Để có cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ cao, thí sinh nên chọn cùng lúc hai hình thức để vừa dự thi chung vừa xét tuyển riêng.
|
Chuẩn bị bài thi phỏng vấn
Một số trường có đề án tuyển sinh riêng năm nay đã đưa hình thức phỏng vấn để lựa chọn thí sinh. Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Sau khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường theo hình thức thi 3 chung và xét tuyển, trường sẽ tổ chức phỏng vấn bổ sung đối với thí sinh có nguyện vọng học các ngành sư phạm. Trong buổi phỏng vấn, trường còn xem xét lại học bạ môn văn và khả năng diễn đạt. Vì môn văn rất quan trọng đối với giáo viên nên nếu điểm năng lực môn văn yếu quá thì cũng không được”.
Trong buổi phỏng vấn, Hội đồng tuyển sinh sẽ kiểm tra để xác định thí sinh có bị dị hình, dị tật về âm thanh hay không. Đồng thời bằng việc hỏi - đáp và thực hiện các bài trắc nghiệm khách quan nhỏ, thí sinh sẽ được kiểm tra kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thái độ đối với việc học tập, tư duy sáng tạo, kỹ năng, hành vi, năng khiếu, sự thích ứng nghề nghiệp... “Trường đang soạn các tiêu chí cho việc này. Thí sinh sẽ được phỏng vấn trong vòng 10 đến 15 phút và chấm theo thang điểm 10. Thí sinh nào không đạt thì học chương trình kỹ sư”, tiến sĩ Phương nói thêm.
Với các trường vừa tổ chức thi theo kỳ thi “3 chung” vừa xét tuyển theo tiêu chí riêng, để có cơ hội trúng tuyển cao, thí sinh nên tận dụng sự cho phép của quy chế là chọn cùng lúc hai hình thức để vừa dự thi, vừa xét tuyển |
||
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM |
||
Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng tổ chức vòng phỏng vấn. Sau khi thí sinh thi tuyển theo kỳ thi “3 chung” của Bộ, vòng thi này sẽ kiểm tra thí sinh về khả năng giao tiếp, tư duy, lập luận, xử lý tình huống... Được biết, điểm trúng tuyển là tổng điểm của kết quả thi tuyển sinh ĐH (chiếm 85%) và điểm phỏng vấn trực tiếp (chiếm 15%).
Trường ĐH Phan Châu Trinh có 3 tiêu chí để xác định điểm trúng tuyển: kiến thức (điểm trung bình lớp 10, 11, 12), đạo đức (hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại khá trở lên) và năng lực (khả năng viết đơn dự tuyển và trình bày ý kiến về một vấn đề trường đưa ra). Nếu thí sinh có điểm kiến thức (tiêu chí 1) bằng nhau thì phải tham dự thêm vòng phỏng vấn (10 -15 phút), có thể qua điện thoại hoặc đến trường, tùy thí sinh lựa chọn.
Còn Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang cũng lấy kết quả phỏng vấn về năng lực tư duy, thái độ, kỹ năng để làm một trong những tiêu chí xác định trúng tuyển. Nội dung phỏng vấn sẽ được thiết kế theo ngành đào tạo và kết quả vòng này chiếm 15% điểm trúng tuyển.
Có cơ hội xét tuyển vào trường khác ?
Không chỉ cách thức tuyển sinh riêng, thí sinh còn cần lưu ý đến cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung khi thi vào các trường này.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết: “Quy chế ghi rõ, thí sinh thi vào trường tuyển sinh riêng sẽ không được sử dụng kết quả để xét vào các trường khác. Thí sinh thi vào các trường này, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không có cơ hội tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường”.
Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thí sinh cần nắm rõ thông tin để lựa chọn và chấp nhận. Tuy nhiên theo tiến sĩ Nghĩa, hầu hết các trường này đều có ngày nhận hồ sơ, ngày thi môn năng khiếu do trường tổ chức riêng kết hợp xét tuyển kết quả học bạ THPT. Có nghĩa, thí sinh vừa có thể dự thi vào các trường này, vừa có thể dự thi vào trường khác có tổ chức kỳ thi “3 chung” để có cơ hội trúng tuyển cao.
Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, thí sinh thi vào trường tuyển sinh riêng cần lưu ý thêm khối V1 và H1 vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, một khối thi mới và riêng chỉ có tại trường này. Đến thời điểm này, một số trường cho biết sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung thêm hai khối thi này nếu Bộ cho phép như: ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Duy Tân... Nhưng đến nay thí sinh vẫn chưa biết chính xác trường nào được xét tuyển hai khối thi này khi tại chương trình trực tuyến của Báo Thanh Niên vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chỉ cho phép xét tuyển bổ sung hai khối thi này nếu các trường đăng ký từ đầu.
Điểm đáng lưu ý nữa, theo tiến sĩ Nghĩa: “Với các trường vừa tổ chức thi theo kỳ thi “3 chung” vừa xét tuyển theo tiêu chí riêng, để có cơ hội trúng tuyển cao, thí sinh nên tận dụng sự cho phép của quy chế là chọn cùng lúc hai hình thức để vừa dự thi, vừa xét tuyển”.
Mỹ Quyên - Hà Ánh
Bình luận (0)