Thi ngữ văn bằng... trắc nghiệm: Thay đổi cách dạy và học

31/10/2022 08:30 GMT+7

Đề cập yêu cầu về việc tổ chức kiểm tra học sinh (HS) năm nay, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay HS khối 10 đang theo học chương trình mới thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ có những thay đổi.

Tuy nhiên, ông Quốc lưu ý, các trường cần chuyển từ đánh giá chủ yếu ghi nhớ, hiểu kiến thức... sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng đánh giá các năng lực như tư duy sáng tạo, giải quyết tình huống. Hạn chế tối đa các câu hỏi đơn thuần kiểm tra kiến thức hoặc học thuộc lòng, tăng cường câu hỏi giải quyết tình huống thực tiễn.

Học sinh lớp 10 TP.HCM trong giờ học môn ngữ văn

Với riêng môn văn, ông Quốc nhấn mạnh khi ra đề, giáo viên (GV) cần chú ý thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh và ngữ liệu mới. Khi đánh giá kết quả học tập, GV cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết, để đánh giá chính xác năng lực HS.

Lần đầu tiên biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn có câu hỏi trắc nghiệm, GV Hà Văn Vụ, Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), cho hay trước đây nếu làm đề tự luận thì chỉ cho đơn giản một vài câu hỏi, còn bây giờ làm câu hỏi trắc nghiệm phải tính mức độ, cấp độ hỏi, khai thác nội dung, ngữ liệu cho phù hợp… Theo ông Vụ, soạn câu hỏi trắc nghiệm ngữ văn, GV sẽ vất vả hơn nhưng qua đó hỏi được HS nhiều hơn. GV cũng trau dồi kiến thức, học được nhiều kỹ năng hơn.

Còn với HS, ông Vụ cũng đánh giá đã hạn chế dần cách học thuộc, học vẹt vì ngữ liệu hoàn toàn mới và GV tập trung dạy kỹ năng, HS áp dụng kỹ năng, yêu cầu cần đạt để trả lời câu hỏi.

Sự thay đổi đến với cả hai phía theo chiều hướng tích cực. Trước đây GV là người thuyết giảng, HS nghe; còn nay GV là người định hướng cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.