Thí sinh ngồi cạnh nhau không được cùng mã đề thi
|
Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội), nhấn mạnh về những điểm mới trong công tác coi thi năm nay. Trong đó có việc giảm khoảng cách thời gian giữa hai môn thi trong bài thi tổ hợp, thay vì 20 phút như năm 2017 thì năm nay theo quy định của Bộ sẽ chỉ còn 10 phút cho giám thị làm công tác thu bài thi, giấy nháp và phát phiếu trả lời trắc nghiệm cho thí sinh (TS) trong môn thi tiếp theo. Trong 10 phút này, giám thị chỉ cho TS ra ngoài trong trường hợp đặc biệt cần thiết.
Ông Thái cũng đặc biệt lưu ý việc giám thị khi phát đề cho TS cần chú ý mã đề thi trong cùng một túi không trùng nhau. Về nguyên tắc, một túi đề thi sẽ có 24 mã đề thi khác nhau, nhưng có thể do sơ suất trong khâu xếp đề thi vào túi nên xảy ra trường hợp 2 mã đề giống nhau trong cùng một phòng thi được phát cho 2 TS ngồi cạnh nhau.
Đề phòng sự cố thiếu đề thi, ông Thái đề nghị mỗi điểm thi cần kiểm tra kỹ máy photocopy, đảm bảo hoạt động tốt, bởi đây là “phao cứu sinh” trong trường hợp đề thi bị thiếu, bị in lỗi…, đảm bảo thời gian làm bài của TS.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Với khoảng 80.000 TS dự thi, địa bàn thi trải rộng trên 30 quận, huyện, thị xã, Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho tất cả các lãnh đạo điểm thi, yêu cầu các lãnh đạo điểm thi triển khai tập huấn cho các giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, kể cả chính thức và dự bị.
Sau sự cố lọt đề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh lãnh đạo, cán bộ, giám thị, nhân viên của từng điểm thi cần coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc. “Không chỉ giám sát nghiêm túc TS mà còn phải kiểm soát chặt chẽ hành vi của mỗi cán bộ, nhân viên trong phòng thi, điểm thi”, ông Dũng nói.
Giấy nháp có 4 màu khác nhau
Theo quy chế, bài thi tổ hợp TS làm trên cùng 1 phiếu trả lời trắc nghiệm. Ngay khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thì thu đề thi, giấy nháp của TS thi môn đó trước khi phát đề của môn kế tiếp. Quy định này được đưa ra nhằm tránh xảy ra tình trạng TS ghi lại câu hỏi môn trước vào giấy nháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian thi môn sau.
Không chỉ thực hiện theo quy định trên, cụm thi tại TP.HCM do Sở GD-ĐT thành phố này chủ trì có quy định về giấy nháp phát cho TS. Theo đó, ngay trong cùng môn thi, 4 TS ngồi gần nhau sẽ có màu giấy nháp khác nhau. Quy định này hiện đã được sở biên soạn và phát về từng đơn vị tham gia phối hợp để phổ biến cho cán bộ coi thi.
Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm nay Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cử người lên tận TP.HCM để tập huấn cho cán bộ coi thi của trường ĐH.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đã tiến hành tập huấn tại trường từ ngày 19.6. Trong đó chú trọng một số điểm mới về công tác coi thi như: phát phiếu trả lời trắc nghiệm, thực hiện đúng quy trình 5 chữ ký niêm phong, các thao tác trong quá trình thu nhận bài thi và phát đề giữa các môn trong bài thi tổ hợp với thời gian ngắn hơn…
Đón xem bài giải gợi ý, bình luận đề thi trên Báo Thanh Niên
Sau khi kết thúc mỗi môn thi/bài thi, Báo Thanh Niên sẽ đăng bài giải gợi ý của các giáo viên có nhiều kinh nghiệm trên Thanh Niên Online tại địa chỉ thanhnien.vn. Trên báo in ngày hôm sau, chúng tôi sẽ đăng chi tiết bài giải gợi ý trong 4 trang phụ trương tặng kèm bạn đọc. Sau khi kết thúc đợt thi, ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, chúng tôi sẽ đăng toàn bộ đáp án trên báo điện tử và cả báo in hôm sau. Lịch đăng như sau:
- Ngày 26.6: Bài giải môn ngữ văn, toán
- Ngày 27.6: Bài giải bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và ngoại ngữ - Ngày 28.6: Dự kiến toàn bộ đáp án các môn/bài thi Thanh Niên
|
Bình luận (0)