Thi để làm gì ?

28/07/2014 09:00 GMT+7

Câu hỏi 'Thi để làm gì?' tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ có câu trả lời.

Câu hỏi “Thi để làm gì?” tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ có câu trả lời.

Thi để làm gì ?
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường CĐ năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ai cũng biết học đương nhiên phải có thi nhằm đánh giá việc dạy và học, để cấp bằng (chứng nhận), để phân loại, xét tuyển, chọn người có năng lực… Như thế, mỗi kỳ thi nhằm mục đích khác nhau, với những mục tiêu, kỳ vọng không giống nhau.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều với những lập luận không dễ gì bắt bẻ được nhằm đóng góp cho chủ trương một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào dự kiến bắt đầu từ năm 2015. Vấn đề ở đây không phải sáp nhập hay thay thế các kỳ thi mà về lâu dài nó là động lực để đổi mới nền giáo dục VN, tiệm cận với những chuẩn mực của quốc tế. Vì thế, nếu chỉ tranh luận nên giữ/bỏ kỳ thi nào thì sẽ không bao giờ đi đến bản chất của vấn đề. Có thể đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ý tưởng“một kỳ thi chung” kéo dài gần 10 năm mà đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ngay từ năm 2007 đã có phương án kết hợp thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH. Đến năm 2009, tưởng chừng như phương án này đã chín muồi để thực hiện nhưng mọi thứ vẫn y nguyên đến hôm nay.

Bắt đầu từ đâu? Thực hiện thế nào?... những câu hỏi này chỉ được làm rõ khi những người làm giáo dục trả lời được thực sự muốn gì ở một kỳ thi chung. Nghĩa là phải làm rõ mục đích của kỳ thi.

Từ cơ sở này, Báo Thanh Niên tổ chức diễn đàn “Thi để làm gì?” với mong muốn đăng tải các ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội về những vấn đề của thi cử mà giáo dục VN cần hướng đến. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến tham gia của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ

[email protected].

Một kỳ thi không thể gánh hai chức năng

Để trả lời chính xác thi để làm gì thì phải hiểu chính xác mục đích của mỗi kỳ thi. Thực tế chất lượng của kỳ thi không quyết định bằng việc có tổ chức kỳ thi cấp quốc gia hay không.

Không đánh đồng giữa xét tuyển và tuyển sinh

Điều đầu tiên cần phải hiểu rằng, bắt đầu từ năm nay đã chỉ còn một kỳ thi quốc gia, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các năm trước thi “3 chung” là kỳ thi quốc gia vì tính chất bắt buộc phải tham gia của tất cả các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Bắt đầu từ năm nay đã khác. Tuy rằng kỳ thi “3 chung” vẫn được tổ chức, hình thức vẫn như trước nhưng không bắt buộc, các trường có thể tham gia hoặc không.

Tôi phải nhấn mạnh tuyển sinh khác với xét tuyển. Nhiều người nhầm lẫn chỗ này. Luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh, có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh như xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai. Xét tuyển chỉ là một hình thức. Có khi nhiều trường ĐH chẳng cần kỳ thi “3 chung”, có thể xét tuyển ngay từ kết quả học tập phổ thông. Có những trường dùng kết quả này để sơ tuyển, sau đó thi thêm một số bài theo yêu cầu, tức là kết hợp sơ tuyển, xét tuyển. Cũng có trường tổ chức thi một kỳ thi, hoặc sử dụng kỳ thi của Bộ GD-ĐT là thi tuyển.

Như vậy chức năng tuyển sinh của kỳ thi chung chỉ nằm ở chỗ người ta có thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển chứ không phải thi tuyển. Ở đây, rõ ràng chức năng chính của nó là tốt nghiệp THPT. Bởi vậy phải giải quyết mục tiêu xét tốt nghiệp THPT làm sao cho được tốt. Nếu như kỳ thi đó tổ chức tốt, kết quả đáng tin cậy thì sẽ tạo cơ hội cho trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả đó để tuyển sinh (xét tuyển hoặc tổ chức thi thêm). Như vậy không có chuyện kỳ thi này phải thực hiện 2 chức năng.

Còn giờ bắt một kỳ thi mà vừa làm cái này tốt, vừa làm cái kia tốt là không khả thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải rõ mục đích ra đề làm sao để đánh giá được, xét tốt nghiệp được học sinh vì thế không thể ra quá khó. Còn nếu bây giờ ra đề khó như yêu cầu tuyển sinh ĐH và dùng đề thi đó để đánh giá tốt nghiệp THPT thì có lẽ xét tốt nghiệp có khi phải lấy đến điểm 1 - 2.

Sẽ là thiếu hiểu biết nếu bảo trong một đề thi có thể thiết kế câu này để xét tốt nghiệp, câu kia để tuyển sinh ĐH. Một đề thi với mục đích gì thì cũng phải hỏi đủ rộng để bao quát các kiến thức và kiểm tra mức độ mà học sinh làm chủ được kiến thức.

Không cần một kỳ thi quốc gia với mục đích như hiện nay

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 98 - 99%, Bộ GD-ĐT lý giải kỳ thi này không theo đuổi mục đích đánh trượt học sinh. Điều này cũng đúng thôi nhưng khi không có mục tiêu đánh trượt thì cứ thi nhưng phải nhẹ nhàng hơn và giao cho các địa phương họ tự tổ chức. Như thế đây không còn là kỳ thi quốc gia nữa mà là của địa phương…

Theo Bộ GD-ĐT, mục đích nữa của kỳ thi quốc gia là để đánh giá năng lực học sinh chung của toàn quốc rồi so sánh chất lượng giáo dục giữa các vùng miền với nhau. Cái này thì hoàn toàn không cần làm với tất cả học sinh, chỉ cần chọn ngẫu nhiên theo vùng miền, cơ sở đào tạo, chọn ra đại diện từ cả học sinh giỏi, khá, trung bình… giống như cách thi PISA: 7.000 học sinh thi nhưng rất chính xác. Chúng ta tưởng thi là có số liệu nhiều hơn nhưng thực tế lại không kiểm soát được khâu coi thi và chấm thi bởi vậy không chính xác. Trong khi chọn đại diện với số lượng học sinh ít hơn nhưng có thể huy động lực lượng, tổ chức thi thật nghiêm túc, chính xác, chấm thi tin cậy… và như vậy hoàn toàn xếp hạng được học sinh vùng miền, hơn cái kết quả chung này. Thế nên, nếu chỉ vì mục đích đánh giá các địa phương, xếp hạng rồi đánh giá tình hình chung thì cũng không cần làm kỳ thi quốc gia.

Việc thi cử, đánh giá chỉ có thể đổi mới toàn diện theo hướng thực chất hơn nếu thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa theo đúng mục tiêu là phải hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa như vậy thì việc kiểm tra, đánh giá cũng đều phải hướng chuyển sang các bài thi nhằm đánh giá năng lực chung và chuyên biệt của người học là đương nhiên.

Ý kiến:

Nhằm nâng cao chất lượng

Nếu học mà không thi thì dễ dẫn đến tình trạng học sinh không chịu học, ôn bài. Giáo viên cũng sẽ không nâng cao, chú trọng chất lượng trong từng bài giảng. Như tại TP.HCM, nhiều năm trước, các quận huyện không tổ chức thi tuyển lớp 10 mà chỉ xét tuyển. Kết quả là chất lượng đầu vào lớp 10 đi xuống, nhiều thầy cô đã phản ánh tình trạng này, nhiều quận huyện kiến nghị phải thi tuyển để nâng chất lượng đầu vào. Đến năm nay, 24 quận huyện đều phải thi tuyển lớp 10 chứ không xét tuyển nữa.

Văn Đức Lo
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, H.Hóc Môn, TP.HCM)

Để đánh giá quá trình học tập

Thi là để đánh giá quá trình học của học sinh trong từng học kỳ, cả năm hoặc cả một giai đoạn (thi tuyển lớp 10, ĐH, hay tốt nghiệp THPT). Việc kiểm tra, thi cử còn mang nhiều yếu tố tích cực khác, ví dụ như để giáo viên nắm bắt được mặt bằng kiến thức của học sinh. Kỳ kiểm tra hay kỳ thi là để phản hồi lại hiệu quả việc dạy và học đến đâu.

Ngô Tấn Hưng
(Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa, H.Cần Giờ, TP.HCM)

Cần đánh giá đúng năng lực thật sự hơn các kỳ thi

Đánh giá một con người không cần tổ chức nhiều kỳ thi mà cần sao cho hiệu quả. Chúng ta cần đổi mới cách ra đề, đánh giá, để hướng đến đúng năng lực từng cá nhân học sinh. Nên giảm đi số lượng của các kỳ thi (hiện nay quá dày), tránh việc chạy đua về thành tích và điểm số. Mục đích cuối cùng của các kỳ thi là đánh giá năng lực của học sinh, vì thế thi cử cũng không nên cào bằng như hiện nay là theo khối, điểm cao vào ĐH. Chẳng hạn nếu thi vào sư phạm, thí sinh không chỉ đạt điểm cao mà còn phải có được các khả năng ứng xử, năng khiếu, diễn đạt, trình bày, ngoại hình...

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hiền
(Viện Khoa học giáo dục VN)

Minh Luân (ghi)

Giáo sư Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.