Thi hành đại án Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh 'sẽ là thách thức'

04/01/2024 19:28 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sắp tới cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thu hồi hơn 17.000 tỉ đồng từ án tham nhũng, kinh tế

Ngày 4.1, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2024.

Theo báo cáo trong năm 2023, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đứng đầu trong cả nước với hơn 104.000 việc, tương ứng hơn 143.000 tỉ đồng. Trong số có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong 55.000 việc, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền, thi hành xong hơn 37.000 tỉ đồng.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM đã thi hành xong hơn 17.000 tỉ đồng.

Tổng số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tại TP.HCM là 40 vụ án. Trong đó, đã thi hành xong 3 vụ án: vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, vụ Vũ Huy Hoàng, vụ Phan Văn Anh Vũ do Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội ủy thác.

Thi hành đại án Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh 'sẽ là thách thức'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

NGÂN NGA

Đến nay, cơ quan thi hành án đã giao 2 tài sản lớn tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, số 8 - 12 Lê Duẩn, thực hiện việc cấn trừ nghĩa vụ thi hành án trong vụ Phạm Công Danh và hạch toán giá trị hơn 17.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xác minh, xử lý tài sản để thu hơn 200 tỉ trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bên cạnh đó, theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, trong quá trình xử lý tài sản của một số vụ án tham nhũng kinh tế có một số khó khăn vướng mắc, như vụ Hứa Thị Phấn gặp phải vướng mắc về tình trạng pháp lý của Bệnh viện Phú Mỹ. Một số tài sản được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc mua bán giấy tay, xây dựng không phép trong vụ Huỳnh Công Thiện (đất tại Q.12 và Q.Gò Vấp)…

5 thành phố thi hành án xong hơn 57.000 tỉ đồng trong năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận những nỗ lực mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã đạt được trong năm qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, năm 2024, bên cạnh các vụ việc mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang tổ chức thi hành, tòa án sẽ tiếp tục xét xử một số đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt sắp tới sẽ tổ chức thi hành các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như vụ: Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh... Đây sẽ là thách thức rất lớn với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Do đó, Bộ trưởng Long đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cần phải tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động để rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, phát huy vai trò của người đứng đầu trong quản lý chỉ đạo điều hành.

Xem nhanh 12h ngày 11.1: Tỉ phú Trương Mỹ Lan bao giờ hầu tòa?

Vai trò đặc biệt của Sở Tư pháp TP.HCM

Cũng trong ngày 4.1, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024.

Theo báo cáo, về việc thực hiện Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM đã ban hành công văn đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các nội dung được giao quy định tại nghị quyết. Đồng thời, Sở tham mưu UBND TP.HCM hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với các nội dung được giao tại nghị quyết.

Thi hành đại án Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh 'sẽ là thách thức'- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

NGÂN NGA

Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, giải đáp thắc mắc cho công chức trực tiếp tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, trong đó có trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, Sở Tư pháp TP.HCM đã cử nhân sự hỗ trợ các sở, ban, ngành trong việc tham mưu các nội dung được giao tại Nghị quyết 98. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian phối hợp, góp phần đảm bảo tiến độ tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 12 dự thảo Nghị quyết HĐND TP.HCM về triển khai Nghị quyết 98.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Sở Tư pháp giữ vai trò tham mưu rất quan trọng đối với chính sách khi thực hiện Nghị quyết 98. "TP.HCM đang khởi động đề án nâng cao năng suất khu vực công. Tôi đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục làm tốt về cải cách hành chính, phải là một trong những đơn vị đi đầu về chuyển đổi số", ông Mãi nói.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ngành tư pháp phải chủ trì sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến pháp luật, do đó Bộ trưởng đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM nghiên cứu kỹ tài liệu hồ sơ liên quan. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng cần phải giảm bớt thủ tục hành chính, áp dụng chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.