Đó là kết quả mà PV Thanh Niên thu thập được qua một cuộc khảo sát nhỏ vào ngày 23.6, một ngày trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019.
[VIDEO] Ngăn chặn tội phạm công nghệ cao "tấn công" kỳ thi THPT quốc gia
|
Dương Thị Thùy Trang, lớp 12A2 Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM) cho biết mình đã sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia với một tâm lý rất tốt. Khi được hỏi điều mong muốn nhất của Trang về kỳ thi này là gì, Trang nói: “Thời gian qua em cũng đọc khá nhiều thông tin về vụ gian lận chấm thi ở Sơn La, biến những bạn điểm thấp thành điểm cao và đậu vào nhiều trường ĐH lớn, thậm chí còn là thủ khoa. Em thấy rất bất bình. Vì thế, em mong năm nay không chỉ nghiêm túc trong công tác coi thi mà việc chấm thi cũng phải thật minh bạch và nghiêm ngặt để những thí sinh học thực, thi thực như tụi em không bị thiệt thòi”.
Ngoài ra, Trang còn lo lắng việc thí sinh sử dụng công nghệ cao để gian lận ở phòng thi. “Khi công nghệ phát triển vượt bậc thì không có chuyện gì là không thể xảy ra. Vì thế, em mong là các thầy cô coi thi sẽ đủ kinh nghiệm và kỹ năng để phát hiện những trường hợp như vậy, đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh”, Trang chia sẻ.
tin liên quan
Bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nhiều thay đổi để tránh tiêu cựcVới Nguyễn Đàm Vân Khánh, học sinh lớp 12B2 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), việc những thí sinh không chăm chỉ học hành, không có học lực tốt vẫn đậu ĐH bằng cách gian lận là một bất công lớn đối với những thí sinh khác ngày đêm học tập. “Em mong việc tổ chức thi thật khoa học và công bằng để những thí sinh học tập nghiêm túc như tụi em không bị mất đi cơ hội. Bên cạnh đó, em cũng mong đề thi tạo cơ hội cho thí sinh dùng tư duy để vận dụng kiến thức đã học chứ không bắt buộc phải dùng trí nhớ theo kiểu học thuộc bài. Đó cũng là một cách để đánh giá công bằng năng lực của thí sinh”, Vân Khánh nhìn nhận.
Trong khi đó, Nguyễn Thu Thủy, học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho rằng: “Có thể nhiều thí sinh không quan tâm lắm tới những vấn đề tưởng như “vĩ mô” như công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi vì đó là chuyện của “người lớn”, còn việc của mình chỉ là làm bài cho tốt, nhưng em vẫn nghĩ hơi xa một chút. Đó là niềm tin. Em muốn tin rằng những ai có năng lực,học tập nghiêm túc thì sẽ đạt kết quả cao. Em hy vọng kỳ thi lớn này sẽ không xảy ra những tiêu cực kinh khủng như vụ việc ở tỉnh Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia năm vừa rồi, khiến cho cả xã hội mất niềm tin”.
Bình luận (0)