Giáo viên Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), đã có nhận xét chung về đề thi lớp 10 môn ngữ văn mà gần 96.000 thí sinh tại TP.HCM vừa trải qua sáng nay 6.6.
Thầy Bảo đánh giá đề thi gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ. Đó là lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách…
Thi lớp 10 Giáo viên ngữ văn dự đoán về phổ điểm năm nay
"Đề thi nhìn có vẻ dài nhưng lại không khó. Nội dung của đề thi gần gũi, dễ hiểu, thiết thực. Chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh lứa tuổi 15. Ở các câu hỏi, đề thi có tính sáng tạo, chưa bao giờ trùng lặp với các năm trước. Đề không đánh đố, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu", thầy Bảo nhận xét.
Theo thầy Bảo, đề thi ngữ văn có tính phân hóa ở 2 phương diện: kỹ năng làm bài và tư duy sáng tạo. Trong đó, thí sinh cần có kỹ năng đọc, hiểu đề, phân tích đề và trình bày các ý đúng với yêu cầu. Thí sinh cần có tư duy sáng tạo ở câu 2 và câu 3 (đề 2). "Các ý tưởng độc đáo cho câu hỏi mở (câu 2) và câu hỏi phụ (câu 3, đề 2) chắc chắn sẽ được đánh giá cao", thầy Bảo chia sẻ.
Tương tự, cô Huỳnh Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho hay, cấu trúc và cách thức ra đề không mới. Những người ra đề đã giữ cam kết là giữ nguyên cấu trúc và có độ mở cao từ những hướng dẫn và định hướng mà Sở GD-ĐT đã triển khai với giáo viên để chuẩn bị kiến thức và năng lực cho học sinh lớp 9.
Theo cô Ý Nhi, độ mở cao nhất thể hiện rõ nét nhất ở câu nghị luận văn học. Nếu như những năm trước, người ra đề cho sẵn tác phẩm và yêu cầu thí sinh phân tích đồng thời tìm một tác phẩm cùng chủ đề để làm dẫn chứng cùng nghị luận thì đề thi lớp 10 năm nay, thí sinh được chủ động hoàn toàn chọn tác phẩm, dẫn chứng để nêu lên quan điểm, suy nghĩ của mình.
Bình luận (0)