Thí sinh TP.HCM không thể 'học tủ' môn văn thi lớp 10, lý do là gì?

06/06/2023 14:39 GMT+7

Sau 2 giờ làm bài môn ngữ văn kỳ thi lớp 10, nhiều thí sinh TP.HCM nhận định đề 'rộng mở', tạo không gian cho các em tư duy, lựa chọn tác phẩm phù hợp đồng thời đẩy lùi nạn 'học tủ' vốn diễn ra từ nhiều năm nay.

Sáng nay, học sinh TP.HCM đã hoàn thành môn thi đầu tiên là ngữ văn trong kỳ thi lớp 10. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi văn 2023 không thể "học tủ" như các năm trước đó vì ra theo chủ đề, không ra theo tác phẩm.  Đề chỉ có chủ đề chung là "Để những suy nghĩ cất lên thành lời..." và tạo cơ hội cho thí sinh tự do lựa chọn tác phẩm sao cho phù hợp, chứ không yêu cầu phân tích một tác phẩm nhất định.

Thí sinh TP.HCM không thể 'học tủ' môn văn thi lớp 10, lý do là gì? - Ảnh 1.

Phụ huynh động viên thí sinh sau giờ làm bài môn thi ngữ văn

NGỌC LONG

Cụ thể, thí sinh có thể chọn một trong 2 đề nghị luận văn học là viết về một khổ thơ hay đoạn thơ về tình yêu nước của con người Việt Nam, hoặc nêu cảm nghĩ về một tác phẩm hay đoạn trích bất kỳ về tình cảm gia đình.

Tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), Lâm Chu Hoàng An, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, nhận xét đề thi văn như trên không chỉ yêu cầu truyền tải kiến thức trong sách vở mà còn phải đề cập đến những trải nghiệm nghiệm ngoài xã hội, hoàn toàn khác với đề văn năm trước. "Để chuẩn bị cho kỳ thi lần này, em phải ôn đủ kiến thức trong chương trình, không chỉ 'học tủ' là xong", nam sinh cho hay.

Thi lớp 10 Giáo viên ngữ văn dự đoán về phổ điểm năm nay

Với Võ Hoàng Song Ái và Lưu Hồng Ân, cùng học Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), phạm vi câu hỏi nghị luận văn học của đề thi văn vào lớp 10 khá rộng, có thể triển khai với nhiều tác phẩm từ chủ đề chiến tranh bảo vệ dân tộc như Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, đến chủ đề vẻ đẹp đất nước như Đoàn thuyền đánh cá, Nói với con. "Quan trọng là cách chúng em thuyết phục giám khảo bằng những lập luận của mình", Hồng Ân chia sẻ.

Thí sinh TP.HCM không thể 'học tủ' môn văn thi lớp 10, lý do là gì? - Ảnh 2.

Hồng Ân (trái) cùng Song Ái phấn khởi với đề thi "rộng mở" năm nay của TP.HCM

NGỌC LONG

Trong khi đó, Song Ái bình luận: "Với cách ra đề 'rộng mở' như năm nay thì cách 'học tủ', 'học vẹt' học sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, một tác phẩm gồm rất nhiều chủ đề khác nhau như tinh thần cống hiến, lòng yêu nước, tình đồng đội thế nên người viết cần phải mở rộng tư duy, đánh giá xem tác phẩm dự định chọn có tương ứng và đại diện được cho chủ đề mà câu hỏi đặt ra không".

"Nếu 'học tủ', thường thì thí sinh chỉ thuộc một số chủ đề nhất định trong các tác phẩm. Do đó, Nếu chỉ máy móc viết theo những bài văn có sẵn thì rất dễ 'trượt' khỏi nội dung câu hỏi dù có 'trúng tủ', chẳng hạn như viết về bài thơ Đồng chí nhưng không phân tích về lòng yêu nước mà lại lạc sang... hình tượng người lính", nữ sinh lưu ý thêm.

Thí sinh TP.HCM không thể 'học tủ' môn văn thi lớp 10, lý do là gì? - Ảnh 3.

Thí sinh hào hứng chia sẻ kết quả bài làm cho phụ huynh

NGỌC LONG

Tự tin có thể đạt được điểm văn từ 8.5 trở lên, Nguyễn Phạm Vương Khang, học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cũng chọn ôn tổng hợp các tác phẩm trọng tâm chứ không "tủ" bất kỳ bài nào. Dù thế, Khang chia sẻ rằng việc biết nhiều và hiểu sâu các tác phẩm văn học đã giúp em nắm chắc tổng quan, giúp em biết cách khai thác và phân tích kỹ hơn.

"Cách ra đề mới năm nay cho chúng em dễ dàng chọn lựa tác phẩm. Bên cạnh đó, thầy cô cũng có thể chấm bài một cách khách quan hơn do không cần phải đọc đi đọc lại nhiều bài phân tích rập khuôn như nhau. Như vậy, sự đổi mới đề thi đã giúp cả thí sinh lẫn giám thị chấm thi", Khang đúc kết.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, có khoảng 96.000 thí sinh đăng ký và sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, với lần lượt các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán (nếu đăng ký lớp 10 thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký trường, lớp chuyên; tích hợp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.