Ở góc độ là giáo viên dạy luyện thi nhiều năm, giáo viên Nguyễn Đức Hùng, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn TP.HCM cung cấp cho học sinh một số kinh nghiệm, kỹ năng ôn tập môn ngữ văn.
Học sinh trong giờ văn - Ảnh: Đ.N.T |
Cấu trúc đề thi năm nay, theo Bộ GD- ĐT tương tự đề thi năm 2015 vì vậy căn cứ vào đó, học sinh có sự chuẩn bị kiến thức thật cụ thể.
Nắm chắc công cụ tiếng Việt
Trước hết, phần 1 là Đọc- hiểu: Đây không phải đơn thuần là tái hiện kiến thức, mà yêu cầu khá cao. Ở câu này, thí sinh phải nắm cho chắc những công cụ tiếng Việt để soi chiếu nhận dạng yêu cầu của câu hỏi. Những công cụ đó là: phong cách ngôn ngữ tiếng Việt; các phương thức biểu đạt trong tiếng Việt; các biện pháp tu từ từ vựng, tu từ cú pháp... Dạng câu hỏi thường là lấy một đoạn văn xuôi, hoặc một đoạn thơ bất kỳ với các yêu cầu đa dạng. Ví dụ: xác định phương thức biểu đạt; phong cách ngôn ngữ; xác định nội dung, ý nghĩa; các phép láy, điệp, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa,… để làm nổi bật ý nghĩa của vấn đề. Với câu này là 3 điểm, thí sinh cố gắng nắm vững các công cụ tiếng Việt và phân tích kỹ văn bản để khỏi mất điểm.
Phần 2 là Làm văn yêu cầu thực hiện 2 bài văn nghị luận xã hội và văn học. Đối với bài văn nghị luận xã hội (3 điểm) chỉ xoay quanh vấn đề tư tưởng, đạo lý và hiện tượng trong đời sống. Điều quan trọng là phải lập được dàn ý rõ ràng các khái niệm, luận điểm, luận cứ. Phải biết đưa ra vài luận điểm phản đề (mặt trái của vấn đề) để có cái nhìn đa chiều. Hãy nhớ một điều dù đề ra thế nào cũng luôn định hướng giáo dục công dân. Vì vậy, phải phản xạ nếu đề ra một hiện tượng sai trái là để phê phán và cuối cùng ta chọn lối sống đúng đắn. Hoặc đề ra một ý kiến, một danh ngôn, một hiện tượng tốt là để ta ủng hộ, ngợi ca và cuối cùng hướng đến sống tốt. Nên sưu tầm những câu văn hay có yếu tố gần như danh ngôn trong các tác phẩm văn học, triết học, kinh tế, sách dạy làm người vận dụng vào bài viết để có chiều sâu.
Chuẩn bị kỹ năng nghị luận văn học
Thông thường về văn bản sử dụng cho bài nghị luận văn học phần lớn ở chương trình 12, nhưng không loại trừ có cả tác phẩm của chương trình 11. Hai chủ đề thường gặp trong đề thi là yêu nước anh hùng và hiện thực nhân đạo. Ngoài ra còn một số tác phẩm về cảm hứng thế sự,…
Để làm tốt dạng bài này, học sinh phải chuẩn bị tốt kỹ năng. Chẳng hạn, mọi nhận xét, đánh giá về tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ sự hiểu đúng, hiểu sâu nó. Bài nghị luận văn học tối kỵ lối phát biểu ý kiến một cách chung chung hoặc chỉ diễn xuôi (kể). Muốn bình hay trước tiên phải phân tích đúng, giảng sâu. Giảng có nghĩa là khám phá, giảng giải nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, là giải thích, khẳng định nghĩa lý của văn bản. Nó có nhiệm vụ chỉ ra các tầng lớp nội dung và chứng minh một cách thuyết phục rằng nội dung ấy phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật ấy. Và hình thức nghệ thuật ấy hợp lý, có tính độc đáo hơn cả trong việc thể hiện nội dung.
Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính một cách tự nhiên, liền mạch, ý nọ gọi ý kia. Đòi hỏi hệ thống luận điểm mạch lạc, màu sắc cá nhân của các nhận xét, đánh giá. Mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng.
Để các ý rõ ràng, học sinh phải lập dàn ý nhanh, xây dựng các luận điểm, luận cứ để triển khai và quy nạp về chủ đề của tác phẩm. Mặt khác, nếu cứ nêu nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng chẳng thuyết phục, dễ trở nên sáo rỗng.
Bình luận (0)