Thí sinh Hà Nội thở phào với cấu trúc đề văn quen thuộc

02/06/2019 12:32 GMT+7

Nhiều thí sinh ở Hà Nội hoàn thành môn thi đầu tiên - môn ngữ văn, với tâm trạng khá thoải mái, vì đề thi có cấu trúc quen thuộc , không đánh đố học sinh.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại các điểm thi THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội - Amsterdam, THCS Nam Trung Yên…, sau buổi thi môn ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội sáng nay, 2.6, cho thấy rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, thở phào vì đề thi dễ thở.
Phương Uyên, một thí sinh thi tại điểm THPT Phan Đình Phùng, cho biết tuy đề không đúng “tủ”, nhưng nội dung các tác phẩm em đã được học kỹ.
Thuỳ Linh, thí sinh dự thi ở điểm THCS Nam Trung Yên, thì cho hay phần đọc hiểu tuy không có trong sách giáo khoa của THCS nhưng không có gì lắt léo, đánh đố học sinh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn của Hà Nội năm nay vẫn theo đúng “phong cách an toàn", đề giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận.
Cụ thể, ở phần 1, đề thi hỏi về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ… Câu 4 yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.
Tuy nhiên, điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở phần 2 của đề thi, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây có thể là một bất ngờ nhỏ với các thí sinh, nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kỹ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên các em cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Điểm mới  so với đề thi năm ngoái ở chỗ, cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa, trong khi ngữ liệu vẫn nằm trong sách. Câu hỏi liên quan đến nghị luận xã hội cũng mang tính mở hơn, yêu cầu học sinh trình bày những suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tiễn.
Giáo viên ở hệ thống giáo dục Hocmai nhận định, tính phân loại của đề thi hợp lý hơn do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi. Ở phần 2, đoạn văn gây bất ngờ vì không nằm trong văn bản đọc hiểu nhưng lại nằm trong phần luyện tập sách giáo khoa ngữ văn 12 tập 2 trang 11 và là đoạn nghị luận xã hội. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đạt điểm cao ở đề thi này, đòi hỏi thí sinh phải đảm bảo làm trọn vẹn các ý, phần trình bày suy nghĩ cá nhân về cách ứng xử khi gặp hoàn cảnh khó khăn thí sinh cần viết ngắn gọn nhưng phải có chiều sâu, tránh lan man, kể lể vì như vậy sẽ không thuyết phục được hội đồng chấm thi. 

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và lý do phù hợp. Có thể nêu được những ý chủ đạo như, khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống, hoàn cảnh khó khăn là môi trường rèn luyện bản lĩnh sống của mỗi người.  Trong hoàn cảnh khó khăn, con người có thể khám phá được những khả năng tiềm ẩn của chính mình.

Từ đó, phê phán thái độ sống nhu nhược, dễ khuất phục trước khó khăn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, rút ra bài học nhận thức và hành động...

Kết thúc buổi thi đầu tiên, ông Lê Hồng Chung, Phó chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết mọi công tác của kỳ thi đều diễn ra suôn sẻ, không có vấn đề gì bất thường xảy ra, chỉ có một số thí sinh vi phạm quy chế thi và vắng mặt không rõ lý do. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.