Thi công làm ảnh hưởng đến di tích tháp Bánh Ít: Không ai chịu trách nhiệm!

11/03/2022 20:15 GMT+7

Sở VH-TT và Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho rằng việc thi công tại tháp Bánh Ít thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận, không xâm hại di tích.

Chiều 11.3, liên Sở VH-TT, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã có văn bản cung cấp thông tin về việc thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định).

Theo đó, hai sở này này khẳng định việc triển khai thi công được thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, đúng theo hồ sơ thiết kế được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận, không có đào xới, xâm hại di tích.

Quần thể tháp Bánh Ít có nhiều vị trí đang được thi công

bảo thoa

Dùng máy đào múc bụi rậm gần tháp

Theo thông tin do 2 Sở VH-TT, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cung cấp, khi triển khai thi công vị trí mái ta luy tháp Cổng, nhà thầu đã dùng máy đào đứng trên bệ cao với cần để múc các bụi rậm hai bên tháp. Sau khi phát dọn cây cỏ, bụi rậm chung quanh chân tháp Cổng để chuẩn bị mặt bằng, xếp đá ong, trồng hoa theo thiết kế thì lộ ra một số hố rỗng ở chân tháp (có thể do nhiều lần tu bổ trước đây đầm len không kỹ nên qua thời gian sụt đất, lộ chân tháp). Do đó, đơn vị thi công đã lấp đất mới để tạo mặt bằng lát đá ong, không xâm hại di tích. Ngày 4.3, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã yêu cầu đưa máy đào ra khỏi khu vực tháp.

Xe đào thi công gần khu vực tháp Cổng

bạn đọc cung cấp

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại văn bản thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công công trình của Cục Di sản văn hóa, đơn vị này đã lưu ý Sở VH-TT tỉnh Bình Định chỉ cắt tỉa các cành khô và phát quang các bụi cây rậm xung quanh tháp, không hạ thấp tán cây thân cao xung quanh tháp. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã dùng máy đào để múc các bụi rậm hai bên tháp.

Đối với bồn hoa chung quanh tháp, 2 sở nói trên giải thích là đơn vị thi công thực hiện theo đúng thiết kế. Nhưng vì thấy màu trắng xám của gạch không nung sở phản cảm, trong thời gian lát đá ong đã sơn tạm màu gạch làm cho nhiều người nhầm lẫn đã hoàn thiện, cho rằng trùng tu phá hoại tháp. Hiện UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất điều chỉnh thiết kế, không xây bồn hoa mà sẽ lát đá ong quanh chân tháp để trồng cỏ.

Bồn hoa quanh tháp khi chưa được sơn

bạn đọc cung cấp

Bồn hoa sau khi được sơn màu gạch

hoàng trọng

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho rằng việc xây bồn hoa này sẽ dẫn đến việc tưới cây, nước thấm nhiều năm làm hư chân tháp. Chân tháp Chăm đã có điêu khắc trang trí, nên bồn hoa và cây lên cao sẽ che khuất tầm nhìn. Việc này chứng tỏ người thiết kế và thẩm định thiết kế không hiểu rõ về tháp Chăm và chủ đầu tư cũng không tham vấn ý kiến chuyên gia khi thẩm định dự án.

Liên Sở VH-TT, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng cho rằng việc tháo dỡ tấm bê tông trên sân tháp Chính có phát hiện gạch đất nung vỡ vụn từ lâu, giống như ở các tháp Chăm khác trên địa bàn tỉnh, xung quanh chân tháp đều có phần gạch vụn, là phần vật liệu không sử dụng được trong quá trình xây dựng tháp trước đây.

Trong đống gạch vỡ phát hiện có một mảnh đá màu đen xám chạm khắc (kích thước (40x60x44) cm, hình dáng không rõ ràng. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định và sẽ nhờ các chuyên gia giám định theo quy định của Luật Di sản.

Gạch và mảnh đá màu đen bên dưới tấm bê tông

bạn đọc cung cấp

Về vấn đề này, TS Đinh Bá Hòa lại cho rằng khu vực quần thể tháp Bánh Ít còn rất nhiều công trình khác đã bị đổ xuống, chưa phát lộ và chưa được khai quật. Khi đào xuống nếu phát hiện ra hiện vật và vật kiến trúc thì phải dừng lại, mời các chuyên gia đến xem đó là cái gì đã rồi báo cáo với UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL để xem xét, quyết định, không nên lấp lại rồi thi công tiếp dự án cho xong.

Giám đốc Sở VH-TT tránh né phóng viên

Trong văn bản cung cấp cho báo chí, Sở VH-TT tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) khẳng định xin tiếp thu và rút kinh nghiệm sâu sắc, sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình của nhà thầu thi công mà báo chí đã phản ánh.

Móng xây bằng đá và trụ bê tông quanh sân tháp Chính

hoàng trọng

Trong văn bản này không nói rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan khi đơn vị thi công tự ý đưa phương tiện cơ giới đến thi công tại khu vực xung quanh các tháp (theo hồ sơ dự án thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay), thời gian đưa máy móc thi công là bao lâu (nhiều người cho rằng máy móc được đưa lên khu vực từ sau tết Nguyên đán đến khi bị Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu phải đưa đi nơi khác), giám sát công trình và nhân viên bảo vệ di tích tháp Bánh Ít có báo cáo vụ việc dùng cơ giới thi công gần tháp với lãnh đạo Sở VH-TT hay không, lãnh đạo sở có biết việc này trước khi Thanh tra Sở xây dựng phát hiện hay không…

Trong ngày 11.3 và những ngày trước đó, PV Thanh Niên và một số phóng viên thường trú tại Bình Định liên lạc với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, để nắm rõ hơn về các thông tin nói trên và quy trình lựa chọn các nhà thầu thi công dự án, có hay không việc nhà thầu khoan giếng tại khu vực tháp Bánh Ít…

Tháp Bánh Ít dừng đón khách tham quan trước khi Sở VH-TT có văn bản xin ý kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định

Tuy nhiên, ông Tạ Xuân Chánh không nghe điện thoại và không đồng ý gặp, trao đổi trực tiếp với các phóng viên. Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng nói rằng thông tin vụ việc liên quan đến tháp Bánh Ít có trong thông cáo báo chí của Sở VH-TT, Sở Xây dựng và không trao đổi thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.