Thi hành án tham nhũng: Đề xuất tài sản chung vợ chồng mặc định chia đôi

12/12/2023 17:15 GMT+7

Bộ Tư pháp đề xuất đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản chung vợ chồng được xác định mỗi người 1/2 giá trị, nếu không đồng ý thì khởi kiện để phân chia tài sản chung.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), do Bộ này chủ trì soạn thảo. Một trong những nội dung mới được đề xuất trong dự thảo là về thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thi hành án tham nhũng: Đề xuất tài sản chung vợ chồng thì mặc định chia đôi - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp đề xuất đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản chung vợ chồng được xác định mỗi người 1/2 giá trị, nếu không đồng ý thì khởi kiện để phân chia

PHÚC BÌNH

Tài sản chung vợ chồng sẽ chia đôi

Bộ Tư pháp đề xuất, đối với các vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tài sản chung của vợ chồng sẽ được xác định mỗi người 1/2 giá trị, nếu không đồng ý thì khởi kiện để phân chia tài sản chung.

Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý giải quyết yêu cầu phân chia tài sản chung khi nhận được yêu cầu phân chia của chấp hành viên. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của tòa án.

Đề xuất trên, nhất là nội dung về tài sản chung của vợ chồng, được kỳ vọng giúp đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt là phòng ngừa việc tẩu tán tài sản của người phải thi hành án.

Vẫn theo dự thảo, Bộ Tư pháp còn đề xuất cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản trong trường hợp nghĩa vụ phải thi hành án lớn, tài sản đã xử lý xong, đang bán đấu giá hoặc đã có kết quả thẩm định giá nhưng vẫn không đủ để thi hành án; tài sản đã được cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn chuyển dịch và kết quả xác minh thể hiện tài sản là của người phải thi hành án.

Quy định này sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc, rút ngắn thời gian thực hiện đối với cơ quan thi hành án dân sự; nhất là các vụ án có tài sản phải thi hành án lớn, rải rác ở nhiều địa phương.

Nhà nước định giá tài sản kê biên

Một nội dung quan trọng khác được Bộ Tư pháp đưa vào dự thảo, đó là vấn đề định giá tài sản kê biên.

Theo đó, đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản hoặc có kết quả đo vẽ, xác định hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu cơ quan tài chính cùng cấp thành lập hội đồng thẩm định giá tài sản để tiến hành thẩm định giá tài sản kê biên, trừ trường hợp tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan tài chính cùng cấp phải ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá tài sản.

Hội đồng thẩm định giá tài sản do lãnh đạo hoặc người được ủy quyền của cơ quan tài chính cùng cấp làm chủ tịch; các thành viên gồm chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự có tài sản cần thẩm định giá, đại diện cơ quan chuyên môn về quản lý giá, quản lý tài chính của cơ quan tài chính cùng cấp, viện KSND cùng cấp, các thành viên khác do cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng quyết định, căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá.

Giá do hội đồng thẩm định giá tài sản quyết định sẽ được sử dụng làm giá khởi điểm để bán đấu giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.