Siêu bão Yagi mạnh cấp 16 (184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Dự kiến khoảng 22 giờ đêm nay, bão sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc bộ và giảm 1 - 2 cấp, giật cấp 17. Tuy vậy, hiện nay hoàn lưu của bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến phần phía đông của vịnh Bắc bộ. Trưa nay, đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6.
Ngoài việc chủ động cập nhật thông tin và tình hình siêu bão Yagi qua các phương tiện truyền thông như báo đài, TV, người dân đang sử dụng thiết bị thông minh cá nhân như smartphone, máy tính bảng... có thể trực tiếp theo dõi các thông tin về siêu bão này ngay trên màn hình điện thoại.
Hiện trên 2 kho ứng dụng là App Store (dành cho iOS) và Play Store (dành cho các máy sử dụng hệ điều hành Android) có khá nhiều phần mềm khác nhau để theo dõi thông tin thời tiết. Trong bài viết này, Báo Thanh Niên sử dụng phần mềm có tên Windy của nhà cung cấp Windyty. Đây là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí, có thể xem trực tiếp trên nền tảng web lẫn ứng dụng.
Vì sao bão Yagi không suy yếu sau khi đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng?
Để bắt đầu sử dụng phần mềm, trên thiết bị di động cá nhân, người dùng truy cập vào kho ứng dụng tương ứng với hệ điều hành của máy (Android hoặc iOS, iPadOS), sau đó tìm từ khóa "Windy". Chương trình này có biểu trưng (logo) là 2 vệt màu trắng tạo hình giống chữ V, trên nền màu đỏ.
Người dùng tải phần mềm về máy, cài đặt và cấp một số quyền cơ bản theo gợi ý của chương trình như Cho phép gửi thông báo, Cho phép truy cập vị trí... Đây là những quyền cơ bản để ứng dụng có thể lấy được vị trí giúp người dùng không mất nhiều công tìm kiếm thông tin về cơn bão gần mình, đồng thời được gửi các cập nhật cần thiết. Bên cạnh đó còn hiển thị thêm chi tiết về các địa điểm đang xảy ra hiện tượng sét đánh diện rộng, số lượng lớn.
Ngay khi cài đặt, phần mềm sẽ nhận dạng ngôn ngữ dựa trên ngôn ngữ chính đang cài đặt trên thiết bị. Do vậy, với các máy đang cài sẵn tiếng Việt, ứng dụng sẽ hiển thị tiếng Việt; tương tự với tiếng Anh hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Các tên địa danh quốc tế cũng sẽ được Việt hóa nếu thông tin đó khả dụng.
Trong giao diện của chương trình có khá nhiều tính năng khác nhau, nhưng cơ bản sẽ hiển thị ảnh vệ tinh kèm thông tin cơ bản như tên bão, thời gian hiện tại. Ngoài ra, phần mềm cũng cung cấp dự báo lộ trình, tốc độ, mức độ ảnh hưởng của cơn bão (trong trường hợp này là siêu bão Yagi) dựa trên dữ liệu của các cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp công khai. Phần mềm cũng có tính năng chạy lộ trình dự đoán theo khung thời gian để người dùng chủ động kế hoạch.
Lấy ví dụ nếu xem Trình theo dõi bão (hiện có 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới được ghi nhận), hệ thống dự báo khoảng 7 giờ sáng mai, siêu bão Yagi sẽ tiến gần tới đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đến khoảng 13 giờ chiều cùng ngày tiến sát tới đất liền thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh.
Đây là một ứng dụng theo dõi thông tin khí tượng ở quy mô toàn cầu, do đó không chỉ riêng siêu bão Yagi mà những cơn bão khác đang xảy ra ở trên toàn cầu cũng được cung cấp thông tin. Bên cạnh đó còn có biểu đồ thông tin về chỉ số UV, độ ẩm, nhiệt độ, gió, áp suất...
Một điểm đáng chú ý là dù sử dụng bản đồ quốc tế, chương trình vẫn hiển thị đầy đủ thông tin hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bình luận (0)