Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do đối mặt với nhiều thách thức đến từ những tác động trong và ngoài nước như xu hướng giá sắt thép trên thị trường quốc tế liên tục giảm, biến động mạnh mẽ của đồng USD, sự suy yếu của ngành bất động sản cũng như xây dựng trong nước.
Trong bối cảnh thị trường xấu đi này, số lượng hàng nhập khẩu lại tăng vọt. Cụ thể, nếu như trong nửa đầu năm 2022, lượng thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc là 10.671 tấn thì sang nửa cuối năm 2022, lượng nhập khẩu tăng mạnh, cả năm đạt 37.658 tấn. Sang năm 2023, lại tiếp tục tăng vọt lên 55.674 tấn. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc đã đạt 16.724 tấn.
Do dòng hàng hóa nhập khẩu giá thấp từ Trung Quốc có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn như gián đoạn trật tự thị trường và an toàn cho người sử dụng, chính phủ Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với các sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu giá thấp từ Trung Quốc để bảo vệ thị trường và ngăn chặn cạnh tranh giá không lành mạnh. Tuy nhiên, dòng sản phẩm thép hình chữ H từ Trung Quốc với giá thấp vẫn tiếp tục tăng. Hiện nay, các nhà xuất khẩu Trung Quốc (Jinxi) đang yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam xem xét lại tỷ lệ thuế chống bán phá giá nhằm mục đích giảm thuế.
* Mức thuế chống bán phá giá hiện hành cho thép hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc: 22,09% (Tập đoàn Jinxi), 31,24% (Tập đoàn Rizhao), 33,51% (các nhà xuất khẩu khác)
Dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang làm rối loạn trật tự thị trường của Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp thép. Trước tình hình này, sản lượng bán thép hình chữ H (sản xuất trong nước) của Công Ty Cổ Phần Thép Posco Yamato Vina (PYVina), nhà sản xuất thép tiêu biểu của khu vực, đã giảm xuống còn 208.000 tấn vào năm 2022, 195.000 tấn vào năm 2023 và 39.000 tấn trong quý 1 năm 2024. Mới đây PYVina cũng tỏ ra hết sức quan ngại khi gửi thư tới Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) về việc thép hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu ngày càng tăng.
Ngành xây dựng Việt Nam trong thập kỷ trở lại đây đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới cho các đô thị. Tuy nhiên, sự phát triển này phụ thuộc rất nhiều vào các vật liệu xây dựng chất lượng cao được sản xuất trong nước. Đặc biệt, thép hình chữ H đang được sử dụng rộng rãi và đóng một vai trò quan trọng trong ngành xây dựng của nước nhà bởi nó cung cấp sự kết hợp độc đáo giữa độ bền vượt trội cho phép chịu tải trọng lớn, tính tiết kiệm vật liệu và tính linh hoạt trong các thiết kế công trình với không gian mở.
Góp mặt trong nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, doanh nghiệp sản xuất thép hình cỡ lớn trong nước (như PYVina) đã có thể đáp ứng nhu cầu thị trường với những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý cho đường dây tải điện 500KV Mạch 3 (thép góc cỡ lớn), dự án Nhà ga T3- sân bay Tân Sơn Nhất (thép U) cũng như cung cấp thép hình chữ H làm thép kết cấu hỗ trợ trong thi công hầm xuyên núi của các dự án đường cao tốc. Hiện nay PYVina đang nghiên cứu phát triển sản phẩm mới khác như thép V lệch (Inverted Angle) phục công nghiệp đóng tàu, hay thép ray phục vụ các công trình dự án đường sắt trong và ngoài nước. Điều này chứng minh được rằng ngành sản xuất trong nước đã và đang làm tốt vai trò của mình, giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn hàng ngoại nhập giá rẻ, chất lượng khó kiểm định.
Thép hình chữ H đóng vai trò không thể phủ nhận trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trước tình hình ngành thép lại đang đứng trước thách thức dư thừa công suất của Trung Quốc và toàn cầu, Việt Nam cũng cân nhắc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh tại thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo an ninh nguồn vật liệu chiến lược và phát triển bền vững ngành xây dựng đã đáp ứng về công suất cũng như tiêu chuẩn chất lượng. Chỉ bằng cách bảo vệ ngành sản xuất, chính phủ sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển độc lập và bền vững của ngành xây dựng Việt Nam. Thép hình chữ H nội địa chất lượng cao sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án công trình trọng điểm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước.
Theo đại diện Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), sau khi nhận được Công văn của PYVina liên quan đến việc các công ty Trung Quốc đề nghị rà soát thuế chống bán phá giá thép hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc, Hiệp hội sẽ có ý kiến lên các cơ quan, ban, ngành liên quan đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này. Theo đó, Hiệp hội sẽ luôn ủng hộ các doanh nghiệp và nhà sản xuất trong nước, bảo vệ họ khỏi các hành vi không lành mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó, ngành thép Việt Nam nói chung và thép chữ H nói riêng ngày càng vững mạnh, thoát khỏi sự phụ thuộc các nguồn hàng ngoại nhập với chất lượng khó kiểm định
Hiệp Hội tin tưởng rằng các Cơ quan nhà nước Việt Nam cũng sẽ luôn bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước với một môi trường cạnh tranh lành mạnh công bằng.
Dòng thép hình chữ H từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ngày càng tăng
Gần đây, bên cạnh xu hướng thép hình chữ H của Trung Quốc vẫn tràn vào Việt Nam, một lượng lớn thép hình chữ H từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2024, 3.437 tấn thép hình chữ H được nhập khẩu từ Hàn Quốc và 4.701 tấn từ Nhật Bản, tăng lần lượt 122% và 788% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thép hình chữ H xuất xứ từ Hàn Quốc được nhập khẩu với số lượng lớn về Việt Nam sau khi chuyển sang thép hợp kim bổ sung Boron để tránh thuế suất 10%. Do đó, để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm đe dọa sự an toàn của người dân và ngăn chặn trốn thuế tinh vi, Quy Chuẩn Việt Nam (QCVN) cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Hàn Quốc đã cấm sử dụng các sản phẩm thép hình chữ H có chứa Bo hàm lượng hơn 0,0008%, nhưng tại Việt Nam, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thép chữ H đều được chuyển sang thép hợp kim để tránh thuế.
Bình luận (0)