Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến ngày 24.8 có 315.993 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) trong tổng số 941.759 thí sinh đăng ký trước kỳ thi THPT, chiếm gần 35%.
Số TS không đăng ký xét tuyển ĐH chia theo các vùng kinh tế - xã hội như sau: vùng đồng bằng sông Hồng cao nhất (22%), kế đến là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 19%, Trung du miền núi phía bắc 16%, Bắc Trung bộ 15%, Đông Nam bộ 11%, Nam Trung bộ 10% và thấp nhất là Tây nguyên với 7%.
Dựa vào tỷ lệ này cho thấy có sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến việc lựa chọn hướng đi sau THPT của học sinh (HS), như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, điểm thi, hệ thống trường nghề, có nhiều khu công nghiệp trên địa bàn, địa phương có phong trào xuất khẩu lao động.
Vì sao đồng bằng sông Hồng có số HS không đăng ký nhiều nhất?
Vùng đồng bằng sông Hồng có kết quả thi tốt nhất (nhiều tỉnh, thành nằm trong top 10), kinh tế - xã hội phát triển cao so với các vùng khác nhưng lại có số HS không đăng ký xét tuyển ĐH nhiều nhất. Điều này trước hết là do GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nội và Hải Phòng cao, điểm thi của Hà Nội, Hải Phòng khá cao, nhất là toán và ngoại ngữ thuộc top 10, nên HS 2 địa phương này có khả năng đi du học cao.
Thí sinh Hà Nội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Đây là địa phương có số thí sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH cao nhất nước |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Ngược lại, một số địa phương HS có điểm thi cao, nhưng GRDP thấp, dẫn đến nhiều HS dù có điểm cao nhưng vẫn chọn học nghề. Chẳng hạn, Thái Bình, địa phương điểm thi xếp hạng 10, nhưng GRDP xếp thứ 52, nên nhiều HS có điểm cao nhưng lựa chọn học nghề.
Tương tự, Hải Dương điểm thi xếp hạng 15 nhưng GRDP xếp thứ 30 nên có nhiều HS sẽ lựa chọn học nghề. Vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống trường nghề nhiều nhất, với 589 cơ sở, trong đó có 140 trường cao đẳng nghề. Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên HS có thể chọn làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động sau THPT.
Không xét tuyển ĐH do kinh tế và điểm thi
Trong số 20 địa phương có số HS không đăng ký xét tuyển ĐH nhiều nhất, vùng ĐBSCL có 6 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang). Vùng kinh tế - xã hội này có một số yếu tố ảnh hưởng, đó là thứ hạng trung bình điểm thi năm 2022 tụt so với năm 2021 rất nhiều, nhiều HS có tổng điểm các tổ hợp dưới 18, thậm chí dưới 15 điểm, nên những HS này chọn học trường nghề hoặc lên vùng Đông Nam bộ làm công nhân.
Một số địa phương có trung bình điểm thi khá cao nhưng kinh tế thấp, có GRDP bình quân đầu người thấp, như An Giang (xếp thứ 12 về trung bình điểm thi; xếp thứ 56 về GRDP), Đồng Tháp (26; 48), Tiền Giang (16; 40), Bến Tre (28; 59), Vĩnh Long (19; 43), nên HS các địa phương này tính chuyện học nghề hoặc ra lao động trực tiếp hiệu quả hơn học ĐH.
Cũng có một số địa phương vừa điểm thấp, vừa có GRDP thấp, nhiều HS người dân tộc như Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh. Riêng Long An có thứ hạng điểm thi khá cao (xếp thứ 24), có GRDP xếp thứ 12, nhưng có nhiều HS không đăng ký là do Long An gần TP.HCM, nơi có nhiều trường nghề, nên HS đi học nghề hoặc lao động ở các khu công nghiệp. Cơ sở dạy nghề của ĐBSCL còn ít (chỉ 295 cơ sở với 38 trường CĐ), nên HS của ĐBSCL có khả năng tham gia lao động trực tiếp nhiều hơn.
Hầu hết các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có điểm thi thấp (nhất là tổ hợp văn, toán, ngoại ngữ), điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhiều HS người dân tộc như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng... nên có nhiều HS vừa không đủ điểm, vừa kinh tế khó khăn nên sẽ học nghề hoặc tham gia lao động.
Một số địa phương có thứ hạng điểm thi cao nhưng GRDP bình quân thấp như Phú Thọ (điểm thi thứ 8 nhưng GRDP xếp 49), Bắc Giang (11; 33). Hai tỉnh này có nhiều khu công nghiệp nước ngoài, có nhiều trường nghề nên HS sẽ đi làm công nhân hoặc học nghề. Quảng Ninh, mặc dù có GRDP cao (xếp thứ 2) nhưng điểm thi xếp thứ 34, nhiều HS người dân tộc nên HS sẽ lựa chọn học nghề hoặc tham gia lao động.
Hướng đi của HS các tỉnh bắc Trung bộ và nam Trung bộ
Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có số HS không đăng ký ĐH nhiều nhất (25%). Vùng kinh tế này gồm 14 tỉnh, thành phố, chỉ có Đà Nẵng có GRDP cao (xếp thứ 11/63), còn lại các tỉnh thành khác từ trung bình xuống thấp, trong đó Nghệ An (GRDP 55) và Thanh Hóa (47) là 2 địa phương đông dân nhất. Vùng duyên hải miền Trung có đặc điểm vừa có miền núi, nhiều đồng bào dân tộc, vừa nhiều huyện ven biển, cần nhiều lao động. Thứ hạng điểm thi hầu hết trung bình và thấp (10 tỉnh, thành dưới 32, trong đó có Quảng Trị là 51, Ninh Thuận 58 và Phú Yên 60). Thêm nữa, vùng kinh tế này có 406 cơ sở dạy nghề (có 81 trường CĐ), xếp thứ 2 toàn quốc, nên HS ở Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ đi học nghề, trực tiếp lao động tại chỗ hoặc di cư lao động vào vùng Đông Nam bộ hay đồng bằng sông Hồng.
Đông nam bộ kinh tế phát triển, điểm thi khá cao, HS chọn du học
Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có kinh tế - xã hội phát triển, nhà nước và người dân quan tâm đến giáo dục, vì vậy vùng này có thứ hạng điểm thi khá cao, nhất là toán và ngoại ngữ (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai có điểm ngoại ngữ thuộc top 10), nên có nhiều HS đi du học. Đây là vùng có nhiều trường nghề (295 cơ sở dạy nghề, với 72 trường CĐ), nên cũng sẽ có nhiều HS theo con đường học nghề. Cũng có thể một số HS không đủ điểm để xét tuyển ĐH năm nay sẽ thi lại vào năm sau. HS Tây Ninh, Bình Phước năm nay có điểm thi thấp nên sẽ chọn hướng học nghề hoặc đi lao động.
Vì sao Tây nguyên có số HS không chọn xét tuyển ĐH ít nhất?
Mặc dù các tỉnh Tây nguyên có thứ hạng điểm thi thấp, trừ Lâm Đồng (xếp hạng 20), kinh tế - xã hội cũng khó khăn nhưng có số HS không đăng ký xét tuyển ĐH ít nhất (7%). Trước hết, đó là do dân số vùng này thấp so với các vùng. Kế đến, vùng kinh tế này có ít trường nghề nhất (chỉ có 105 cơ sở dạy nghề, 13 trường CĐ).
Đặc điểm người dân Tây nguyên hiện nay là người các tỉnh miền Trung, miền Bắc di cư đến sinh sống, làm ăn rất đông; có truyền thống hiếu học nên mong muốn con em học các trường ĐH trên địa bàn hoặc ở Đông Nam bộ, miền Trung.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để đào tạo nhân lực chất lượng cao
Năm 2022, số HS đăng ký xét tuyển ĐH giảm so với năm 2021 là do nhiều yếu tố như: HS đăng ký sau khi biết điểm của mình, tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên số HS đi du học tăng lên, học phí các trường ĐH có xu hướng tăng, nhận thức của HS cũng như phụ huynh về học nghề đã thay đổi (có nhiều trường hợp HS đạt điểm thi cao vẫn đi học nghề)... Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0 cần nguồn nhân lực lao động có trình độ cao (trình độ CĐ, ĐH trở lên), vì vậy cần nhiều giải pháp đồng bộ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước hết, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo ĐH để thu hút nhiều HS sau THPT vào học. Hiện nay tỷ lệ người VN trong độ tuổi đi học ĐH vẫn thấp so với các nước (VN chỉ 28%, trong khi Thái Lan là 43% và Hàn Quốc, Nhật Bản trên 60%) nên mở rộng đào tạo ĐH hợp lý cùng với phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nhiều lao động có trình độ ĐH.
Kế đến, phát triển hệ thống trường nghề chất lượng cao, nhất là các vùng ĐBSCL, Tây nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc để tăng cường đào tạo nghề cho HS sau THCS, THPT ở các vùng này.
Các trường ĐH có chính sách học bổng tốt, nhà nước có chính sách về tài chính, cho sinh viên vay để học... nhằm thu hút tất cả những người có khả năng nhưng không có điều kiện về kinh tế được theo học ĐH. Đồng thời nhà nước, các trường ĐH cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở rộng đào tạo cho sinh viên nước ngoài, chứ không chỉ dựa vào nguồn tuyển sinh trong nước.
Bình luận (0)