Sau khi quy chế được ban hành, Thanh Niên đã trao đổi với lãnh đạo Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT để giúp thí sinh hiểu rõ hơn những quy định trong quá trình đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, CĐ.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Hoa Sen năm 2014. Năm nay, việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng có thay đổi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Phải rõ mục đích khi đăng ký dự thi
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết theo Quy chế thi THPT quốc gia, thời gian kết thúc đăng ký dự thi là ngày 30.4. Dự kiến bắt đầu thí sinh (TS) đăng ký dự thi ngày 1.4.
Khi làm hồ sơ, TS cần lưu ý xác định mục đích tham dự kỳ thi (thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, chỉ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay nhằm cả 2 mục đích) và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi.
|
Cũng theo ông Nghĩa, TS phải xác định chính xác môn thi: Để xét công nhận tốt nghiệp thì phải đăng ký 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và môn tự chọn. Với 4 môn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp thì mỗi môn phải đạt điểm lớn hơn 1 đồng thời tổng điểm các môn thi này cùng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12 thỏa mãn điều kiện xét tốt nghiệp.
Đăng ký nhiều môn thi, cơ hội xét tuyển càng nhiều
Để xét tuyển vào các trường, TS cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi.
Ông Nghĩa tư vấn: “TS có thể đăng ký tối đa 8 môn. Nếu đăng ký nhiều môn thì cơ hội xét tuyển nhiều hơn, nhưng các em cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao nhất”.
Trong khi đăng ký dự thi, TS cần phải điền thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin liên quan tới chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. TS cần phải điền đúng thông tin này vì theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, TS phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin mà mình đã đăng ký. “Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu do những sai sót khi khai chế độ ưu tiên dẫn đến việc TS không đủ điểm trúng tuyển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Với những TS trượt ĐH năm 2014, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định vẫn phải dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay nếu muốn xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, TS đó sẽ không phải đăng ký các môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp mà chỉ đăng ký những môn xét tuyển.
|
Có thể nộp cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả
Xung quanh quy định về xét tuyển, ông Mai Văn Trinh, cho biết để tạo thuận lợi cho TS, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi TS sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của 1 trường.
Trong đó, một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, TS được phép rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Đồng thời, cứ 3 ngày một lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách TS theo điểm từ cao xuống thấp, để TS theo dõi và lựa chọn. “Đây là một thay đổi có lợi cho TS mặc dù khó khăn hơn nhiều cho các trường vì các năm trước, TS không được quyền thay đổi nguyện vọng đã đăng ký”, ông Trinh cho hay. Ngoài ra, TS đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
3 giấy chứng nhận kết quả còn lại TS sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. “Trong mỗi đợt từ đợt 2 trở đi, các em có thể sử dụng cả 3 giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước”, ông Trinh khẳng định.
Cũng do quy định này nên lãnh đạo Cục Khảo thí lưu ý, TS phải cân nhắc để lựa chọn tối đa 4 ngành của trường đó để đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4, tuyệt đối không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung.
Theo ông Trinh, việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống hoàn toàn năm 2014 nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn, vì tối đa TS có 12 nguyện vọng (3 giấy xác nhận kết quả thi, mỗi giấy có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng).
Ý kiến Làm sao kiểm soát được TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1? Quy chế chính thức “thoáng” hơn dự thảo khi cho phép TS được sử dụng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào 3 trường khác nhau ở nguyện vọng bổ sung, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1. Tuy nhiên, làm sao để các trường kiểm soát được số TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không tiếp tục nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung khi có trong tay cùng lúc cả 4 giấy chứng nhận kết quả thi? Vì vậy, cần có phương án kỹ thuật để kiểm soát TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung. Ngoài ra, năm nay hồ sơ đăng ký xét tuyển không yêu cầu TS nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, điều này có nghĩa TS chưa tốt nghiệp vẫn có thể tham gia vào quá trình xét tuyển. Dù các trường khi gọi nhập học sẽ yêu cầu TS chứng minh điều kiện này nhưng sẽ rối rắm cho quy trình xét tuyển các trường. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) Cần hướng dẫn rõ khu vực, đối tượng ưu tiên Năm nay bổ sung thêm nhiều đối tượng ưu tiên tuyển sinh và ghi rõ TS phải chịu trách nhiệm khi khai các thông tin này. Nhưng thực tế các trường còn rất khó khăn trong việc xác định các đối tượng và khu vực ưu tiên thì TS càng khó hơn. Vì thế Bộ cần có hướng dẫn cụ thể hơn hoặc phần mềm tuyển sinh cần thể hiện rõ được khu vực, đối tượng ưu tiên này. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ) Làm sao đơn vị tổ chức thi kiểm tra hồ sơ dự thi ? Quy chế quy định hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia nộp về sở GD-ĐT và không chuyển cho các trường ĐH chủ trì cụm thi. Vậy làm sao đơn vị tổ chức thi kiểm tra được dữ liệu hồ sơ và ai sẽ làm phiếu báo ảnh? Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing) Hà Ánh (ghi) |
Bình luận (0)