Tổng cục Thương mại của Ủy ban châu Âu vừa gửi công hàm đến phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu thông báo đã nhận được một khiếu nại có đầy đủ hồ sơ về yêu cầu khởi xướng chống bán phá giá liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm thép Việt Nam. Cụ thể, đó là sản phẩm thép dẹt cán nóng bằng sắt, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác có xuất xứ từ Việt Nam.
Nếu Ủy ban châu Âu quyết định khởi xướng thủ tục chống bán phá giá thì các thông tin, bao gồm bản sao của thông báo khởi xướng, khiếu nại và liên kết (link) dẫn đến bảng câu hỏi sẽ được cung cấp cho phái đoàn Việt Nam ngay sau khi thông báo khởi xướng thủ tục chống bán phá giá được công bố trên Công báo của Liên minh châu Âu.
Xét đến số lượng lớn các nhà sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam có liên quan và để hoàn tất cuộc điều tra trong thời hạn theo luật định, EC có thể giới hạn số lượng nhà sản xuất xuất khẩu sẽ bị điều tra ở mức hợp lý bằng cách chọn một mẫu. Trong trường hợp đó, Việt Nam có thể lựa chọn một mẫu đại diện của các nhà sản xuất xuất khẩu để tham gia hợp tác điều tra.
Đính kèm công hàm là danh sách hai công ty sản xuất xuất khẩu bị khiếu nại gồm Hòa Phát và Formosa (riêng Formosa có 3 công ty được xác định ở Hà Nội, TP.HCM và Hà Tĩnh). Phía Việt Nam được yêu cầu khẩn cấp kiểm tra danh sách này để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ, đồng thời cung cấp cho Ủy ban châu Âu tên, địa chỉ, người liên hệ và địa chỉ email của bất kỳ nhà sản xuất xuất khẩu nào khác có thể liên quan chậm nhất là ngày 5.8.
Điều này nhằm đảm bảo rằng, nếu Ủy ban châu Âu quyết định khởi xướng thủ tục chống bán phá giá, Ủy ban có thể liên hệ với họ mà không chậm trễ. Ủy ban đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam tại Liên minh châu Âu trong việc đảm bảo rằng tất cả các nhà sản xuất xuất khẩu đều có đầy đủ cơ hội hợp tác trong cuộc điều tra.
Bình luận (0)