|
Kết thúc thời gian làm bài thi khoa học tự nhiên, nhiều thí sinh cho rằng đề thi lý, hóa, sinh sáng nay 'dễ thở' hơn đề thi môn toán.
Thí sinh Nguyễn Hồng Chi, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP.HCM, cho biết 3 môn thi sáng nay em đều làm dư thời gian. Môn hóa học nhiều câu khá dễ; môn sinh học có một số câu yêu cầu khó hơn.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Bách, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, vui vẻ: "3 môn em đều làm hết. Không có nhiều câu phải chọn bừa kết quả".
|
Trong khi đó, thí sinh Lê Duy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) cho hay trong 3 môn của bài thi khoa học tự nhiên thì đề thi hóa khó nhất, đề môn sinh học thì dài, khiến thí sinh dễ có cảm giác “ngộp”.
Tương tự thí sinh Nguyễn Ngọc Diệp, điểm thi Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), so sánh với đề năm 2017 thì đề năm nay khó hơn...
B.Thanh - T.Hằng (ghi)
* Tại Quảng Nam: Nhiều thí sinh cho rằng đề thi lý năm nay sẽ có nhiều điểm cao. Em Trần Thị Đoan (thí sinh thi tự do), cho biết em thi lần này là lần thứ 2, so với năm trước thì đề lý năm nay "dễ thở" hơn, vừa sức với nhiều thí sinh. "30 câu đầu em làm khá ổn, còn 10 câu sau thì 'khoanh lụi'. Với đề lý năm nay em chắc chắn sẽ có nhiều bạn đạt điểm 10", Đoan nói.
Trong khi đó, thí sinh Đỗ Phan Anh, chia sẻ đề lý có sự phân hóa rõ ràng, trong đó 20 câu đầu học cơ bản thì làm được, còn 20 câu sau thì phải vận dụng nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức chương trình lớp 11 để làm bài. “Em tự tin 20 câu đầu, 20 câu sau có một vài câu làm được, còn lại đánh bừa. Kết thúc bài thi em nghĩ mình sẽ nắm trong tay trên 6 điểm”, Phan Anh nói.
Em Trần Trịnh Tùng (học sinh Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), chia sẻ đề thi môn sinh học năm nay không khó. Tuy nhiên từ câu 30 đến 40 có sự phân hóa nên yêu cầu thí sinh phải vận dụng công thức tính nhanh. Đề năm nay số câu cũng như mọi năm nhưng lại dài hơn vì trong mỗi câu chia làm nhiều ý nhỏ nên có thể nhiều bạn sẽ không làm hết đề, nếu ôn tập kỹ có thể làm trên 90%.
Theo Tùng, riêng về đề thi môn hóa học thì năm nay khá khó, có nhiều câu về hữu cơ nên chiếm rất nhiều thời gian. 10 câu cuối đòi hỏi thí sinh phải áp dụng chương trình nâng cao.
|
Trong khi đó, em Ngô Xuân Vinh (học sinh Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho biết về đề thi môn vật lý khá "dễ thở", từ câu 28 trở đi bắt đầu đề dài, yêu cầu tư duy cao.
"Làm đề thi trắc nghiệm nên việc thí sinh 'khoanh lụi' là không tránh khỏi. Dù đề khó nhưng em vẫn tự tin là mình sẽ làm được trên 7 điểm", Vinh nói.
Mạnh Cường (ghi)
* Tại điểm thi THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), các thí sinh nhận định đề hôm nay có phần nhẹ hơn 2 môn thi đầu tiên.
Thí sinh Trần Minh An thở phào nhẹ nhõm vì đã làm tốt hai môn lý và hóa. "Em không kỳ vọng ở môn sinh nhiều nên chỉ làm trên mức trung bình. Miễn sao lý và hóa đạt tầm 80% là được".
Thí sinh Dương Đình Chính cho biết bạn làm tốt nhất môn lý và bạn đánh giá chung môn lý nhẹ và "dễ thở" nhất trong 5 môn thi vừa qua. "Nhìn chung lý và hóa em đều làm được khoảng 80%. Còn môn sinh không chú trọng điểm lắm nên chỉ cần làm được trên trung bình".
An Dy (ghi)
* Hết giờ làm bài thi khoa học tự nhiên, nhiều thí sinh trên địa bàn TP.Quy Nhơn (Bình Định) đều cho rằng đề thi các môn này khá dài, được bố trí từ câu dễ đến khó.
“Trong đề thi môn lý, những câu đầu em đều làm được, chỉ có 10 câu cuối là tương đối khó. Em chỉ làm xong 35 câu, còn 5 câu cuối làm không kịp giờ”, thí sinh Huỳnh Minh Trí, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Quy Nhơn) cho biết.
Thí sinh Lê Thúy Quỳnh (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn) cũng cho rằng đề thi các môn hóa, sinh dài, nhưng câu gần cuối đều rất khó để phân hóa chất lượng thí sinh. “8 câu cuối trong đề thi môn hóa rất khó, em làm không kịp”, thí sinh Quỳnh nói.
Theo các học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.Quy Nhơn), đề thi các môn đều có kiến thức trong chương trình lớp 11 và 12, trong đó tập trung chủ yếu là chương trình lớp 12. Nhiều thí sinh tại trường này dự đoán sẽ đạt điểm 6 hoặc 7 đối với mỗi môn thi này.
Hoàng Trọng (ghi)
* Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (Đức Cơ, Gia Lai) nhiều thí sinh rời phòng thi với vẻ mặt buồn vì đề thi vượt quá sức học.
|
Là học sinh giỏi 12 năm liền và đứng nhất khối 12 nhưng Phạm Thị Hằng lắc đầu: “Em không ngờ đề thi khó đến mức này. Đề thi năm trước chưa học được nửa học kỳ đầu năm 12 nhưng em đã giải được hơn nửa, còn đề thi năm nay quá khó. Em chỉ chắc được khoảng 25 - 30 câu, còn lại rất hoang mang. Mức độ khó của 3 môn sáng nay ngang nhau, môn sinh thì quá dài”.
|
Cùng là học sinh giỏi như Hằng, Lê Thị Châm chia sẻ: “Em thật sự thất vọng vì chẳng làm được như mong muốn. Chắc cũng do bản thân chủ quan vì cứ giải đề các năm thấy mức độ đề thi tương đối dễ, còn hôm nay đề khó nên không làm được nhiều. Bản thân em thi khối B mà còn chẳng kịp thời gian để làm môn sinh vì đề vừa khó lại quá dài”.
Chỉ vừa mới hỏi về mức độ đề thi như thế nào thì Đinh Viết Quang đã mở cặp lấy đề môn sinh ra và nói: “Chị nhìn thử đi, đề thi mà 6 mặt giấy thế này thì chỉ có nhắm mắt đánh lụi. Học khối B mà em còn hoang mang với đề thi, không biết thầy cô khi ra đề có thấy đề dài không, chứ tụi em nhìn vào là đã hoa cả mắt. Thi đã áp lực mà nhìn đề thi dài thế này thật sự rất ngao ngán. Không thể nào có đủ thời gian để đọc đề bài mà làm, nhiều câu em chỉ đọc lướt qua rồi đánh lụi. Nói chung là đề thi cả 3 môn thi sáng nay đều khó vượt sức học của em”.
Nữ Vương (ghi)
* Không chỉ có văn hay toán trong ngày thi đầu tiên làm khó thí sinh, trong buổi làm bài thi khoa học tự nhiên sáng nay, thí sinh tiếp tục than vì đề thi khó.
"Chết em rồi anh ơi, đề thi lý khó quá. Lúc thi thử em được 7 điểm, nhưng lần này thi thật chắc được 4, 5", Trần Thị Tố Ny (điểm thi Trường THPT Buôn Hồ, Đắk Lắk) than. Ny cho biết đề thi dài, có cả kiến thức lớp 11, nhiều câu hỏi rất 'trắc trở' nên làm bài không kịp dẫn đến thi không tốt".
Cùng tâm trạng, thí sinh Lê Bích Châu cũng bảo: "Chỉ hơn 2 phút để hoàn thành 1 câu trong đề thi 40 câu, có thời gian làm bài là 50 phút. Trong khi đề thi thì khó, nên đa số thí sinh trong phòng em làm bài không kịp thời gian. Nhiều bạn đã đánh lụi. Phần sóng ánh sáng hay phần điện có những câu phân loại thí sinh nên em không biết làm". Châu cầu mong được điểm trung bình cho môn lý.
|
Trong khi đó, ở điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng (Buôn Hồ, Đắk Lắk), sau khi kết thúc môn thi thứ hai trong buổi sáng là môn hóa, nhiều thí sinh lộ rõ sự căng thẳng vì tiếp tục gặp "chướng ngại vật" với đề thi.
Thí sinh H' Bim Teh, nói: "Không làm được bài thi. Dù đã ôn kỹ nhưng vào thi, gặp nhiều câu dạng bài hỗn hợp nên gặp khó khăn. Em chỉ đúng chắc được 8/40 câu. Còn lại là... hên xui".
Tương tự, thí sinh Lưu Văn Hà cũng ngao ngán: "Không làm kịp thời gian. Mới làm được khoảng 15 câu thì sắp hết thời gian".
Có điểm tổng kết môn hóa là 8, thi thử được 8,5 điểm, thế nhưng với đề thi hóa THPT quốc gia lần này, thí sinh Đỗ Thị Mỹ Diễm chỉ hy vọng đạt điểm 6. "Nhiều câu có kiến thức ở lớp 11 em không làm được. Trong khi những câu về kim loại, phần hóa hữu cơ thì 'khó nhằn' nên không tự tin đạt điểm cao môn này".
Xuân Phương (ghi)
* Mặc dù là thí sinh bước ra khỏi điểm thi ở Trường THPT Chu Văn An, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đầu tiên nhưng Lê Đăng Đức (thí sinh tự do) cho biết: “Đề thi môn lý năm nay khó hơn năm ngoái”. Đức cho biết em quyết tâm thi 3 môn (toán, lý, hóa) đạt điểm cao để xét tuyển vào Học viện Hải quân ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Theo Đức, đề môn lý có 40 câu thì chỉ có 20 câu đầu là tương đối dễ, 20 câu còn lại phải là học sinh có học lực khá, giỏi mới làm được. “Em đã ôn thi 3 môn toán, lý, hóa ở TP.HCM một năm nay mà khi cầm đề thi môn lý còn thấy hơi quá sức của mình. Em đoán mình làm được khoảng 7 điểm”, Đức nói.
Với môn hóa, Đức bật mí: “Những học sinh trung bình thì rất khó đạt điểm cao, bởi các bạn chỉ làm được hơn 20 câu đầu thôi. Học sinh khá thì làm được đến câu thứ 32, 8 câu cuối dành cho học sinh giỏi, bởi nó liên quan đến các phần toán hữu cơ và vô cơ rất khó. Em nghĩ mình làm được trên 8 điểm môn hóa”.
Lê Thanh (ghi)
* Tại điểm thi Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (TP.Đông Hà, Quảng Trị), thí sinh Lê Xuân Phòng (trú TP.Đông Hà), cho biết: “Sáng nay em chỉ thi một môn lý. Em thấy đề năm nay khó hơn năm ngoái. Đề gồm 40 câu, 25 câu đầu tương đối dễ nhưng sau đó độ khó tăng dần đều. Em làm được 32 câu, 8 câu còn lại e khoanh nhanh cho kịp giờ”.
|
Nhận định về hai môn hóa và sinh, em Nguyễn Thị Hoa (trú TT.Cam Lộ, H.Cam Lộ) cho biết: “Theo em thấy thì đề môn hóa khá dài nhưng cũng “dễ thở” hơn so với những môn còn lại. Em tự tin là bản thân có thể đạt trên điểm 7. Còn môn sinh thì em và một số bạn trong phòng cảm thấy không quá khó. 40 câu thì em làm được 39 câu, chỉ có 1 câu quá dài em chưa kịp giải. Nếu cho em thêm thời gian, em chắc chắn sẽ làm tốt”.
Ly Ly (ghi)
*** Giáo viên Võ Duy Thái, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) nhận xét: Đề thi môn hóa học có độ khó tiệm cận với đề minh họa mà Bộ đã công bố. 32 câu hỏi đầu, học sinh có học lực khá trở lên có thể sẽ giải quyết một cách trọn vẹn. 8 câu cuối cùng dành để phân hóa những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào những trường ĐH tốp đầu.
Giáo viên Nguyễn Khánh Hồng Vân, Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM) chia sẻ: Đề thi môn sinh học khó hơn đề thi năm 2017 và đề minh họa năm 2018. Đề có sự sắp xếp và phân hóa từ đơn giản đến phức tạp.
Học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm. Còn những thí sinh có học lực khá, tư duy tốt có thể đạt từ điểm 6 trở lên. Ngoài ra đề thi không có câu hỏi gấy bất ngờ dù đề thi dài, khiến thí sinh mệt mỏi ngay khi bắt đầu nhận đề
Giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie (Q.3,TP.HCM) nhận xét: Đề thi môn vật lý có độ khó hơn đề năm trước khoảng 20% và độ khó cân đối giữa các mã đề. Đề thi có 8 câu thuộc phần kiến thức lớp 11 và yêu cầu tương đối dễ. Phần khó tập trung ở lớp 12 với kiến thức về điện, điện xoay chiều, dao động cơ, sóng cơ...
Với đề này, chỉ những thí sinh thực sự giỏi mới đạt 9 - 10 điểm vì độ phân hóa khá tốt.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho rằng đề thi môn hóa học phân hóa rất mạnh, có thể làm khó cả học sinh giỏi với nguyện vọng vào các trường top đầu như Y dược, Bách khoa.
Cấu trúc đề cơ bản giống đề thi minh họa với 30 câu trong chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 11. Số câu hỏi bài tập là 17, còn lại là câu hỏi lý thuyết.
Song, số câu bài tập đòi hỏi tốn nhiều thời gian để giải chiếm tỷ trọng lớn trong đề khiến phần lớn thí sinh không đủ thời gian hoàn thành trọn đề. Với đề thi này, học hành nghiêm túc thì mới đạt điểm 5. Những em nào xuất sắc mới đạt được điểm 8, điểm 9-10 sẽ cực hiếm.
Với cách ra đề này sẽ làm khó cả giáo viên và học sinh trong công tác ôn luyện. Bởi nếu chỉ đơn thuần ôn tập theo chương trình sách giáo khoa thì thí sinh khó đạt điểm tốt. B.Thanh (ghi)
Thầy Nguyễn Thành Khánh, giáo viên vật lý, Trường THPT Bảo Lâm (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), nhận xét: “Đề thi môn lý rất hay, quen thuộc, không lạ đối với học sinh bởi các em đã được ôn tập nhiều. Đề thi không đánh đố học sinh nhưng có tính phân hóa cao, đáp ứng được yêu cầu thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Nhìn chung, với đề thi này thì học sinh dễ đạt từ 5 - 7 điểm, điểm 8 - 9 sẽ khó và điểm 10 thì sẽ rất khó”. Gia Bình (ghi)
Bình luận (0)