Ở Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi lớp 10 quá căng thẳng nhưng cuối cùng là do thiếu chỗ học.
CHẤP NHẬN HỌC XA NHÀ GẦN 100 KM ĐỂ CHẮC SUẤT TRƯỜNG CÔNG
Dù nhà ở Q.Thanh Xuân nhưng năm nay chị Thủy quyết định cho con đăng ký nguyện vọng 3 vào Trường THPT Minh Quang (H.Ba Vì), cách nhà khoảng 60 km. Chị tâm sự: "Nguyện vọng 1, 2 con đăng ký vào Trường THPT Khương Hạ và Trường THPT Trung Văn nhưng nguyện vọng 3 là Trường THPT Minh Quang với điểm chuẩn thường thấp nhất Hà Nội nhiều năm gần đây".
Chị Thủy phân tích: Điểm chuẩn ở các trường công lập gần nhà thấp nhất cũng gần 40 điểm, thì các trường ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh… điểm chuẩn chỉ từ 17 đến hơn 20. Con học xa nhà có thể phải trọ, cuối tuần mới được về nhà nhưng chi phí thấp hơn học trường tư và có thể cũng phù hợp với con...
Đây cũng là tính toán của không ít học sinh (HS) và phụ huynh ở khu vực nội thành có con thi vào lớp 10 những năm gần đây. Ví dụ, nếu so với mức điểm chuẩn năm 2023, để đỗ vào Trường THPT Trung Văn hay Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân… ở gần nhà, dù đây cũng chỉ là trường top dưới so với khu vực nội thành, nhưng HS phải đạt trung bình khoảng hơn 7 điểm/môn.
Trong khi đó, các trường như THPT Bất Bạt, THPT Minh Quang (H.Ba Vì), THPT Bắc Lương Sơn (H.Thạch Thất), THPT Lưu Hoàng (H.Ứng Hòa) chỉ lấy 17 điểm cho 3 môn thi, trong đó môn ngữ văn và toán đã nhân hệ số 2, môn tiếng Anh hệ số 1. Như vậy, chỉ cần trung bình khoảng 3,4 điểm/môn, HS có thể trúng tuyển. Những trường này cũng có số lượng HS đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thấp, thậm chí, một số trường còn thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Một lãnh đạo Trường THPT Minh Quang cho biết, những năm qua, trường có nhiều HS từ nội thành về học. Ví dụ, năm học trước, có hơn 3.500 HS đăng ký nguyện vọng vào trường, trong đó, nguyện vọng 3 có gần 2.000 em. Các em lựa chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đều ở các quận nội thành, chọn nguyện vọng để "chống trượt" trường công. Không chỉ HS ở khu vực lân cận như Mê Linh, Sơn Tây mà HS ở các quận trung tâm như Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa..., cách trường gần trăm cây số cũng chọn học ở đây. "Trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm trường có từ 40 - 60 em ở các quận, huyện khác đến học", vị này cho biết.
Đại diện Trường THPT Minh Quang cho biết, có những em không tìm được nhà trọ, nhà trường huy động lực lượng Đoàn thanh niên tìm nhà trọ để giới thiệu. Nhà trường hỗ trợ đăng ký tạm trú để các em được đảm bảo an toàn, an ninh. Nhiều em thời gian đầu nhớ nhà, tâm lý bất an do thay đổi môi trường sống và học tập... Nhà trường đề nghị thầy cô kèm cặp sát sao, động viên tinh thần để các em hòa nhập nhanh nhất. Dù vậy, một số em cũng chuyển trường sau một học kỳ hoặc một năm học.
NỘI THÀNH THIẾU TRẦM TRỌNG TRƯỜNG CÔNG LẬP
Nhiều năm gần đây, trường THPT công lập trên toàn TP.Hà Nội đáp ứng khoảng hơn 60% so với số HS tốt nghiệp THCS hằng năm, tuy nhiên ở khu vực nội thành thì mức độ cạnh tranh rất cao. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, khu vực nội thành có "tỷ lệ chọi" cao, có trường là 1/3, tức là cứ 3 em thi mới có 1 em trúng tuyển. Nguyên nhân hàng đầu vẫn là do thiếu trường lớp.
Kể cả trường tư thục có chất lượng và mức học phí "vừa phải" ở khu vực nội thành cũng đặt ra yêu cầu về điểm chuẩn cao không kém các trường THPT công lập top đầu và chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế. Năm ngoái, tình trạng phụ huynh xếp hàng trắng đêm để chờ sáng nộp hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10 ở một số trường tư thục, trường công tự chủ đã cho thấy, không phải phụ huynh chỉ đổ xô vào trường công lập như cơ quan chức năng thường lý giải.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu vực có dân số từ 20.000 người cần ít nhất một trường THPT. Như vậy, với hơn 8 triệu dân, Hà Nội cần tối thiểu 415 trường THPT, tức còn thiếu khoảng trên dưới 150 trường. Q.Hoàng Mai thiếu nhiều trường nhất (18 trường). Các quận Đống Đa, Long Biên; các huyện Đông Anh và Thanh Trì cùng thiếu 8 trường; còn lại thiếu phổ biến 3 - 7 trường. Q.Hai Bà Trưng có 303.856 dân nhưng chỉ có 3 trường. Q.Hoàn Kiếm có 212.921 dân nhưng chỉ có 2 trường…
Cụ thể hơn, Q.Hà Đông năm nay có gần 8.000 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tuy nhiên chỉ có 3 trường THPT công lập với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2.025 em. Q.Cầu Giấy năm nay khoảng 7.000 HS lớp 9 nhưng chỉ có 2 trường công tuyển 1.440 chỉ tiêu. Q.Ba Đình cũng chỉ có 3 trường THPT công lập…
Đa số các trường này hằng năm có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào lớp 10 rất cao, nhiều trường yêu cầu HS phải đạt điểm trung bình mỗi môn từ 8 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ nguyện vọng 1.
Tuy Hà Nội đã chia toàn TP thành 12 khu vực tuyển sinh và mỗi HS có 3 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập ở các khu vực khác nhau, nhưng trong đó có những quận "nóng" ghép với nhau như: Ba Đình - Tây Hồ; Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm; Cầu Giấy - Đống Đa - Thanh Xuân; Chương Mỹ - Hà Đông - Thanh Oai… Quy tắc, HS đăng ký 3 nguyện vọng nhưng trong đó 2 nguyện vọng thuộc 1 khu vực, 1 nguyện vọng khu vực khác.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho rằng hằng năm do sự tăng dân số cơ học nên số lượng HS dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn TP tăng nhanh, trong khi số trường, lớp xây mới, bổ sung chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. TP.Hà Nội và ngành giáo dục cũng đã nỗ lực để đảm bảo tỷ lệ HS vào học tại các trường THPT công lập khoảng 60%, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa bàn quận có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc thừa thiếu trường học cục bộ đã gây áp lực cho hệ thống các trường công lập trên địa bàn, trong đó có các trường THPT công lập.
Cũng theo lãnh đạo sở GD-ĐT, mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 HS các cấp, đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập là 30 - 40 trường/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Năm 2023, Sở GD-ĐT Hà Nội từng nêu kiến nghị với Bộ GD-ĐT cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10 ở các trường THPT công lập thuộc 12 quận nội thành. Cụ thể là cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường học sẽ tăng lên thành 50 lớp/trường học); cho phép tăng 10% số HS/lớp đối với bậc THPT. Theo quy định hiện nay, số HS ở bậc THPT là 45 em/lớp, kiến nghị tăng lên thành 50 em/lớp. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có phản hồi chính thức về kiến nghị này.
Một số chuyên gia thì cho rằng đề xuất này là giải pháp tình thế, có thể chấp nhận trong một thời gian ngắn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và chất lượng giáo dục với người dạy cũng như người học. Về lâu dài thì vẫn phải xây thêm trường, tạo cơ chế, chính sách về thuế, về đất cho hệ thống trường tư phát triển, đáp ứng nhu cầu và điều kiện khác nhau của người dân. (còn tiếp)
Bức xúc về tình trạng "ép'' HS không dự thi lớp 10
Tình trạng căng thẳng để tranh suất vào lớp 10 khiến năm nào Hà Nội cũng lùm xùm, bức xúc về tình trạng giáo viên trường THCS ở khu vực nội thành ép HS có học lực chưa tốt không đăng ký dự thi vào lớp 10. Nhiều nơi thì bao biện chỉ tư vấn để định hướng phân luồng sau THCS, phù hợp với khả năng của HS…
Anh D., một phụ huynh có con từng là nạn nhân của tình trạng ép buộc này tại Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân), chia sẻ với PV Thanh Niên: "Dù có thể lực học của các cháu chưa tốt nhưng không phải cháu nào cũng đi theo con đường học nghề sau khi học hết lớp 9 được vì còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, kỹ năng và điều kiện của mỗi gia đình… Lẽ ra, các thầy cô phải nắm bắt nguyện vọng này, có biện pháp giáo dục phù hợp từ đầu cấp THCS chứ không phải đến lúc chuẩn bị thi vào lớp 10 mới "định hướng, phân luồng".
Bình luận (0)