Hai bức tranh này từng thuộc về một gia đình đã khai mở nghề buôn bán vàng ở thành phố này.
Buôn vàng từ Xiêm La
Theo một số tài liệu chúng tôi có được thì ông Bùi Duy Chước từ Thừa Thiên-Huế đến cao nguyên Lâm Viên lập nghiệp và mang theo nghề làm vàng, bạc của cha ông, sau đó trở thành người Việt đầu tiên mở tiệm vàng ở miền đất mới này.
Cụ Hồ Tá Dân (83 tuổi, cháu gọi ông Chước bằng cậu ruột) kể khoảng đầu những năm 20 (thế kỷ 20), lúc còn là thanh niên trai trẻ, ông Chước đã đến Đà Lạt làm nghề thợ bạc, vàng. Quê ông Chước ở làng Kế Môn, xã Điền Môn, H.Phong Điền, Thừa Thiên- Huế, có truyền thống hơn 500 năm làm nghề bạc, vàng; do đó lúc nhỏ ông vừa làm ruộng vừa được thừa hưởng “di sản” nghề chế tác vàng, nghề truyền thống của làng Kế Môn.
Tiệm vàng của ông Chước có tên Hùng Thanh tọa lạc trên đường Tăng Bạt Hổ tấp nập người mua kẻ bán. Ông Chước phải nhờ ông Hồ Tá Ngưu (cháu gọi bằng cậu ruột) giúp việc quản lý để ông có thời gian đi buôn bán xa. Lúc đó cô con gái xinh đẹp Bùi Thị Hiếu rất giỏi tay nghề, có thể chế tác nhiều loại vòng, nhẫn, dây chuyền... làm hài lòng khách hàng cả ta lẫn Tây. Ngoài việc mở tiệm vàng, ông Chước còn qua tận Nam Vang (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan) mua vàng về bán và gia công đồ trang sức.
Thấy ông Chước ăn nên làm ra nên nhiều người đồng hương của ông cũng theo chân ông đến Đà Lạt làm nghề thợ vàng, bạc và mở tiệm vàng. Thời Đà Lạt là Hoàng triều Cương thổ (1950 - 1955), vua Bảo Đại (người Huế) làm “quốc trưởng” nên luôn tạo điều kiện cho những người Huế có dính dáng đến hoàng tộc di dân vào Đà Lạt lập nghiệp.
|
Người kế nghiệp xinh đẹp
Bà Bùi Thị Hiếu là thiếu nữ xinh đẹp, tài giỏi từng được mệnh danh là hoa khôi phố núi, lại là con chủ tiệm vàng giàu có bậc nhất Đà Lạt lúc bấy giờ, nên rất kén chồng. Mãi đến năm 1956, khi 25 tuổi (khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa thời ấy), bà Hiếu mới kết duyên với một thanh niên con một nhà buôn giàu có ở Chợ Lớn (Sài Gòn). Sau khi lấy chồng, bà Hiếu mở tiệm vàng riêng lấy tên Bùi Thị Hiếu, tọa lạc đầu đường Tăng Bạt Hổ (đối diện khu Hòa Bình, Đà Lạt). Do “địa lợi” với 2 mặt tiền nên việc kinh doanh của bà Hiếu rất thuận lợi, bà phải nhờ người anh con cô ruột là Hồ Tá Dân từ Huế vào giúp việc coi sóc tiệm vàng. Nhờ làm ăn uy tín nên suốt thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, vàng Bùi Thị Hiếu luôn là sự chọn lựa số 1 của người Đà Lạt.
Cùng năm bà Hiếu lấy chồng, ông Bùi Duy Chước đột ngột qua đời ở tuổi 50, việc kinh doanh vàng của ông Chước phải giao lại cho người cháu Hồ Tá Ngưu. Từ đó, vợ ông Chước lại chuyển qua hướng kinh doanh khác là xây khách sạn đón khách du lịch. Một khách sạn khá lớn tọa lạc đầu đường Tăng Bạt Hổ mang tên Phú Hòa (tên người con trai đầu và con trai út bà Chước ghép lại), khách sạn này nằm sát tiệm vàng Bùi Thị Hiếu ngày xưa. Trong khách sạn được bài trí nhiều hiện vật quý như những bức tranh sơn mài, khảm xà cừ hoặc mạ vàng bên ngoài. Hiện nay có hai bức tranh hình cặp nai rừng và chim đại bàng vẫn đang được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng, được xem là những kỷ vật văn hóa của người Đà Lạt xưa.
Một người cháu gọi bà Hiếu bằng dì hiện sống tại Đà Lạt cho biết thêm, việc kinh doanh vàng, bạc của bà Hiếu thịnh đạt kéo dài cho đến ngày đất nước thống nhất. Thời chiến tranh, vợ chồng bà Hiếu phải cất giấu vàng trong các cột nhà được đúc bê tông xung quanh hoặc chôn trong nền nhà vệ sinh... Thời điểm năm 1975, tài sản bà Hiếu bị “kẹt” ở các ngân hàng trong và ngoài nước có vàng, kim cương, tiền mặt... trị giá khoảng 6.000 lượng vàng. Sau đó, con cái bà bảo lãnh hai vợ chồng qua Pháp định cư. Tuy nhiên, hằng năm vào những dịp giỗ cha mẹ, bà Hiếu đều về Đà Lạt để báo hiếu. Năm 2003, trong dịp về VN lo giỗ cho cha thì bà Hiếu đột ngột bị bệnh và qua đời tại Đà Lạt.
Bình luận (0)