Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi năng lực thấp kỷ lục

28/04/2023 06:05 GMT+7

Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM được ghi nhận ở mức thấp kỷ lục. Dù chỉ còn 2 ngày hết hạn nộp hồ sơ nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM hiện chỉ bằng 25% so với năm ngoái.


GIA HẠN THỜI GIAN ĐĂNG KÝ

Theo kế hoạch, hôm nay (28.4) là ngày cuối cùng để thí sinh (TS) thực hiện việc  đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên cổng đăng ký của ĐH Quốc gia TP.HCM. Cổng đăng ký này được mở từ ngày 5.4 để TS đăng ký xét tuyển vào gần 100 trường ĐH, CĐ bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực (áp dụng cho cả TS thi đợt 1 và đợt 2). Ngoài 10 đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, hệ thống này tiếp nhận đăng ký xét tuyển cho 86 trường ĐH, CĐ khác ngoài hệ thống.

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi năng lực thấp kỷ lục  - Ảnh 1.

Thí sinh chờ vào phòng thi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM

NHẬT THỊNH

Nhưng ghi nhận đến nay số lượng TS đăng ký bằng phương thức này ở các trường đang rất thấp. Trong đó, riêng số TS xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM thấp kỷ lục.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), thống kê đến hết ngày 26.4, số lượng TS đăng ký xét tuyển vào ĐH này năm nay mới chỉ đạt 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, tổng số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH này hơn 67.000 người với tổng cộng trên 200.000 nguyện vọng. Trong khi đó, số lượng TS dự thi riêng đợt 1 năm nay đã cao hơn năm ngoái gần chục ngàn, với trên 88.000 TS.

Do đó, ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định gia hạn thời gian đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét kết quả kỳ  thi đánh giá năng lực đến hết ngày 10.6 (thay vì kết thúc vào ngày 28.4 như kế hoạch). Trên cơ sở đó, các đơn vị rà soát và cập nhật hồ sơ, thông tin trước ngày 20.6, ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện lọc ảo xét tuyển vào ngày 21.6 và các đơn vị thành viên công bố kết quả xét tuyển trước ngày 26.6. TS được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng có phân biệt thứ tự nguyện vọng để xác định nguyện vọng trúng tuyển duy nhất.

Dù chưa có số liệu TS đăng ký xét tuyển vào trường mình nhưng thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cũng cho biết trường sẽ tiếp tục gia hạn thời gian nhận đăng ký xét tuyển như ĐH Quốc gia TP.HCM. Bởi trường cũng nhận đăng ký xét tuyển trên cổng chung của ĐH này.

Không chỉ trên hệ thống của ĐH Quốc gia TP.HCM, tình trạng này cũng diễn ra với cả trường nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp như Trường ĐH Nha Trang. Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết năm nay trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng riêng của trường. Dù bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 10.4 nhưng đến nay trường mới nhận được khoảng 200 hồ sơ, khá thấp so với chỉ tiêu cần xét tuyển phương thức này năm nay, khoảng trên 500 TS. Năm ngoái, trường nhận được trên 800 hồ sơ xét tuyển bằng phương thức này.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết hiện số TS đăng ký xét tuyển bằng điểm thi năng lực vào trường mới chỉ hơn 3.000, bằng khoảng 1/3 so với năm ngoái. Nếu ĐH Quốc gia TP.HCM gia hạn thời gian nhận hồ sơ, trường cũng thực hiện theo tiến độ chung này.

"Nhìn vào tổng thể số lượng TS đăng ký xét tuyển có thể nhận thấy đang có vấn đề. Vì với kỳ thi đánh giá năng lực, TS dự thi đều có mục đích tham gia xét tuyển, nhưng tại sao nhiều TS chưa đăng ký?", tiến sĩ Nhân đặt câu hỏi.

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi năng lực thấp kỷ lục
 - Ảnh 2.

Trên 88.000 thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm nay, cao hơn năm ngoái gần chục ngàn

ĐÀO NGỌC THẠCH


DO THÍ SINH CHƯA HIỂU ĐÚNG CÁCH THỨC XÉT TUYỂN?

Từ số liệu thống kê trên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện khảo sát một bộ phận TS để tìm hiểu lý do. Theo đó, có những TS hiểu chưa đúng về cách thức xét tuyển năm nay. Nhiều TS cho rằng không cần đăng ký xét tuyển tại trường mà chỉ cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT vào tháng 7 tới là đủ.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Chính, xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là phương thức  xét tuyển sớm . Theo quy định của ĐH này, TS cần thực hiện đăng ký xét tuyển trên cổng của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trên cơ sở này ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện xét tuyển trước và chỉ những TS trúng tuyển có điều kiện mới tiếp tục thực hiện đăng ký lên cổng của Bộ GD-ĐT. Do đó, những TS không thực hiện việc đăng ký tại ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH này năm nay bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực (trừ Trường ĐH Bách khoa có cách xét tuyển riêng theo phương thức xét tuyển tổng hợp).

Do đó, theo tiến sĩ Chính, việc gia hạn thời gian nhận đăng ký xét tuyển là cần thiết để đảm bảo quyền lợi xét tuyển cho TS. "Với việc hiểu không đúng quy định, TS có thể bị mất quyền lợi tham gia xét tuyển năm nay", tiến sĩ Chính nhấn mạnh.

Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ Tô Văn Phương cũng cho rằng có sự bất thường về tình hình đăng ký các phương thức xét tuyển sớm năm nay. Theo ông Phương, có những TS cho rằng dù đăng ký xét tuyển sớm thì sau này vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nên không cần tham gia xét tuyển sớm. Tuy nhiên, có những trường bắt buộc TS phải đăng ký xét tuyển tại trường. Trường thực hiện xét tuyển và công bố danh sách TS trúng tuyển có điều kiện, đưa danh sách lên hệ thống của Bộ. Khi đó, TS muốn theo học tại trường đó cần đặt lại nguyện vọng trên hệ thống này.

"Điều này có nghĩa chỉ TS đủ điều kiện trúng tuyển sớm mới được xét trúng tuyển chính thức phương thức xét tuyển sớm của trường đó trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Ngược lại, TS không tham gia giai đoạn xét tuyển sớm sẽ không được tham gia xét tuyển", tiến sĩ Phương lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân khuyến cáo TS tham gia các phương thức xét tuyển sớm cần đăng ký theo quy định của từng trường. Đặc biệt lưu ý mốc thời gian vì có trường chỉ xét 1 đợt, khi hết thời hạn sẽ không tiếp tục nhận nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.