Sáng nay, 7.6, khoảng 98.600 thí sinh ở TP.HCM tiếp tục thi môn toán, cũng là môn thi lớp 10 bắt buộc cuối cùng. Tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5), Lý Phú Cường, học sinh Trường THCS Nguyễn An Khương (H.Hóc Môn), thú nhận em lo lắng đề toán sẽ khó khi môn văn, tiếng Anh "rất là dễ". "Em sợ các câu hỏi toán thực tế sẽ khó hơn mọi năm. Còn với toán hình, em nghĩ sẽ khó từ câu b chứ không chờ đến câu c", Cường nói.
Theo nam sinh, toán thực tế thiên về "đánh đố", thế nên thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi. Để chuẩn bị cho dạng này, Cường không chỉ luyện đề mà còn xem bài giảng trên YouTube, theo dõi chương trình Đường lên đỉnh Olympia cũng như làm nhiều bài kiểm tra về IQ. "Nhưng em vẫn sợ đề ra dạng nào đó em chưa quen. Em nghĩ sẽ có 3 câu khó để 'chặn điểm'", nam sinh muốn vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) dự đoán.
Chung quan điểm, Phạm Ngọc Bảo Nghi, học sinh Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình), cho rằng đề toán thi lớp 10 năm nay sẽ "siết" ở các câu toán thực tế và câu c bài toán hình. "Em luyện đến 70 đề rồi nên không quá sợ dạng toán này. Em dự định sẽ ưu tiên làm những câu toán thực tế lạ trước. Mong là đề sẽ không quá đánh đố, đủ để phân hóa thí sinh", nữ sinh kỳ vọng.
Nguyễn Lý Lan My, học cùng trường, thì cho biết em sợ toán thực tế vì nó có rất nhiều dạng, "mà đa số là nếu đọc đề không kỹ sẽ không biết cách lập phương trình". "Trước khi thi, em dành thời gian lướt TikTok để xem các clip hướng dẫn giải đề toán thực tế", My nói. Trong khi đó, Nguyễn Gia Hân, học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Q.Tân Bình), kể rằng đọc tin thời sự là cách em lựa chọn để chinh phục các câu toán thực tế.
"Theo em, các câu thực tế không phải dạng đề mà luyện tập là làm được. Nó cần sự suy luận logic và bản thân phải biết tự rút kinh nghiệm. Nhiều ngữ liệu được lấy từ các nghiên cứu, thông tin thực tế, thế nên em cũng chăm đọc tin tức về các vấn đề xã hội để có thêm kiến thức. Em cũng nghĩ đề sẽ có 3 câu khó để phân hóa thí sinh", Hân chia sẻ.
3 lần cùng con thi lớp 10, mẹ vẫn không bớt lo
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong đề thi lớp 10 năm học 2024-2025, môn toán sẽ có lần lượt các bài sau: Bài 1 yêu cầu thí sinh vẽ đồ thị - tìm giao điểm; Bài 2 về định lý Vi - et, nghiệm phương trình; Từ bài 2 đến bài 7 (5 bài tiếp theo) là toán thực tế; Bài số 8 là toán hình học gồm 3 câu, câu cuối cùng của bài 8 là câu khó, dùng để chọn lọc học sinh giỏi.
Hôm nay, 7.6, thí sinh tiếp tục dự thi môn toán, cũng là môn cuối trong vòng 120 phút. Nếu có đăng ký thi môn chuyên, thí sinh sẽ tiếp tục dự thi vào chiều nay trong 150 phút tại một số điểm thi nhất định.
Ngay sau khi kỳ thi lớp 10 kết thúc, Sở GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng chấm thi và huy động hàng ngàn giáo viên làm giám khảo. Dự kiến ngày 20.6, Sở GD-ĐT sẽ công bố điểm thi lớp 10; ngày 24.6 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, lớp 10 tích hợp; và ngày 10.7 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 thường.
Bình luận (0)