Thi THPT quốc gia: Đề mở có chấp nhận quan điểm... ngược ?

17/06/2019 07:51 GMT+7

Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ tiếp tục tăng cường các câu hỏi mở. Đề mở nhưng chấm thi vẫn theo đáp án nên khi làm bài thí sinh cần biết mức độ “mở” trong giới hạn “đóng” nhất định, đặc biệt chú ý với những suy nghĩ táo bạo.

Mở không phải là tùy tiện !
Ngay cả câu hỏi đồng ý hoặc không đồng ý, có những năm đáp án là đồng ý nhưng trường hợp TS chọn phương án không tán thành nhưng có cách lý giải thuyết phục vẫn được giáo viên xem xét tính điểm
Một giáo viên dạy văn tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Năm nay, một trong những điểm lưu ý của kỳ thi là đề thi tiếp tục ra đề mở, theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh (HS) chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Kinh nghiệm từ những kỳ thi có ra đề theo hướng này cho thấy một vấn đề HS nên quan tâm khi làm bài dạng này là giới hạn “mở” để tối ưu bài làm của mình.
Bà Dương Minh Phượng, giáo viên ngữ văn Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), nhìn nhận đề thi văn các năm gần đây giảm dần những câu hỏi nhận biết, ngay cả trong phần đọc hiểu vốn chỉ thường sử dụng để kiểm tra kiến thức đơn thuần. Thay thế vào đó là tăng cường phần bắt HS tư duy, đánh giá năng lực thực sự thông qua cách thể hiện các vấn đề.
Theo bà Phượng, khi chấm bài, quyền của giám khảo rất lớn với những câu hỏi mở. Tuy nhiên, dù trình bày theo quan điểm chủ quan nào của thí sinh (TS), thì bài thi vẫn chỉ đạt điểm tốt nếu thể hiện được cách làm bài có phương pháp và trình tự.
Chẳng hạn, với câu hỏi về việc đồng tình hay không đồng tình trước một vấn đề, TS có thể lựa chọn một trong hai cách đều được điểm với điều kiện phần lý giải thuyết phục. Trong câu hỏi này, phần lý giải sẽ chiếm lượng điểm nhiều hơn vì thể hiện cách nhìn, cách nghĩ, cách tư duy về vấn đề đó. Để làm bài một cách có phương pháp, trước hết TS phải hiểu được câu nói, giải thích được từ ngữ quan trọng để từ đó lý giải sự lựa chọn là cái này mà không phải cái kia.
“Vì vậy, làm bài mở không phải là “tùy tiện”, bà Phượng nhấn mạnh.
Tương tự, giáo viên ngữ văn một trường THPT tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng đồng tình quan điểm TS chỉ nên “mở” trong khuôn khổ nhất định. Từng tham gia chấm bài thi nhiều năm, giáo viên này cho biết những TS đạt điểm cao ở bài nghị luận xã hội thường có cách nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều vì bản thân mỗi sự vật, hiện tượng đều có tính 2 mặt tích cực và tiêu cực. “Ngay cả câu hỏi đồng ý hoặc không đồng ý, có những năm đáp án là đồng ý nhưng trường hợp TS chọn phương án không tán thành nhưng có cách lý giải thuyết phục vẫn được giáo viên xem xét tính điểm”, giáo viên này nói.

Không nên quá đột phá ?

Đề thi tự luận môn ngữ văn còn có những câu hỏi cho phép TS trình bày góc nhìn của mình về sự việc, hiện tượng hoặc quan điểm, lý tưởng sống nào đó. Với dạng này, TS được quyền chủ động hoàn toàn khi thể hiện góc nhìn của mình. Nhưng điều này có đồng nghĩa với việc TS có thể mạnh dạn, táo bạo thể hiện những quan điểm “ngược” với số đông?

Trả lời câu hỏi này, bà Dương Minh Phượng chia sẻ: “Trong quá trình hướng dẫn HS làm các dạng bài này, tôi thường nhắc nhở các em nên nhớ là mình đang làm bài thi. Điều này có nghĩa, dù đề ra không giới hạn khoảng suy nghĩ nào nhưng người viết vẫn cần thể hiện bản thân một cách chừng mực trong giới hạn vừa đủ mức cần thiết”.
Với những cách tư duy “ngược” và “cá biệt”, bà Phượng cho biết hiện tượng này vẫn có trong quá trình làm bài của HS, kể cả trong các bài thi. Trong khi số đông chọn hướng này thì một vài người theo hướng khác. “Nếu thực sự đó là một quan điểm đúng thì không cho phép HS được chọn ngược lại. Còn nếu suy nghĩ đi ngược lại, rất khác biệt thậm chí có sự đột phá nhưng trình bày, lập luận thuyết phục thì vẫn có thể được”, bà Phượng lưu ý.
Theo một giáo viên ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM,  với đề mở, trong quá trình làm bài có những HS bị sai lệch về nhận thức và sẽ bị trừ điểm. “HS có thể nêu 1 - 2 dẫn chứng nhưng đó phải là dẫn chứng tiêu biểu, được chấp nhận bởi số đông, là những sự việc gần gũi đời sống”, giáo viên này khuyên.

Bài tập thực tế không khó

Những năm gần đây, đề thi các môn khoa học tự nhiên xuất hiện những câu hỏi về thí nghiệm với môn sinh, lý, hóa. Còn ở môn toán đề thi không chỉ rèn thuộc lòng các bước giải mà còn có những câu về lý thuyết toán yêu cầu HS phải hiểu bản chất, đánh giá năng lực toán học. Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng khoa Toán - tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận đề thi toán vài năm gần đầy trung bình có khoảng 3 - 4 câu hỏi về toán thực tế hỏi về lãi suất ngân hàng, tăng dân số, tính thể tích lõi bút chì…
Theo tiến sĩ Sơn, dạng câu hỏi này không quá khó, không đánh đố, không lắt léo nhưng đòi hỏi HS phải liên hệ được từ lý thuyết tới đời sống thông qua các kiến thức toán học. Các bài toán này thường có những quy luật, chỉ cần áp dụng các công thức toán học phù hợp sẽ tính ra. Tuy nhiên, nếu HS chưa được cọ xát, làm quen với dạng toán này sẽ gặp khó khăn trong hướng giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.