Trong cuộc thi, mỗi thí sinh đã biểu diễn một trích đoạn trong thời gian 6 phút với sự hướng dẫn của 3 huấn luyện viên là NSƯT Phượng Loan, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân.
Hội đồng nghệ thuật gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hoa Hạ đã chọn ra 7 thí sinh vào vòng kế tiếp là Ngọc Quyền, Văn Nguyên, Thanh Hoàng, Mỹ Dung, Kim Cương, Kim Thuy, Bùi Ngọc Thành. Trong top 7 có thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi là Biện Thị Kim Thuy, mới 16 tuổi. Kim Thuy quê ở Bạc Liêu, hiện đang học lớp 11, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá là một tiềm năng cho sân khấu cải lương vì có sắc vóc đẹp, diễn xuất tốt, giọng hát nếu được đào tạo, trau dồi thêm thì tương lai sẽ là một đào chính nhiều triển vọng.
Vòng chung kết 2, 3 và đêm chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào các ngày 16, 23, 30.9). Các vòng chung kết đều được truyền tiếp (phát sóng sau khi biểu diễn 30 phút) trên HTV9 vào lúc 21 giờ. Trong vòng chung kết 2, thí sinh dự thi một bài ca vọng cổ có thời lượng tối đa 8 phút, với sự hỗ trợ của một nghệ sĩ khách mời. Hội đồng nghệ thuật sẽ chọn 5 thí sinh cao điểm nhất vào vòng chung kết 3. Ở vòng chung kết 3 sẽ chọn top 3 sau khi thí sinh diễn một trích đoạn cải lương với thời lượng tối đa 12 phút với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
3 thí sinh cuối cùng sẽ tranh tài trong vòng chung kết xếp hạng với một trích đoạn cải lương hoàn chỉnh trong thời lượng 15 phút, có sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, được dàn dựng hoành tráng. Ngoài ra, thí sinh sẽ rút thăm biểu diễn một bài vọng cổ có thời lượng 5 phút theo quy định của ban tổ chức.
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm nay có sự tham gia của 330 thí sinh ở 3 khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và TP.HCM. Thí sinh đoạt được danh hiệu Chuông vàng vọng cổ sẽ nhận tặng thưởng 100 triệu đồng.
Bình luận (0)