Đi thi đánh giá năng lực từ 4 giờ sáng
Có nhiều câu dễ để thí sinh ghi điểm
Tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh Nguyễn Ngọc Toàn (Trường THPT Chu Văn An, Đồng Nai) cho rằng đề thi khá vừa sức, có tính thực tế, có vài câu đánh đố phần toán logic. "Các câu hỏi trong phần ngôn ngữ và tổ hợp khoa học xã hội khá dễ. Em thích nhất phần toán thống kê", Toàn nhận xét. Nam sinh này dự định dùng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Trong khi đó, một số thí sinh khác tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng đề thi dài và không tự tin đạt được điểm cao.
Ghi nhận tại những điểm thi ở Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, các thí sinh cho rằng đề thi thật khó hơn đề thi mẫu. Tùy theo chuyên về khối khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, thí sinh có nhận xét độ khó của các phần khác nhau.
Thí sinh Lê Trọng Hiếu, học sinh Trường THPT An Ninh (tỉnh Long An) tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét đề thi có nhiều câu dễ để thí sinh ghi điểm. “Phần chiếm thời gian nhất là giải quyết vấn đề về sinh học vì có nhiều câu hỏi nằm ở kiến thức lớp 10, lớp 11 nên em không nhớ rõ”, nam sinh nói.
Bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 150 phút, tổng điểm 1.200. Trong đó, điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; và phần giải quyết vấn đề là 500 điểm. Kết quả kỳ thi được sử dụng để tuyển sinh trực tiếp vào nhiều trường ĐH, CĐ năm 2023.
Thí sinh Nguyễn Việt Hương Trà (học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Đề thi khó hơn đề mẫu, nếu ôn tập kỹ chương trình lớp 12 thì có thể đạt mức trên 600 điểm. Em mất nhiều thời gian ở phần toán logic do học lệch khối xã hội. Phần chính trị xã hội thì em nghĩ rằng chỉ cần đọc kỹ câu hỏi và suy nghĩ logic là có thể đưa đáp án đúng”.
Điểm mới trong đề thi năm nay
Trong khi đó, Nguyễn Thái Hưng Thịnh (học sinh Trường THPT Trung Phú, H.Củ Chi, TP.HCM) nhận thấy độ khó của đề thi là vừa sức, không khác cấu trúc đề mẫu. “Theo em, phần logic thì khó, còn phần vật lý dễ, chỉ cần áp dụng công thức là có đáp án. Trong khi phần logic ngốn hết 20 phút của em vì phải suy nghĩ dựa vào câu hỏi để suy luận. Em dự đoán đạt được 750-850 điểm và dự kiến xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM”, Thái Hưng Thịnh nói.
Bên cạnh đó, Bùi Thị Như Ý (học sinh Trường THPT Vinh Lộc, Thừa Thiên-Huế) nói: “Những câu hỏi về hóa học khá khó vì đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc lý thuyết và có thêm một chút tư duy”.
Theo Như Ý, phần chính trị xã hội là sự đổi mới trong đề thi năm nay so với các năm trước. “Dù là phần mới nhưng nó cũng khá đơn giản chứ không quá khó đối với đa số thí sinh. Còn phần dễ nhất đối với em là phần tiếng Việt. Với đề thi này thì em tự tin mình làm được khoảng 70-75%. Em đặt mục tiêu xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM”, nữ sinh nói thêm.
Năm nay, gần 90.000 thí sinh chính thức tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM trong sáng 26.3. Các thí sinh đến từ 61 tỉnh thành thuộc 1.885 trường THPT xác nhận dự thi. So với số thí sinh dự thi chính thức đợt 1 năm 2022, năm nay tăng thêm hơn chục ngàn thí sinh (năm ngoái có 79.372 thí sinh dự thi).
Phụ huynh, nhà trường đồng hành cùng thí sinh
Trong thời gian làm bài của các thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, bên ngoài các điểm thi, nhiều phụ huynh thấp thỏm đợi con dưới trời nắng nóng.
Ông T.Q.H (nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cùng con gái di chuyển đến điểm thi bằng xe máy từ khoảng 5 giờ 50 phút sáng. "Tôi chỉ nghe con gái nói sơ qua về kỳ thi rằng nội dung kiến thức của đề thi rất rộng và không sát với chương trình học bình thường. Trước ngày thi, tôi có dặn con không ôn tập quá nhiều, nghỉ ngơi sớm. Con đi thi phần nào cũng gặp áp lực nên tôi ngồi đợi con như một cách động viên tinh thần", ông H. nói.
Còn bà Võ Thị Kim Phượng đưa con là học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Long An) đến TP.HCM bằng xe khách trước một ngày và ở nhờ nhà người quen tại Q.7. "Sáng nay (26.3), tôi cùng con xuất phát sớm từ 5 giờ 30 sáng để đến điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (cơ sở Thủ Đức). Trong thời gian ôn luyện, gia đình luôn nhắc nhở cháu học bài kỹ và giữ gìn sức khỏe. Tôi không biết cụ thể con chọn ngành nào, chỉ biết là con có ý định xét vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM", bà Phượng chia sẻ.
Trong khi đó, một số trường THPT tại TP.HCM tổ chức đưa đón thí sinh đến điểm thi. Phụ trách dẫn đoàn học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (H.Hóc Môn, TP.HCM) đến điểm thi tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.12), cô Đỗ Phan Nhã An nhận xét: "Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 có rất nhiều thí sinh tham dự, có tính cạnh tranh cao. Đây là cơ hội để học sinh kiểm tra kiến thức, là bước chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên chủ quan nếu đạt điểm cao mà lơ là ôn tập".
Bình luận (0)