị Chỉ là cơ sở cách mạng đặc biệt từ năm 1954, riêng bà Bảy Chỉ từng lập trạm giao liên ở khu vực rừng Mây - Kỳ Sanh. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 5: Lư Khê nhạt dấu>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 4: Trái tim đá núi
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 3: Bí ẩn Chiêu Anh Các
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 2: Bài thơ thầy Thông Chánh
>> Theo dấu văn thơ - Đi tìm 'Ông cá hô
Bình luận (0)