Thí sinh lớp 10 thấp thỏm chờ 'vé vớt'

15/07/2024 08:41 GMT+7

Hà Nội đã hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung vào lớp 10 cho hơn 60 trường THPT công lập, nhưng nhiều học sinh (HS) điểm cao vẫn trượt trường công. Do vậy, việc một trường ở ngay quận nội thành được tuyển 'nguyện vọng tràn' khiến nhiều thí sinh lớp 10 khát khao một 'tấm vé vớt'.

Từ tiếc nuối cùng cực đến thấp thỏm hy vọng

Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng năm nay gây sốc vì mức điểm chuẩn giảm kỳ lạ so với năm ngoái, điểm chuẩn đợt 1 của trường là 23,75 trong khi năm ngoái là 40 (giảm 16,25 điểm). Mức điểm này khiến nhiều phụ huynh, thí sinh vô cùng tiếc nuối vì trước đó đã không dám đăng ký dự tuyển vào trường.

Thí sinh lớp 10 thấp thỏm chờ 'vé vớt'- Ảnh 1.

Hằng ngày phụ huynh HS vẫn đến trường mong ngóng thông tin mới

T.HẰNG

Khi hạ điểm chuẩn của hơn 60 trường THPT công lập, Hà Nội quyết định không hạ điểm chuẩn của trường này mà cho tuyển bổ sung bằng phương thức đặc biệt: nhận đăng ký HS trượt tất cả các nguyện vọng vào trường công và có mức điểm sàn từ 25,75 điểm trở lên. Sau đó sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi lấy đủ 62 chỉ tiêu còn thiếu.

Chị L.A, có con thi được 36 điểm, 4 năm liền ở THCS đều đạt danh hiệu HS giỏi, cho biết con đăng ký 2 nguyện vọng thì đều trượt cả hai. Gia đình đã đăng ký và nộp tiền giữ chỗ cho con vào một trường tư thục không mấy tiếng tăm lại xa nhà nên khi nghe tin Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng không hạ chuẩn (23,5), song được xét tuyển bổ sung toàn thành phố với HS có điểm xét tuyển từ 25,75 trở lên, gia đình lập tức đến trường ngóng thông tin suốt 2 ngày qua, dù đã đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn.

Chị L.A cho biết từng là HS của Trường Hai Bà Trưng trước đây và là Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng ngày nay, nhà lại gần nhưng vì năm ngoái trường lấy điểm chuẩn lên tới 40 nên gia đình không dám đăng ký. Đến khi thấy mức điểm chuẩn của trường có 23,5 trong khi con được 36 điểm thì cả 2 mẹ con đều bật khóc và mất ngủ mấy đêm liền vì tiếc. Nay có cơ hội đăng ký tuyển bổ sung nhưng chị L.A cho biết mẹ con chị lại tiếp tục mất ngủ vì không biết cơ hội trúng tuyển ra sao, khi nhiều HS điểm cao cũng đăng ký mà chỉ tiêu chỉ là hơn 60 HS.

Bà Hoàng Thị N., ở Q.Hoàng Mai, đã hơn 70 tuổi, có cháu nội được 34 điểm, trượt hết các nguyện vọng nhưng từ khi biết điểm chuẩn của Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng giảm bất ngờ, chiều nào bà cũng qua trường đứng ở cổng ngóng thông báo tuyển bổ sung. Bà cho biết, gia đình khó khăn nên việc học trường tư thục thực sự là gánh nặng về kinh tế, hơn nữa với mức 34 điểm thì cơ hội vào trường tư thục chất lượng tốt cũng không có nên khao khát lớn nhất của gia đình là con đỗ vào trường công lập.

Rất nhiều phụ huynh có con đạt điểm khá cao nhưng do thiếu thông tin, không có cơ hội đổi nguyện vọng sau khi biết "tỷ lệ chọi" nên trượt tất cả các nguyện vọng. Nhiều em có điểm cao hơn mức điểm sàn mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố cả chục điểm song vẫn không khỏi lo lắng khi chỉ tiêu tuyển bổ sung của trường rất ít.

Trên các nhóm mạng xã hội dành cho phụ huynh, HS Hà Nội, nhiều ý kiến tỏ ra tiếc nuối vì đã đăng ký tới 3 nguyện vọng, nguyện vọng 3 là một trường ở huyện xa nhà tới 60 km và đã trúng tuyển. HS trúng tuyển nhưng không học và lại mất luôn cơ hội xét tuyển bổ sung vào trường tuyển "nguyện vọng tràn" như THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng.

Thí sinh lớp 10 thấp thỏm chờ 'vé vớt'- Ảnh 2.

Hằng ngày, phụ huynh HS vẫn trở đi trở lại trường mong ngóng “thông tin mới”

TUẤN MINH

Chầu chực "tấm vé vớt"

Dù sở GD-ĐT và nhà trường thông báo rõ chỉ nhận đăng ký trực tuyến kèm các hướng dẫn cụ thể nhưng 2 ngày qua, hàng chục lượt phụ huynh vẫn đến trường, nhiều người trở đi trở lại mỗi buổi mong ngóng "thông tin mới", trông chờ cơ hội "có một không hai".

Tuy nhiên, trong câu chuyện về Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, chị L.A nói sau kỳ thi vào lớp 10 mà mẹ con chị trải qua, việc đăng ký nguyện vọng để quyết định trúng tuyển gần như "đánh bạc", đầy tính may rủi. Không ít phụ huynh phải tuân thủ luật chơi rất thiếu thông tin.

Từ khoảng 3 - 4 năm trước, Hà Nội vẫn cho phép HS được đổi nguyện vọng đăng ký dự tuyển một lần sau khi Sở GD-ĐT TP công bố tỷ lệ chọi của từng trường THPT công lập. Thế nhưng gần đây, quy định nhân văn này bị bãi bỏ. Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn công bố tỷ lệ chọi vào các trường nhưng lưu ý thông tin chỉ để "tham khảo" chứ không phải để HS được đổi nguyện vọng. Lý giải điều này, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, việc tăng từ 2 lên 3 nguyện vọng cho HS đã tăng cơ hội trúng tuyển vào trường công của HS có nhu cầu để bù đắp cho việc xáo trộn không cần thiết.

Thực tế, thông tin tỷ lệ "chọi" rất quan trọng. Câu chuyện điểm chuẩn bất thường của Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng là một ví dụ điển hình. Năm 2023, trường này vốn là nằm trong top giữa nhưng điểm chuẩn đã vọt lên mức tiệm cận với các trường top đầu khi có mức điểm chuẩn ở "đầu 4": 40 điểm (năm 2022 là 38,25 điểm). Vì vậy, năm nay HS và phụ huynh có tâm lý "né" trường này khi đăng ký nguyện vọng dự tuyển dẫn tới số đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Kết quả là số đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chỉ là 551 thí sinh trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vẫn bằng năm 2023 là 675 (tỷ lệ chọi là 0,82).

Từ câu chuyện trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Sở GD-ĐT Hà Nội giữ quy định cho HS đổi nguyện vọng sau khi công bố tỷ lệ chọi thì chắc chắn Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng không phải giảm điểm chuẩn và tuyển bổ sung một cách đặc biệt như vậy; phụ huynh, HS sẽ không mất ăn, mất ngủ vì tiếc nuối khi mức điểm chuẩn của trường quá thấp mà không dám đăng ký cho con dự tuyển…

Trong khi đó, việc tuyển sinh vào ĐH những năm gần đây lại thay đổi theo hướng HS chỉ đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường sau khi đã biết điểm thi, sau đó còn được đổi nguyện vọng để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển. Việc tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, vì sao không áp dụng được cách làm này? Câu trả lời vẫn là do thiếu quá nhiều trường công lập, số trường ở khu vực vùng lõi của thủ đô không đáp ứng được cách tuyển sinh linh hoạt như vậy.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, từ 8 giờ ngày 17.7, Hội đồng tuyển sinh Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng sẽ họp xét duyệt danh sách đăng ký xét tuyển bổ sung của HS theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao. Trường hợp HS có điểm xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, nhà trường báo cáo Sở GD-ĐT phê duyệt.

14 giờ ngày 17.7, nhà trường nộp danh sách đề nghị trúng tuyển về Sở GD-ĐT Hà Nội. Trước 9 giờ ngày 18.7, danh sách HS trúng tuyển bổ sung được thông báo công khai tại trường và cổng thông tin điện tử của ngành GD-ĐT.

"Thời điểm trước khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố danh sách trúng tuyển vào các trường tuyển sinh đặc biệt nói trên, phụ huynh HS chưa phải rút hồ sơ hay hủy xác nhận nhập học tại trường THPT tư thục hay trung tâm GDNN - GDTX vì chưa có kết quả trúng tuyển. Sau khi có kết quả trúng tuyển, nếu HS có nguyện vọng nhập học mới thực hiện thao tác rút hồ sơ và hủy xác nhận nhập học tại trường khác (nếu có) để nhập học tại trường trúng tuyển bổ sung", Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.