(TS Xuân) Mỗi người có một gu riêng, kẻ thích mồi sống, người thích mồi giả, kẻ thích đi xa bờ thách thức những cơn giông, người thích đầm hoang... nhưng đều có điểm chung là thích thách thức, chinh phục các loài cá! Và trong cuộc “đọ sức” này, ai kiên nhẫn hơn sẽ thắng.
Anh Nguyễn Đình Đạt và bạn câu - Ảnh: NVCC
|
Dù tuổi thật là “U” bao nhiêu đi nữa, với những “tay chơi” câu cá này, chỉ tính thâm niên buông cần ai nấy đều đã có vài chục năm và họ được xem như những “anh cả” trong giới cần thủ vì cách chơi, vì niềm đam mê. Mỗi người đi theo trường phái riêng, anh Vũ Đình Nam thích xa khơi lênh đênh trên sóng tìm luồng cá, anh Nguyễn Đình Đạt lại là người tiên phong dùng mồi giả để câu cá thật. Không ngông nghênh như Don Kihote đánh nhau với cối xay gió, không biết bạn hay địch, cả hai người đều biết mình muốn gì, đang chơi gì, biết rõ đối thủ của các anh - những chú cá ranh mãnh - có tập tính gì, phải làm cách nào để khiêu khích chúng mắc câu.
|
Ra biển dò cá
Chuyến đi câu có thể kéo dài hơn một tuần. Thời điểm đi câu thì khá lạ: dân câu khơi ai cũng thuộc nằm lòng câu “tháng ba bà già đi biển” - đó là mùa biển êm, dễ bắt cá, câu mùa này là hợp lý; nhưng đến tháng tám âm lịch, lúc tâm bão mạnh, biển động họ cũng lại xách cần đi, lý do vì lúc này dễ đánh lạc hướng khiến cá tìm ăn và mắc mồi câu.
Đến mùa đi câu, anh Vũ Đình Nam cùng bạn câu của mình giong thuyền xa khơi cách bờ hơn 100 hải lý để chinh phục luồng cá. Dù thời buổi hiện đại, có thể dùng máy xác định được ở đâu có luồng cá đang di chuyển, nhưng quan trọng vẫn là kinh nghiệm của người thuyền trưởng, của người đi câu. Chọn câu loại cá nào thì dùng mồi đó. Không phó mặc sự may rủi. Anh Nam kể về một chuyến câu khơi vào năm ngoái: “Xuất bến tại Phan Thiết lúc 6 giờ 50, chúng tôi đến điểm G câu khơi là đã 18 giờ, điểm câu này là một chiếc tàu chiến gãy đôi chìm ở độ sâu 80 m từ hồi chiến tranh. Cá ở đây rất đa dạng, phong phú và nhờ sống trong tự nhiên, các loài cá hoang dã vô cùng dũng mãnh”.
Anh Vũ Đình Nam với “chiến lợi phẩm” của mình
|
Ngoài cá, “đặc sản” của câu khơi khiến nhiều kẻ mê có lẽ là bởi chinh phục được tính hoang dã của tự nhiên, nó khiến họ luôn khắc khoải, nhớ nhung để mỗi năm tìm về biển. “Vào mùa bão, vào đầu tháng tám âm lịch là mùa cá thu, mưa như trút nước. Gió giật cấp 5 - 6, mưa to, sóng cao hung hãn trên dưới 2 m, sóng dồn dập khiến thuyền xoay như con thoi, chúng tôi nằm trong khoang thuyền không thể định hướng điều khiển được tư thế, người và vật dụng cứ lộn nhào như chong chóng trong môi trường không trọng lực. Ngọn sóng phủ buồng lái, mưa dột tứ bề lạnh ướt, có lúc tôi hoang mang lo sợ, chỉ ước có trực thăng đưa ngay vào bờ...”, anh Nam kể. Phần thưởng sau một đêm chòng chành trên biển mịt mù là lúc bình minh lên, cá bắt đầu ăn, người câu không còn say sóng mà say vì cá ăn mồi liên tục. Cá ăn như bị bỏ đói lâu ngày, nhiều con ăn bùng, từ đáy phóng lên bắt mồi bay khỏi mặt biển đến hơn 1 m tạo nên cảnh tượng rất đẹp.
Đi câu vui vì trúng cá, tiếc nuối vì “hụt ăn” cũng làm họ da diết. Nhiều lần mất cá rất hy hữu, “không giống ai”, cá được câu lên thuyền rồi vẫn sẩy, hay gặp trường hợp như anh Nam kể lại: “Trong cơn mưa, cá câu lên để nằm la liệt ở boong. Hết mưa, một bạn câu hai tay xách 2 con thu to đùng đưa về mũi thuyền để ướp đá. Mới bước lên mạn thuyền, con cá bên phải vướng mang vào góc bếp khiến anh bạn trượt chân, anh bạn rơi tõm xuống biển cùng hai con cá thu. Khi anh ngoi lên thì chỉ giữ được một con, còn một con thoát nạn tại chính nơi nó bị tóm.
Tay không bắt giặc
Khác với cách câu cá truyền thống, người đi câu phải xào mồi, tạo mùi thơm hấp dẫn cá, hay dùng mồi sống để khiêu khích dã tính “cá lớn nuốt cá bé” dụ chúng mắc câu, anh Nguyễn Đình Đạt lại dùng mồi giả. Cách đây 10 năm, nhiều người nghi ngờ “mồi thật còn chẳng ăn ai, nữa là mồi giả”. Vậy mà sau mỗi chuyến anh Đạt đi câu đầm, cá vẫn đầy giỏ.
|
Trước khi say mê với những con mồi tôm gỗ, cá nhựa, anh Đạt cũng có thâm niên vài chục năm câu cá bằng mồi thật. Rồi tình cờ, lúc nước ròng, hết mồi, trong hộp câu có con mồi giả do cháu ở nước ngoài gửi về cho câu thử. Anh quăng câu, bỗng giật mình vì nghe tiếng “bùm”: một con cá chẻm dính câu. “Ông chủ đầm cho tôi vô câu cá cũng không tin con mồi giả có thể câu được con cá chẻm đó. Ông còn bảo con cá đó chắc bị... mù” (cười). Dần dần, câu nhiều quen tay, anh theo dõi thời tiết, mùa nào, tháng nào, ngày nào câu được cá. Mùa nước, nước ròng hay nước kém, gió chiều nào... anh để ý từng li từng tí, ghi vào sổ để lần sau câu được nhiều cá. Sông thì có cá chép, cá lóc, cá chẻm...; biển thì có cá thu, cá hồng... cứ dính câu rào rào. Những nơi đầm hoang, bờ sông ở Cần Giờ đều in dấu thuyền câu của anh Đạt. Thỉnh thoảng một mình anh lái xe lôi thuyền đi Vũng Tàu hay hồ Trị An (Đồng Nai) để câu những con cá lớn.
Nhiều khi đi câu là để thư giãn, còn câu được cá hay không tùy thuộc nhiều yếu tố. “Dân đi câu thường nghỉ giăng lưới vào ngày nước kém, nước đứng vì cá không ăn mồi. Riêng tôi thích ngày này, vì không ai đi câu, cá đói thì đi ăn mồi bất kể thật giả”, anh Đạt chia sẻ.
Với những người như anh Đạt, chiếc cần không phải là nghề “câu cơm” mà chỉ là thú vui, tự rèn luyện mình. Anh cho biết: “Câu mồi giả còn có ưu điểm là rất sạch, không phải tìm mọi cách bắt cá cho bằng được. Bắt được thì có cá, không bắt được thì thôi. Có lẽ, câu được cá còn bởi sự kiên trì, ai sát cá hơn thôi. Nhiều khi thấy có dấu hiệu cá tới, kéo rê con mồi lọc cọc để dụ cá, tôi ngồi ném cả trăm lần con mồi xuống nhưng cá chẳng hề bị kích thích bởi mồi. Nếu sốt ruột, có người đã bỏ đi chỗ khác. Riêng mình, tôi ráng ngồi lại, cứ lâu lâu rê dây, lắc lắc con tôm, lắc lắc con nhái trước ổ của cá. Ai kiên trì hơn thì thắng thôi. Mình biết kích đúng chỗ yếu của con cá, tính hiếu thắng vì lãnh thổ bị xâm phạm, cá khó chịu và tấn công con mồi. Và thế là có được cái giật mình vì cá cắn câu. Câu con cá 3 - 5 kg là bình thường, tôi đã câu được con to nhất 17 kg, và có lần đi câu được 50 con cá chẻm”.
Dù cá nhiều hay ít, có những ngày đi về không... nhưng khoái cảm chinh phục được tự nhiên thì khó diễn tả bằng lời. Chỉ khi nhìn thấy vẻ rạng rỡ của những người mê câu lúc thu phục được con mồi hay cảnh họ vỗ đùi đen đét khen... chú cá này giỏi vì đã thoát khỏi cái bẫy họ ngụy trang mới hiểu phần nào niềm đam mê này.
Bình luận (0)