Thi THPT quốc gia 2019: Trường đại học chấm thi có hợp lý?

08/12/2018 08:20 GMT+7

Trong công bố chính thức phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT vừa mới công bố, các trường đại học không những tham gia coi thi mà còn chủ trì hoặc phối hợp công tác chấm thi.

Có mâu thuẫn với mục đích chính của kỳ thi ?
Trước những chỉ đạo này của Bộ, một phó hiệu trưởng trường ĐH tại TP.HCM đặt vấn đề: “Có mâu thuẫn không khi các trường ĐH phải tham gia nhiều hơn vào công tác tổ chức kỳ thi mà mục đích chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp? Đó là chưa nói, với chủ trương tăng cường tính tự chủ trong tuyển sinh, các trường ĐH còn phải dành tâm sức và thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi riêng trong thời gian tới”.
Cũng theo người này: “Nếu chỉ phục vụ chủ yếu xét tốt nghiệp, sự tham gia của các trường ĐH như trên là không cần thiết. Còn huy động sự tham gia của trường ĐH, CĐ nhiều như vậy cho thấy dường như mục đích phục vụ tuyển sinh vẫn lớn hơn”.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, không có mâu thuẫn gì. Lý giải nhận định này, ông Minh cho rằng kỳ thi này dù có mục tiêu tập trung phục vụ xét tốt nghiệp nhưng trong thời điểm hiện tại hầu hết các trường ĐH đều sử dụng kết quả này phục vụ tuyển sinh. Ở nhiều trường, đây là phương thức duy nhất hoặc một trong các phương thức. Kỳ thi này không thuần túy để xét tốt nghiệp, đề vẫn sẽ có sự phân hóa nhất định để làm căn cứ xét tuyển cho các trường.
Do vậy, sự tham gia nhiều hơn của các trường ĐH trong tổ chức thi và chấm thi là cần thiết, tăng mức độ tin cậy của các trường vào kết quả kỳ thi mà bản thân các trường lấy làm căn cứ tuyển sinh.
Giải pháp tình thế
Giám đốc trung tâm khảo thí một trường ĐH cũng nhìn nhận trong bối cảnh này sự tham gia của các trường ĐH là cần thiết. Sau sự mất uy tín của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương, nếu vẫn để sở GD-ĐT chủ trì khâu chấm thi sẽ không đảm bảo được. Nếu kỳ thi được tổ chức tốt, đề thi hợp lý sẽ có giá trị nhất định để phân loại thí sinh phục vụ tuyển sinh cho các trường trong năm nay.
“Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài cần có giải pháp khác, với lộ trình cụ thể từng năm. Hơn nữa, đúng ra trước khi có thông báo này Bộ cần tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các trường. Trong khi thông báo này phát đi vẫn chưa có cuộc họp bàn nào”, giám đốc trung tâm trên nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, việc tăng cường các trường ĐH trong tổ chức thi chỉ là một vấn đề trong đảm bảo chất lượng thí sinh đầu vào của các trường. Vấn đề cốt lõi để có người học chất lượng, quá trình đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có đề thi. “Một đề thi phục vụ đồng thời 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh nếu không có sự phân hóa phù hợp sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, nếu quá chú trọng yêu cầu xét tốt nghiệp thì sẽ không đạt được mong muốn của các trường ĐH về chất lượng đầu vào”, ông Minh nêu ý kiến.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng khẳng định sự tham gia của các trường ĐH hỗ trợ công tác thi trong bối cảnh từng có những tiêu cực xảy ra trong năm nay là cần thiết. Theo thạc sĩ Sơn, sau này khi áp dụng chương trình phổ thông mới, có phương án đánh giá phù hợp hơn giảm bớt áp lực, tập trung đánh giá được năng lực của học sinh thì sẽ không cần sự tham gia của các trường ĐH trong công tác thi nữa.
Trường đại học tham gia là cần thiết
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có mục tiêu là dùng kết quả đó để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Để khắc phục những bất cập của kỳ thi năm trước, việc các trường ĐH tham gia một cách sâu hơn cũng là điều cần thiết.
Những sai phạm của kỳ thi năm 2018 gắn với hội đồng thi của địa phương, có hiện tượng cố tình làm sai để “tạo điều kiện” cho con em địa phương mình. Do vậy, việc các trường ĐH tham gia sâu vào kỳ thi sẽ giúp tăng được tính khách quan trong các khâu tổ chức kỳ thi và khắc phục được những kẽ hở khi kỳ thi được tổ chức ở địa phương.
Còn về việc các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh, cũng nên hiểu tự chủ là các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh như thế nào chứ không phải chỉ tuyển sinh riêng. Các trường có thể dùng kết quả của kỳ thi này làm căn cứ để xét tuyển, hoặc có thể dùng kết quả này chỉ để tham khảo, còn có thể dùng các hình thức đánh giá khác để tuyển sinh thêm vào... Đó là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường và Bộ không thể quy định. Hai việc này, theo tôi, cũng tương đối độc lập nhau, trách nhiệm của các trường tham gia với Bộ GD-ĐT trong tổ chức kỳ thi này vừa là yêu cầu vừa là trách nhiệm và cũng có thể nói gắn kết quyền lợi của các trường, trong đó nếu các trường vẫn coi kết quả của kỳ thi này là căn cứ chính để tuyển sinh.
Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.