Dù học sinh (HS) vui nhưng giáo viên (GV) lại tâm tư khi muốn đổi mới phương pháp dạy học.
Đề văn không thoát ly khỏi sách giáo khoa
Với môn ngữ văn, nhiều thí sinh cho biết, phần nghị luận văn học “trúng tủ” vì trong quá trình ôn tập đã tập trung nhiều vào tác phẩm Viếng Lăng Bác với suy đoán đây là tác phẩm chưa có trong đề thi từ 10 năm nay, hơn nữa năm nay lại là năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ.
Bà Phạm Thái Lê, GV dạy ngữ văn Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), nhận xét đề thi môn ngữ văn của Hà Nội năm nay tiếp tục ra theo cấu trúc và nội dung rất quen thuộc. Nội dung tập trung vào những câu hỏi cơ bản, HS nếu nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ rất dễ trong quá trình làm bài. Điều này cũng giúp cho giám khảo trong quá trình chấm thi cũng rất dễ chấm mà không bị “vênh” điểm. “Vì hướng tới tiêu chí an toàn nên đề thi môn ngữ văn cũng sẽ có hạn chế là khó tìm và phân loại được những HS ở mức giỏi thực sự về môn học này”, bà Thái Lê nói.
Theo bà Lê, với cách ra đề như vậy thì thầy trò ôn tập bám sát sách giáo khoa lâu nay sẽ rất hân hoan. HS vui vì “trúng tủ” cũng không có gì lạ khi đề thi bám vào sách giáo khoa như vậy. Với đặc thù của môn ngữ văn thì trong chương trình, sách giáo khoa có mấy tác phẩm nên việc “đoán tủ” và “trúng tủ” vẫn thường xảy ra. Năm nay, xác suất “trúng tủ” lại càng cao hơn vì số lượng tác phẩm trong chương trình càng giới hạn bởi hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về tinh giản, cắt bỏ một số bài học, tác phẩm không dạy do dịch Covid-19.
Về phần nghị luận xã hội, bà Thái Lê cho rằng, vấn đề đặt ra trong đề thi cũng khá hay khi yêu cầu HS trình bày suy nghĩ: “Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi con người”. Tuy nhiên, ngữ liệu của phần này cũng vẫn lấy từ sách giáo khoa môn văn lớp 9. Đây cũng là điểm nữa thể hiện mong muốn “an toàn” từ phía những người ra đề, vẫn quan niệm sách giáo khoa là chính thống. Điều này khiến HS sẽ khó thoát ly được sách giáo khoa cũng như chịu khó đọc các văn bản phong phú hơn trong quá trình học tập, ôn luyện. Mặc dù vậy, bà Lê nhìn nhận cái hay của phần nghị luận xã hội trong đề là đã chạm vào được vấn đề thực tiễn, hướng HS liên hệ từ những bài học trong sách vở tới thực tế cuộc sống, hay nói cách khác là “đưa hơi thở cuộc sống” vào sách vở.
Điểm thi sẽ cao hơn năm trước ?
Các GV đều có chung dự đoán phổ điểm từ 6 - 7, thậm chí điểm 8 năm nay sẽ nhiều, nhưng điểm trên 9 thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Mong muốn của GV là hướng dẫn chấm thi môn văn sẽ làm thế nào để tôn trọng và chấp nhận những suy nghĩ riêng của HS, thậm chí chấp nhận việc HS phản biện với lý lẽ thuyết phục.
Với môn tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Mai Hương, GV tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), đánh giá đề ra vừa sức với các chủ điểm từ vựng phổ biến và cơ bản, nằm trong chương trình sách giáo khoa. Phần khó tập trung vào một số câu ngữ pháp ở phía cuối và phần bài đọc. Phổ điểm HS có thể từ 6 - 7 điểm, với HS giỏi sẽ có nhiều điểm 10.
Bà Phạm Thị Thủy, GV tiếng Anh Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), nhận xét đề bám sát với nội dung sách giáo khoa nên có tính phân loại HS trên nền tảng kiến thức cơ bản và cấp độ nhận thức. Một dạng bài mà nhiều HS kiến thức chưa vững e ngại là viết lại câu của năm ngoái (8 câu chiếm 20% tổng điểm) thì cũng được bỏ trong bài thi năm nay, nên HS trung bình dễ dàng đạt điểm 5 trở lên; HS khá đạt điểm 7, 8; HS học giỏi cơ bản dễ dàng đạt điểm 9, 10, trong khi không có câu hỏi thực sự phân loại dành cho HS giỏi xuất sắc. Bài thi tiếng Anh năm nay dễ nên kết quả sẽ cao hơn năm 2019.
Học sinh vui vì "trúng tủ", giáo viên tâm tư
Bà Phạm Thái Lê chia sẻ, trong khi HS vui mừng vì “trúng tủ” thì người dạy văn lại bận tâm: Chừng nào đề thi gợi mở cho HS sáng tạo, không chờ đợi sự “trúng tủ” thì khi đó mới đổi mới được việc dạy và học môn văn. Cách ra đề quen thuộc, trò vẫn viết lại những bài văn khuôn mẫu, những gì GV cho ôn đi ôn lại. Điều mà GV mong muốn là đề thi tăng cường tính gợi mở, chấp nhận những suy nghĩ riêng của mỗi HS, được các em viết ra bằng cách hành văn của chính mình, thì lúc đó mới thực sự tạo động lực và buộc nhà trường, GV đổi mới phương pháp dạy môn văn.
Hà Nội cũng có sự thay đổi trong những năm gần đây trong cách ra đề, nhưng nếu so sánh với TP.HCM thì rõ ràng là đề thi của TP.HCM đổi mới và có tác động lại cách dạy học tốt hơn, đúng với mục tiêu đổi mới theo hướng phát triển năng lực của HS mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới.
Bà Thái Lê chia sẻ: “Tôi cũng đã từng không ít lần nêu ý kiến của mình xung quanh vấn đề này, rằng muốn đổi mới căn bản việc dạy học văn thì phải đổi mới về cách ra đề thi. Tâm lý thi gì học nấy là điều dễ hiểu, nhất là với những kỳ thi có ý nghĩa quan trọng như thi tuyển sinh vào lớp 10 này. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, GV chúng tôi khi dạy các lớp 6, 7 thì rất “tung tẩy”, đổi mới phương pháp, ra những đề kiểm tra thể hiện sự tìm tòi của GV để tìm ra những HS có tố chất, có sáng tạo, có tư duy độc lập... Tuy nhiên, đến lớp 8 và đặc biệt là lớp 9, thì GV lại phải quay trở lại dạy học theo “khuôn khổ” cách thức ra đề thi lớp 10 truyền thống, để đảm bảo HS của mình đi thi đạt điểm tốt”.
TS Trịnh Thu Tuyết, Hệ thống Giáo dục Học Mãi, cũng cho rằng đề thi ngữ văn an toàn, vừa sức với học trò, nhưng dư luận vẫn luôn chờ đợi một sự thay đổi lớn hơn, để đề văn “văn chương” hơn, mới mẻ hơn.
Bình luận (0)