Thép nhập tăng mạnh, sản xuất nội địa teo tóp

13/07/2024 06:14 GMT+7

Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) của VN năm 2021 chỉ đạt 86% công suất thiết kế. Con số này tiếp tục giảm xuống chỉ còn 79% trong năm 2023 và đang tiếp tục giảm vì lượng hàng ngoại nhập không ngừng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Doanh nghiệp nội mất dần thị trường

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan VN cho thấy trong tháng 6.2024, VN nhập khẩu 886.000 tấn thép HRC, bằng 151% sản xuất trong nước; trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm đến 77%. Thép Trung Quốc chiếm ưu thế nhờ giá nhập khẩu bình quân chỉ 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45 - 108 USD/tấn.

Thép nhập tăng mạnh, sản xuất nội địa teo tóp- Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất thép nội địa bị thép giá rẻ từ Trung Quốc chiếm dần thị trường

Minh Phích

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn (trị giá 3,46 tỉ USD), tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng thép nhập khẩu này bằng 173% nếu so với sản xuất trong nước. Đứng đầu nguồn cung thép HRC nhập khẩu vẫn là Trung Quốc đại lục với 74%; các nguồn cung quan trọng khác đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), nhu cầu thép cán nóng tại VN vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất của các nhà máy nội địa hiện khoảng 9 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào VN, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước. Điều này khiến thị phần bán hàng của doanh nghiệp (DN) Việt mất dần vào tay các nhà cung cấp ngoại. Thị phần giảm khiến công suất sản xuất của các nhà máy nội địa năm 2021 chỉ đạt 86%, đến năm 2023 chỉ còn 79% tương đương 6,7 triệu tấn. Trong khi đó, thép nhập khẩu năm 2023 lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.

Đáng nói, thép HRC là sản phẩm nền và là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ, thép kết cấu, đóng tàu, vỏ container và nhiều sản phẩm hạ nguồn khác. Trước đây VN chưa thể sản xuất HRC do vốn đầu tư để làm nhà máy thép cán nóng rất lớn, đồng thời yêu cầu công nghệ rất cao nên hoàn toàn phải nhập khẩu. Với chủ trương khuyến khích đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn, ưu tiên sản xuất trong nước của Chính phủ, ngành thép VN từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới đã vươn lên số 1 Đông Nam Á và top 13 thế giới. Vì thế, tình trạng thép ngoại nhập giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường không chỉ khiến thép nội phải thu hẹp thị phần mà còn dấy lên lo ngại thép ngoại chỉ gia công đơn giản, sau đó lại được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và châu Âu với mác hàng Việt. Điều này có thể khiến các thị trường nhập khẩu tiến hành điều tra đánh thuế lẩn tránh với hàng VN xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín và cán cân thương mại của chúng ta.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, phân tích: Thép cán nóng là ngành công nghiệp siêu quan trọng vì nó giống xương sống của các ngành công nghiệp và cả ngành kinh tế. Chính vì vậy có người ví von nó là "ngành công nghiệp bánh mì" vì không thể thiếu được. Ngành này đòi hỏi vốn lớn và trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao. DN VN mới sản xuất được trong những năm gần đây, chất lượng rất tốt nên cần được bảo vệ bằng cơ chế chính sách phù hợp. "Một nhà máy thép như Hòa Phát mới đầu tư 6 - 7 tỉ USD, nếu phải đóng cửa thì rất khó khởi động lại và tiền đầu tư là vốn của rất nhiều cổ đông, tức là tài sản của xã hội và cả nền kinh tế", ông Tuất nhấn mạnh.

VN đang là vùng trũng thuế cho thép Trung Quốc 'tấn công'

Dù đang trong quá trình bị VN điều tra chống bán phá giá nhưng thép Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn vào thị trường. Nguyên nhân là do bối cảnh lịch sử của ngành thép VN, trước đây chúng ta không sản xuất được thép HRC, thép chất lượng cao nên khi tham gia các hiệp định, cam kết quốc tế chúng ta đều áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%.

Thép nhập tăng mạnh, sản xuất nội địa teo tóp- Ảnh 2.

NGUỒN: Tổng cục Hải quan

MINH TƯỞNG

Trong khi đó nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm mọi cách để hạn chế tác động tiêu cực từ nguồn thép dư thừa khổng lồ từ Trung Quốc. Đáng chú ý là từ ngày 1.8, Mỹ sẽ tăng thuế với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong số này, thuế đối với một số sản phẩm thép và nhôm Trung Quốc sẽ tăng hơn 3 lần, từ 7,5% lên 25%. Trước đó, giữa tháng 5.2024, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã mở cuộc điều tra đối với các sản phẩm sắt hoặc thép từ Trung Quốc. Theo Bloomberg, các nước Mỹ Latin như Brazil, Mexico, Chile hay Colombia cũng có những động thái tương tự. TTXVN dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Indonesia cho biết nước này sẽ sớm áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc để giảm thiểu tác động của cạnh tranh thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trước nguy cơ trở thành "vùng trũng thuế quan" cho thép Trung Quốc, trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cảnh báo: Trong tất cả các mặt hàng Mỹ bổ sung thuế quan đối với Trung Quốc, VN cần đặc biệt lưu ý mặt hàng sắt thép các loại. Nguyên nhân là trong năm 2023 VN nhập khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc đến 5,7 tỉ USD, tương đương 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Đây là rủi ro tiềm ẩn vì việc tăng nhập khẩu từ Trung Quốc vào VN, cùng với việc xuất khẩu của VN sang Mỹ tăng lên có thể làm dấy lên nghi ngờ về việc Trung Quốc lợi dụng VN để né thuế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khuyến cáo: Thép là ngành công nghiệp quan trọng và các DN sản xuất nội địa cần phải được bảo vệ. Đối với Mỹ, đây cũng là lĩnh vực hết sức nhạy cảm và sản phẩm thép của VN từng bị họ áp thuế rất cao vì nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt. "Hiện tại, việc Bộ Công thương tiếp nhận điều tra chống bán phá giá với thép Trung Quốc là việc làm hết sức tích cực. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cũng cần tích cực trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ DN Việt và thị trường nội địa", ông Thịnh nói.

Ông Phan Đăng Tuất nói thẳng: "Chúng ta cũng phải thừa nhận tình trạng bán phá giá của thép Trung Quốc và thậm chí cả Ấn Độ là có thật. Trước đây không sản xuất được nên chúng ta buông và áp thuế 0%. Nhưng nay chúng ta có nền sản xuất tương đối tốt và đáng quý hơn là do DN tư nhân đầu tư. Chính vì vậy, vai trò của nhà nước là cần có chính sách đủ tốt để ngành này duy trì và phát triển". "Nếu nhìn toàn cục có thể thấy nhập thép giá rẻ của Trung Quốc về chế biến thành sản phẩm hạ nguồn thì có một số DN hưởng lợi và đó là lý do không ít DN chống đối cuộc điều tra chống bán phá giá. Nhưng nếu bây giờ chúng ta tiếp tục buông tay thì toàn bộ ngành công nghiệp thép VN sẽ phá sản, về lâu dài nền sản xuất và cả kinh tế sẽ rất cam go. Chính vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành phải tích cực vào cuộc để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường, bảo vệ DN nội địa và nền kinh tế bằng các cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Tuất nêu thêm. 

Vấn đề cấp thiết của ngành thép được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 15.6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Nhiều ý kiến tại hội nghị kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn tràn vào thị trường VN. Bộ Công thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Trước đó một ngày, Bộ Công thương hôm 14.6 đã tiếp nhận hồ sơ điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.