Thi để làm gì ? - Kỳ 4: Giao kỳ thi tốt nghiệp về địa phương

01/08/2014 03:20 GMT+7

Ở VN, trong hàng chục năm gần đây, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử đối với học sinh phổ thông không ngừng được cải tiến theo hướng giảm áp lực và đánh giá toàn diện hơn. Nhưng một vấn đề khá nổi cộm đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT là hiện tượng tiêu cực.

Chúng tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, khi đó Bộ GD-ĐT có chủ trương tuyển thẳng ĐH, nên nhiều chuyện tiêu cực đã xảy ra trong cả coi thi và chấm thi, vì vậy, chủ trương này chỉ thực hiện trong khoảng 5 năm thì phải bỏ, do tiêu cực.

Một giáo viên toán (nay đã về hưu) có kể tôi nghe câu chuyện: để cứu môn toán cho một học sinh (HS), giáo viên này đã xin được phách của tập bài (có HS trên) và tìm cách liên hệ để chấm được tập bài đó. Sau đó, đem bài làm của HS về nhà và cho HS làm lại để bài của em từ 6 điểm được lên 9,5 điểm.

Em HS này được "cứu" một số môn, nhưng môn tiếng Anh vẫn bị 6 điểm nên xếp loại tốt nghiệp khá và không được tuyển thẳng ĐH và cũng do tâm lý nên mặc dù học khá nhưng em vẫn thi trượt ĐH năm đó. Em HS này tự ôn tập và năm sau thi đỗ vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, sau 5 năm học em tốt nghiệp ĐH loại khá.  Hiện nay em là một cán bộ có năng lực trong ngành xây dựng của một tỉnh. Rõ ràng tiêu cực ở đây thuộc về người lớn và để cho học sinh "tự đi bằng đôi chân của mình" là cách tốt nhất mà phụ huynh và nhà trường dành cho các em.

Theo GS Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội năm nay (98,54%) thấp hơn một số tỉnh như Lào Cai (99,3%) hay Sóc Trăng (99,59%)... là chưa phản ánh đúng thực chất dạy và học của các tỉnh, thành. Từ thực tiễn giáo dục ở các địa phương, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa và kinh nghiệm đánh giá, thi cử trong những năm qua, chúng tôi đề xuất giải pháp sau:

Thứ nhất, việc tốt nghiệp THPT nên theo hướng xét tốt nghiệp, giao cho các trường, trên cơ sở điểm kỳ thi học kỳ 2 (với 6 môn do sở GD-ĐT chọn và ra đề thi chung) và kết quả học tập lớp 12. Điểm xét tốt nghiệp dựa trên trung bình điểm thi cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 rồi chia 2; chất lượng giáo dục phổ thông hoàn toàn giao cho tỉnh chịu trách nhiệm. Việc xét tốt nghiệp này chỉ thực hiện từ 1 - 2 năm, khi kỳ thi đánh giá chung chưa đảm bảo sự công bằng, chính xác cao.

Thứ hai, tổ chức một kỳ thi (hay đánh giá) quốc gia với 6 môn thi, trong đó 3 môn bắt buộc là văn, toán và ngoại ngữ; 3 môn còn lại được HS lựa chọn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Kỳ thi này được tổ chức tại các tỉnh và giao cho tỉnh chịu trách nhiệm; ban chỉ đạo, coi thi và chấm thi có các trường ĐH, CĐ tham gia. Kết quả kỳ thi được sử dụng cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Những năm đầu thi theo môn, nhưng sau đó, khi việc tích hợp đã được triển khai ở các trường, sẽ thi theo hướng tích hợp môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Đến lúc này, kỳ thi này chỉ còn 2 - 2,5 ngày (ngoại ngữ sẽ thi 1 buổi riêng).

Kết quả kỳ thi này vừa để đánh giá quá trình dạy và học ở các trường và các địa phương, vừa làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng (theo phương án đã được Bộ duyệt), có thể sử dụng một phần hay toàn bộ kết quả kỳ thi này cho tuyển sinh. Những HS muốn đi học trường nghề hay ra đời ngay không cần dự kỳ thi này. Khi kỳ thi này đảm bảo độ tin cậy cao thì thực hiện 2 trong 1 vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.

Với phương án này, đảm bảo chỉ có một kỳ thi quốc gia tại địa phương, vừa không gây áp lực và tốn kém vì tách bạch giữa 2 phần xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đồng thời kết quả thi cũng phản ánh được chất lượng dạy và học ở các địa phương.

Báo Thanh Niên tổ chức diễn đàn “Thi để làm gì?” với mong muốn đăng tải các ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội về những vấn đề của thi cử mà giáo dục VN cần hướng đến.

Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến  tham gia của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ [email protected]

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Thi để làm gì ? - Kỳ 3: Có nên thi để học những cái không muốn ?
>> Thi để làm gì? - Kỳ 2: Khi điểm số không còn giá trị
>> Thi để làm gì ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.