Thí sinh 5 tỉnh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở Thái Bình ra sao?

03/09/2020 16:14 GMT+7

Thái Bình là 1 trong 11 địa phương trên cả nước thành lập hội đồng thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Ngoài thí sinh của Thái Bình, tỉnh này còn nhận thí sinh của 4 tỉnh lân cận gửi sang dự thi “nhờ”.

Ít thí sinh nhưng không giảm độ phức tạp

Trong đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh Thái Bình có 52 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 51 thí sinh tại Trường THPT Tây Tiền Hải, và 1 thí sinh của Trường THPT Thái Linh, H.Thái Thụy.
Ngoài ra, còn có 4 thí sinh đến từ các tỉnh/thành: Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. Trong ngày đầu làm thủ tục dự thi, 1 thí sinh của tỉnh Ninh Bình báo vắng thi có lý do. Như vậy, đến thời điểm này, Hội đồng thi tỉnh Thái Bình có tổng số 55 thí sinh.
Hội đồng thi có duy nhất 1 điểm thi đặt tại Trường THPT Tây Tiền Hải với 3 phòng thi. Ông Trần Văn Nam, Điểm trưởng Điểm thi này, cho biết đợt thi này tuy ít thí sinh nhưng có độ phức tạp về mặt chuyên môn, do có nhiều nguyện vọng đăng ký môn thi của từng thí sinh. Có em thi đầy đủ 4 bài thi nhưng có em là thí sinh tự do, chỉ thi 1-2 bài; trong bài thi tổ hợp thì có nhiều em đăng ký thi đủ 3 môn, nhưng có những em chỉ thi 1-2 môn…
Ông Nam nêu ví dụ 1 trường hợp thí sinh ở Nam Định (31 tuổi), đã nhiều lần dự thi tốt nghiệp THPT và năm nay chỉ đăng ký thi 2 môn là toán và hóa.
Tuy chỉ có 3 phòng thi, nhưng điểm thi này bố trí lực lượng làm nhiệm vụ lãnh đạo điểm thi, thanh tra, giám sát, nhân viên phục vụ... như một điểm thi của đợt 1, với 20 phòng thi; có phòng thi và giám thị dự phòng; phòng chờ cho thí sinh…
Ngay từ chiều 2.9, các thí sinh đến điểm thi đều phải khai báo y tế, khám sức khỏe sàng lọc. Những thí sinh ở tỉnh/thành khác phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe dịch tế để dự thi.
Vào những ngày thi, thí sinh được đo thân nhiệt, ghi nhật ký sức khỏe ngay từ cổng vào. Hiện, điểm thi này chưa ghi nhận trường hợp học sinh ho, sốt, khó thở.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình khẳng định: sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đợt 2

ẢNH H.LINH

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho hay, tuy số lượng thí sinh dự thi ít nhưng công tác tổ chức thi của tỉnh Thái Bình vẫn diễn ra đầy đủ theo quy định.  Các khâu trong quá trình tổ chức thi như tiếp nhận đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, rọc phách, chấm bài thi đều được thực hiện nghiêm túc.
Với các thí sinh từ các tỉnh/thành khác sang dự thi, ông Hiển cho biết, Sở GD-ĐT đã liên lạc, phối hợp chặt chẽ với các sở bạn để nắm thông tin thí sinh và sẵn sàng hỗ trợ các em nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, các em được địa phương gửi sang dự thi đều đã được lo chu đáo về mặt ăn ở, đi lại. Ví dụ, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã hỗ trợ thí sinh sang Thái Bình dự thi 3 triệu đồng, và cử giáo viên cùng gia đình lo việc đi lại, ăn ở của thí sinh...
Theo ông Hiển, dự kiến ngày 6.9, Thái Bình sẽ bắt đầu chấm thi và hoàn tất khâu chấm thi vào ngày 7.9; thời điểm công bố kết quả thi sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả thi của thí sinh các tỉnh bạn sẽ được gửi về các Sở GD-ĐT liên quan để thông báo cho các em. 

Thực hiện chấm đủ 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra

Sáng 3.9, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi tại đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nhận xét Hội đồng thi đã chuẩn bị và thực hiện quy trình tổ chức đúng quy chế, đảm bảo các điều kiện phòng ngừa dịch Covid-19.
Ông Thành đánh giá cao sự hỗ trợ của Thái Bình trong việc đồng tiếp nhận và hỗ trợ chu đáo với thí sinh của 4 tỉnh lân cận sang dự thi, và bày tỏ mong muốn trong suốt quá trình thí sinh tham dự kỳ thi này, Thái Bình tiếp tục tạo điều kiện tối đa,  tổ chức coi thi đảm bảo đúng quy chế thi, để các em yên tâm như đang dự thi tại chính địa phương mình.

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại Thái Bình

ẢNH H.LINH

Ông Thành cũng nhấn mạnh, vì dịch Covid-19, phải tổ chức thành 2 đợt thi, khâu tổ chức vất vả hơn, tốn kém hơn, nhưng về bản chất, cả nước chỉ có 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm 2020, chỉ khác nhau về thời gian thi. Mọi quy trình từ khâu chuẩn bị đến coi thi, chấm thi, cách thức ra đề thi… đều không có khác biệt giữa 2 đợt.
Ông Thành lưu ý: đợt 2 có ít thí sinh nhưng phải dự phòng những rủi ro. Nhắc lại việc giám thị ở đợt 1 do sơ suất trong khâu thu bài, phát đề ở bài thi tổ hợp làm ảnh hưởng tới thời gian làm bài của thí sinh, phải tổ chức thi lại 1 môn bằng đề dự bị, ông Thành đề nghị: “Các cán bộ làm thi dù đều là những người có kinh nghiệm làm thi lâu năm nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng trong khâu phát đề, thu bài… để tránh nhầm lẫn, ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh và vi phạm quy chế thi”.
Tương tự, với khâu chấm thi, ông Thành cho rằng, việc có ít thí sinh dự thi tự luận cũng phức tạp hơn ở chỗ có thể xảy ra tình huống “đoán” bài làm của thí sinh…  Do vậy, khâu làm phách, chấm thi phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện chấm đủ 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra để đánh giá sát chất lượng từng bài thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.