Theo dấu xưa, chuyện cũ: Chuyện ly kỳ tại truông nhà Hồ

27/07/2016 06:08 GMT+7

'Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang' là câu ca dao mà nhiều người từng nghe qua. Phá Tam Giang thì dễ rồi, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn truông nhà Hồ ở đâu?

Nơi ẩn thân của “thảo khấu” ?
Tôi nằm trong số những người không biết địa danh truông nhà Hồ nằm ở đâu cho đến khi một nhà báo về hưu từ Đồng Nai ra nhờ chỉ đường đến truông nhà Hồ. Sống ở Quảng Trị đã nhiều năm, nếu trả lời không biết thì... quê. Tức chí, tôi đã đi tìm.
Theo nhiều sách vở, truông nhà Hồ xưa là nơi giáp giới giữa 2 châu Địa Lý và Ma Linh (sau là Minh Linh) thuộc xứ Thuận Hóa (nay là H.Lệ Thủy, Quảng Bình và H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Cái truông này được cho là có diện tích khá lớn, trùm cả một phần phía bắc H.Vĩnh Linh (nay là các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp).
Theo lý giải của thầy giáo Trần Công Lanh, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Vĩnh Linh, Chủ tịch Hội Khuyến học H.Vĩnh Linh, thì từ “truông” có thể hiểu nôm na là vùng đất hoang vắng, khó đi lại do cây bụi rậm rạp. Còn “nhà Hồ” thì đến nay ông Lanh vẫn chưa thể cắt nghĩa và không rõ có liên quan gì đến cái tên Hồ Xá (trung tâm huyện lỵ của H.Vĩnh Linh) hay không?
Nhưng truông nhà Hồ đó có cái gì mà làm cho người ta sợ đến nỗi không dám băng qua để đến với tình yêu như trong câu ca nêu trên? Trong khi theo cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Đường vào Thuận Hóa thì chỉ từ xã Phù Tôn, H.Lệ Thủy đến xã Hồ Xá, H.Minh Linh dọc đường có quán Cát, quán Sen, quán Bụt, quán Hà Cờ, cư dân ở 2 bên, hành khách có chỗ ngủ trọ”.
Trải qua nhiều thăng trầm, truông nhà Hồ cũng mang trong mình những câu chuyện cổ xưa, nhuốm màu huyền thoại. Trong đó, câu chuyện rằng xưa kia truông nhà Hồ là nơi ẩn náu của một đám “thảo khấu” được nhắc đến nhiều nhất. Từ thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn mở mang Đàng Trong, lượng người vào ra đường bộ thiên lý ngày một nhiều. Nên vùng đất rộng, cây cối um tùm như truông nhà Hồ đã sớm trở thành sào huyệt của một băng cướp nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng cướp giết, đòi tiền mãi lộ.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị, đưa ra một giả thuyết khác. Theo ông thì đám “thảo khấu” ở đây có thể là nghĩa binh của một cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại chính quyền cai trị hà khắc. “Chính vì thế chúa Nguyễn Phúc Chu đã rất nhiều lần điều động binh sĩ vào đây nhưng không dẹp được”, ông Thọ nói.
Về sau, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng xua quân đến bình định thành công truông nhà Hồ. Về cách ông Nguyễn Khoa Đăng dẹp loạn cũng có nhiều điển tích, giai thoại khác nhau. Theo thầy Trần Công Lanh thì có chuyện rằng quan Nội tán đã cho đội quân hùng hậu phát cây vào tận sào huyện của băng cướp/phản loạn. Nhưng cũng có tích rằng, quan Nội tán giả làm khách buôn cho băng cướp/phản loạn bắt đi. Ngồi trên xe, ông chọc thủng một bao lúa để cho lúa rơi vãi dọc đường, từ đó quân lính của ông lần theo, đánh sập hang ổ đám náo loạn.
Ông cũng đã chiêu mộ dân chúng đến lập các làng xung quanh truông, tạo nên các làng quê trù phú. Từ đó truông nhà Hồ không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi của khách đi đường. Thế nên, mới có 2 câu sau: “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ, Nội Tán dẹp yên”.
Một địa danh huyền thoại
Thực tế, truông nhà Hồ chẳng phải là nơi thâm sâu cùng cốc, xa xôi hiểm trở gì mà nằm ngay bên QL1, sát bên con dốc có tên là Sáu Độ, cách TT.Hồ Xá (H.Vĩnh Linh) khoảng 1 km. Chỉ có điều chúng chỉ là một khu rừng thấp, um tùm cây cối, dây leo và không có một văn bia, dấu tích gì làm mốc nên người ta đã không biết đó chính là truông nhà Hồ, dẫu từng đi ngang qua rất nhiều lần. Tất nhiên, phần còn lại của truông nhà Hồ không thể rộng lớn như ngày trước mà giờ cũng chỉ còn một nhúm nhỏ thuộc thôn Tứ Chính (xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh).
Theo các tư liệu thu thập từ cơ quan văn hóa thông tin H.Vĩnh Linh và các cụ cao niên tại địa phương, trong những năm chống Pháp, Mỹ, chính vì địa thế của mình nên truông nhà Hồ là nơi rất thích hợp để bộ đội ẩn nấp, cũng như phục kích đánh địch. Cụ thể, vào ngày 27.6.1950 tại khu vực truông nhà Hồ, một số trung đoàn bộ đội chủ lực đã phục kích và tiêu diệt 300 tên lính Pháp đang hành quân từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào Đông Hà. Trong kháng chiến chống Mỹ, truông nhà Hồ là trận địa phòng không của Tiểu đoàn 6 cao xạ, Trung đoàn 280. Mỹ thậm chí đã cho máy bay ném bom na pan, tàn phá cây cối ở truông nhà Hồ.
Qua hàng trăm năm biến thiên, truông nhà Hồ hiện còn khoảng ngót nghét 10 ha và được gọi là rú Tứ Chính hoặc rú Cát, là thảm thực vật gồm nhiều giống loài, trong đó chủ yếu là cây dẻ và cây trâm bầu. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và Ban Quản lý thôn Tứ Chính luôn quan tâm bảo tồn khu rừng nguyên sinh này, tạo dựng và phát triển khu sinh thái cộng đồng.
Ông Dương Minh Thanh, Trưởng thôn Tứ Chính, cho hay thôn đã đề ra các quy chế để bảo vệ phần còn lại của truông nhà Hồ như: cấm chặt cây, cấm khai thác gỗ củi, cấm săn bắt chim thú, cấm đào đãi khoáng sản. Hiện nay vùng rừng này được xem như lá phổi, là linh hồn và cũng là tấm bình phong vững chắc che chở cho làng Tứ Chính, người dân ở đây luôn nói “rừng tan là làng tan”. Các họ tộc, gia đình thường xuyên bảo ban nhau trong việc gìn giữ khu rừng, quý trọng tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng cho làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.