Thí sinh không nên mất nhiều thời gian vào việc đăng ký nguyện vọng lần đầu?

27/04/2021 15:38 GMT+7

Hôm nay (27.4) là ngày đầu tiên thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, nhưng nhiều học sinh băn khoăn có ý kiến cho rằng 'đăng ký nguyện vọng lần đầu chỉ là bản nháp, đừng mất quá nhiều thời gian với nó'.

"Suy nghĩ rất nguy hiểm"

Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), cho biết mình vừa đọc được một lời khuyên về đăng ký nguyện vọng từ Facebook của một giáo viên khá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng đến nhiều phụ huynh và học sinh trên mạng xã hội

 

Cụ thể, người giáo viên này cho rằng: "Đăng ký nguyện vọng lần đầu không quá quan trọng. Thầy thấy mấy hôm nay các bạn vật vã, trăn trở với vấn đề đăng ký nguyện vọng quá. Trời ơi, không quan trọng lắm đâu. Đăng ký lần đầu chỉ là bản nháp thôi. Đằng nào sau khi thi xong thì cũng hơn 90% các bạn lại thay đổi hết tất cả nguyện vọng cho mà coi. Cho nên đừng có mất quá nhiều thời gian với nó. Cứ tập trung hết cỡ cho việc học và ôn thi đi. Không tin thì cứ hỏi các anh chị sinh năm 2000, 2001, 2002 mà xem".
"Em không biết là thầy khuyên như vậy là chính xác hay chưa, em có nên đăng ký 'đại' hay không vì sau này còn được chỉnh sửa", Hương cũng như nhiều học sinh khác băn khoăn.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lưu ý: "Đó là một quan điểm rất dễ khiến thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến việc đăng ký lần đầu cho xong chuyện".
Theo thạc sĩ Trần Vũ, trong những năm qua có rất nhiều thí sinh mang tâm lý đăng ký nguyện vọng lần đầu cho xong, vì đằng nào cũng sẽ có cơ hội điều chỉnh để tập trung ôn luyện thi cử, nhưng suy nghĩ này sẽ rất nguy hiểm.
"Thứ nhất, việc xác định các nguyện vọng là dựa trên quá trình tìm hiểu, đánh giá năng lực bản thân và định hướng việc làm tương lai. Tức là nếu một bạn thí sinh chưa biết mình thích gì, chưa biết mình phù hợp điều gì thì đăng ký một nguyện vọng cũng sẽ như cả trăm nguyện vọng. Vấn đề không phải là chọn ngành nào để có cơ hội được xét tuyển, mà vấn để là bạn có thực sự đầu tư nghiêm túc với nó để phát triển bản thân mình hay không", thạc sĩ Trần Vũ nói.
Thạc sĩ Vũ cảnh báo việc đặt thứ tự ưu tiên các nguyện vọng tuy nói là có thể điều chỉnh trong tương lai, nhưng nếu thí sinh không có sẵn các phương án dự phòng thì cũng không chắc là đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh này thì điều này sẽ dẫn đến tình huống thay đổi kiểu cuống cuồng, đối phó với tình thế.
"Hơn nữa, việc điều chỉnh nguyện vọng không phải lúc nào cũng có lợi vì đó là một chiến thuật trong một cuộc "đánh cược" với tương lai bản thân, chứ không phải hoàn toàn "hên xui". Trên thực tế, tuy có rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng phương thức trúng tuyển nhiều nhất vẫn là theo kết quả thi THPT, và đó là cơ hội cuối cùng khi bạn đã "rớt" các phương thức còn lại. Một lưu ý cuối là năm nay khác với các năm trước, nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng theo phương thức phiếu trực tiếp thì "bút sa gà chết", không có sự tính toán kỹ và điền thông tin không chuẩn xác có thể gây ra hệ quả sau này. Chính vì thế, hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi đăng ký nguyện vọng ngay trong lần đầu tiên này", thạc sĩ Vũ chia sẻ.

Chính xác ngay từ đầu để tránh bối rối về sau

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng quan điểm mà giáo viên đăng lên mạng xã hội chỉ đúng một phần, ở chỗ là nếu sai thì thí sinh sau này còn cơ cơ hội điều chỉnh nguyện vọng.
"Tuy nhiên, nếu cho rằng đăng ký lần đầu không quan trọng là sai. Các em cần đăng ký chính xác từ những thông liên quan đến quyến lợi của mình như ưu tiên theo khu vực, ưu tiên theo đối tượng, cho đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nếu thí sính có sự tham khảo và nắm bắt các thông tin về ngành nghề, điểm chuẩn những năm gần đây, môi trường học tập... để cân nhắc lựa chọn đúng ngày từ đầu, thì sau này sẽ không mất thời gian điều chỉnh với những thủ tục phức tạp, chưa kể phải mất thêm lệ phí", tiến sĩ Nhân nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nhân còn lưu ý chỉ khi nào mức điểm của thí sinh quá chênh lệch so với dự kiến ban đầu, thì lúc đó thí sinh mới cân nhắc để thay đổi lại nguyện vọng. "Nhưng sự thay đổi nếu có thì chỉ là xem tổ hợp môn nào có mức điểm cao nhất, và với mức điểm đó thì phù hợp với trường nào hơn, còn ngành học thì các em nên giữ nguyên, không nên vì muốn đậu ĐH mà thêm "đại" một ngành học mình không yêu thích. Rất nhiều em rơi vào tình huống này và thêm "đại" như thế, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của các em", tiến sĩ Nhân nhìn nhận.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng khuyên thí sinh ngay từ bây giờ phải xác định rõ ngành học mình đăng ký.
"Việc không suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ khiến các em lựa chọn sai lầm và với tâm thế đó thì chưa chắc đến khi điều chỉnh nguyện vọng các em đã có đủ thời gian và sự thận trọng để lựa chọn đúng. Hãy xác định chắc chắn ngành mình yêu thích và phù hợp với sở trưởng, năng lực trước, để sau này hạn chế phải chỉnh sửa. Nếu sau này điểm không như mong muốn thì các em chỉ cần thay đổi trường ĐH còn ngành vẫn giữ nguyên", thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.