Bài thi đánh giá năng lực sẽ được sử dụng để xét tuyển trực tiếp vào gần 90 đơn vị đào tạo này sẽ kiểm tra những nội dung gì?
NHỮNG MÔN HỌC SẼ XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ THI
Sáng 26.3, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra đợt 1 tại 47 cụm thi của 21 địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp. Như vậy, so với năm trước, kỳ thi này mở rộng thêm 4 điểm thi tại các tỉnh khu vực Tây nguyên và ĐBSCL để tạo thuận lợi cho thí sinh (TS) dự thi. Không chỉ các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi này còn có sự phối hợp tổ chức của gần 30 trường ĐH, CĐ khác. Kết quả kỳ thi này cũng được gần 90 đơn vị sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đợt 1 kỳ thi này có 89.672 TS đến từ 61 tỉnh thành thuộc 1.885 trường THPT xác nhận dự thi. So với số TS dự thi chính thức đợt 1 năm 2022, năm nay tăng thêm hơn chục ngàn TS (năm ngoái có 79.372 TS dự thi).
Chia sẻ thông tin về đề thi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết TS chỉ làm một bài thi duy nhất trong thời gian 150 phút. Đề thi gồm 120 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với 3 phần riêng biệt: sử dụng ngôn ngữ (40 câu); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu).
"Đề thi sẽ ra trong phạm vi chương trình THPT với các kiến thức trải dài từ lớp 10, 11 đến 12. Trong đó, đề thi tập trung chủ yếu kiểm tra kiến thức các môn: ngữ văn, tiếng Anh, toán học, hóa học, vật lý, sinh học, địa lý và lịch sử. Trong đó, phần kiến thức liên quan đến khoa học tự nhiên nhiều hơn lĩnh vực khoa học xã hội", tiến sĩ Chính nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Chính, đề thi không rạch ròi kiểm tra kiến thức từng môn, đặc biệt trong 2 phần sau của đề thi. Chẳng hạn ở phần thi toán học, tư duy logic và phân tích số liệu vừa đòi hỏi TS áp dụng kiến thức toán học, vừa yêu cầu khả năng tư duy, diễn giải, so sánh, phân tích số liệu. Trong đó, phần tư duy logic không chỉ kiểm tra kiến thức toán học mà còn tích hợp các môn khoa học khác. Phần xử lý số liệu không dạy cụ thể trong trường nhưng học sinh sẽ tiếp cận với số liệu được lồng ghép trong các môn học khác nhau, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên.
CẦN NĂNG LỰC ĐỌC VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, một đặc điểm về mặt hình thức của đề thi đánh giá năng lực là khá dài. Ví dụ, đề minh họa ĐH Quốc gia TP.HCM công bố năm nay dài tới 15 trang. Đề thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản, từ đó yêu cầu TS thể hiện khả năng suy luận, giải quyết vấn đề.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho hay đề thi thực tế cũng nằm trong khoảng 15-16 trang giấy.
"Với đặc điểm đó, năng lực đọc và xử lý thông tin bằng phương pháp đọc rất quan trọng trong việc tiếp cận đề thi này. Phương pháp đọc hiểu này không chỉ cần thiết với phần 1 sử dụng ngôn ngữ mà ở cả 2 phần còn lại của bài thi. TS có khả năng đọc, phân tích tổng hợp tốt sẽ có lợi thế khi làm bài thi này", tiến sĩ Chính cho hay.
Điểm mỗi câu trong đề thi sẽ có trọng số khác nhau tùy vào độ khó - dễ. Nhưng đánh giá chung về mức độ đề, tiến sĩ Chính cho hay: "Đa số các câu hỏi của đề thi sẽ tập trung ở mức độ vận dụng, tức yêu cầu TS không chỉ biết mà còn phải sử dụng kiến thức để xử lý, giải quyết vấn đề. Một số câu hỏi khó hơn có thể yêu cầu ở học sinh năng lực phân tích đánh giá, nhưng ngược lại cũng có số ít câu hỏi chỉ dừng ở mức độ hiểu".
Cũng vì đặc thù đề thi dài, tiến sĩ Chính tư vấn thêm: "Ngoài đọc tốt, TS cần phải phân bố thời gian hợp lý, không nên dồn quá nhiều sức vào một câu quá khó, phần nào tự tin nhất có thể làm trước và cuối cùng có thể sử dụng khả năng loại trừ để hoàn thành bài thi".
"THỜI GIAN NÀY ĐỪNG CỐ GẮNG LÀM THÊM NHỮNG BÀI KHÓ"
Cũng theo Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo này, TS chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng theo quy định như: bút viết, bút chì đen, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi theo quy định và atlat địa lý VN (do Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì). Trong số này, tiến sĩ Chính đặc biệt nhấn mạnh đến 3 dụng cụ cần thiết hỗ trợ cho TS trong việc làm bài gồm: máy tính cầm tay, atlat địa lý VN và thước kẻ để dựng sơ đồ trong khi giải quyết vấn đề. Bởi trong đề thi có thể xuất hiện câu hỏi yêu cầu TS sử dụng tài liệu atlat địa lý VN để làm bài.
Ở thời điểm này, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, TS cần có sự chuẩn bị tốt nhất để thể hiện các năng lực cần thiết khi làm bài. Muốn vậy, ông Chính khuyên: "TS đừng cố gắng làm thêm những bài khó, học thêm kiến thức mới. Thay vào đó, các em nên ôn tập nhẹ nhàng theo hướng hệ thống hóa kiến thức. Đồng thời cần ăn ngủ điều độ để giữ cơ thể khỏe mạnh, tỉnh táo nhất có thể".
4 lưu ý khi xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, tư vấn khi xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực, TS cần lưu ý mỗi trường tổ chức thi đánh giá năng lực có một dạng câu hỏi và cách tính điểm khác nhau. Chẳng hạn bài thi của ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá về năng lực ngôn ngữ, tư duy, cách phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề với điểm tối đa là 1.200. Trong khi bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần tư duy định lượng, tư duy định tính và khoa học với điểm tối đa là 150 điểm. Dạng đề thi, cấu trúc đề thi khác nhau nên các em phải theo dõi thông báo của trường.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Hải, TS cũng nên tìm hiểu cách tính điểm ưu tiên vì điểm ưu tiên ở phương thức này sẽ được các trường quy đổi, không giống với điểm ưu tiên trong thang điểm 30 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Đồng thời, mỗi trường cũng có ngưỡng điểm xét tuyển khác nhau cho các ngành học (điểm tối thiểu nhận hồ sơ, không phải điểm trúng tuyển).
"Vì vậy các em cần chú ý 4 điểm khi dùng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, đó là trường nào xét tuyển, xét như thế nào, cách tính điểm ưu tiên ra sao và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành cụ thể", tiến sĩ Hải nhắn nhủ.
Mỹ Quyên
Công nhận kết quả bài thi đánh giá năng lực lẫn nhau
Năm 2023, các đơn vị có tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cửu Long, và kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an.
Trước đó, Ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đã thống nhất chủ trương công nhận kết quả bài thi đánh giá năng lực lẫn nhau phục vụ xét tuyển. Theo đó, TS có thể dùng điểm một trong hai bài thi đánh giá năng lực để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM và các đơn vị có xét tuyển từ 2 bài thi này. Khi đó, một TS khu vực phía bắc có thể sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển vào các đơn vị của ĐH Quốc gia TP.HCM và ngược lại. Tuy nhiên, 2 bài thi này có tổng điểm khác nhau nên cần một công thức chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực. Hiện bài thi ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng điểm 1.200 và ĐH Quốc gia Hà Nội 150 điểm.
Bình luận (0)