Thi THPT quốc gia 2019: Dùng 70% điểm thi để xét tốt nghiệp là chưa hợp lý

05/12/2018 19:25 GMT+7

Trước thông tin dùng 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh để xét tốt nghiệp trong phương án thi THPT quốc gia 2019, nhiều ý kiến cho rằng việc này gây ảnh hưởng tới tâm lý của thí sinh.

Nên giữ 50 - 50?

Cách xét tốt nghiệp trong phương án thi THPT quốc gia 2019 sẽ có tỷ lệ 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Trong khi các năm trước, tỷ lệ này là 50 - 50. Trước thông tin này, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận định: “Đây là sự thay đổi ảnh hưởng đến thí sinh. Chắc chắn điều này sẽ khiến tâm lý các em hoang mang. Trước giờ chúng ta vẫn có quan điểm là các em học xong, thì cần đánh giá bằng cả quá trình học, điểm thi chỉ là một phần, nhưng nay với cách xét tốt nghiệp dựa trên 70% kết quả thi, thì vô hình trung đã mâu thuẫn với quan điểm đó. Theo tôi tỷ lệ 50 - 50 như mấy năm qua là hợp lý”.


Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận có thể Bộ GD-ĐT muốn giảm điểm trung bình năm lớp 12 là vì lo ngại điểm tổng kết này thiếu chính xác. “Tuy nhiên, làm như vậy là thiếu niềm tin vào kết quả đánh giá của các trường THPT, điều này sẽ ảnh hưởng đến số đông thí sinh. Tỷ lệ 70 - 30 là chưa hợp lý, theo tôi nên giữ tỷ lệ 50 - 50 như trước”, thạc sĩ Duy Khang chia sẻ.

Giao các trường ĐH lớn chấm thi 

Về công tác chấm thi, tiến sĩ Vũ phân vân: “Chấm ở đâu, địa phương hay là mang về trường ĐH để chấm? Nếu mang về trường thì phải di chuyển bài thi như thế nào cho an toàn cũng là một vấn đề. Bộ cũng quy định lắp camera giám sát chấm thi 24/24 giờ, vậy chi phí này ai lo và không phải trường nào cũng có cơ sở vật chất để phục vụ cho việc này. Nên chăng chỉ tập trung chấm ở một số trường ĐH lớn tại một số thành phố lớn”.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, cũng cho rằng nên giao cho trường ĐH lớn có kinh nghiệm chấm thi bằng cách chia cụm. Mỗi cụm phụ trách bài thi của khoảng 9-10 tỉnh.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ việc điều động cán bộ, giảng viên các ĐH, học viện và các trường CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, sẽ phát sinh một số khó khăn.

“Các trường ĐH tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… đi các tỉnh thì dễ, vì mấy năm qua đều làm vậy và các trường đều đã có kinh nghiệm, nhưng năm nay sẽ có cán bộ các trường ĐH ở tỉnh đến TP.HCM để coi thi, trong khi năm trước họ chỉ phối hợp tại địa phương mình. Việc đi lại, ăn ở và phối hợp tổ chức thi sẽ gặp không ít khó khăn. Điều này có lẽ Bộ phải xem xét, tính toán lại cho phù hợp”, tiến sĩ Vũ nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.