Kết quả thi thử thấp ở các địa phương ngoài nguyên nhân về đề thi còn do thái độ làm bài của học sinh chưa “quyết liệt”. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định đề thi chính thức sẽ được tính toán để đảm bảo phù hợp với mọi đối tượng học sinh.
Học sinh tại TP.HCM tham gia kỳ thi thử THPT quốc gia do Sở GD-ĐT tổ chức trong tháng 5 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Học lực trung bình cũng khó đạt điểm trung bình?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết do chất lượng đầu vào của trường rất thấp nên khi tổ chức thi thử cách đây vài tháng, trường đã phải đưa ra một đề thi giảm hơn một chút so với mức độ yêu cầu của đề minh họa. “Làm thế để học sinh (HS) có học lực trung bình yếu không nản chí, chứ để nguyên như đề minh họa các em không làm được bài sẽ mất hết động lực ôn tập, phấn đấu”, ông Tùng Lâm nói.
|
Theo ông Lâm, mặc dù vậy nhưng cũng chỉ có khoảng 60% HS đạt yêu cầu tốt nghiệp. Kết quả ấy là căn cứ để HS và giáo viên có phương hướng rèn luyện, bổ sung kiến thức trong quá trình ôn tập.
Ông Lâm cho hay theo tổng hợp ý kiến giáo viên của trường thì đề minh họa môn tiếng Anh vẫn ở mức độ quá khó. “Đặc biệt, môn toán thì giáo viên của tôi nhận xét: Ngay cả HS có học lực trung bình cũng khó đạt điểm ở mức độ trung bình”, tiến sĩ Tùng Lâm thông tin.
Còn PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), trường tổ chức 3 đợt thi thử cho HS lớp 12 với mức độ tương đương so với đề minh họa của Bộ. Do vậy, dù đa số HS của trường có học lực khá giỏi nhưng cũng chỉ 50% có điểm thi trên trung bình.
Tuy nhiên, ông Cương cho rằng kinh nghiệm các năm trước thì kết quả thi thử bao giờ cũng thấp hơn kết quả thi chính thức vì có thể lúc thi thử đề khó hơn, HS làm bài kém quyết liệt hơn so với khi thi thật.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết kết quả thi thử thấp có thể do cách ra đề yêu cầu cao so với thực tế để HS không chủ quan; thứ hai là do ý thức làm bài của HS chưa tốt. “Do vậy, trường tôi tuy HS có học lực khá tốt, đồng đều nhưng chỉ khoảng 30% HS có kết quả thi thử khá cao. Còn lại là trung bình, trung bình khá”, ông Bình cho hay.
Phù hợp với miền xuôi - đáng lo cho miền ngược
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, kết quả thi thử ở một số địa phương quá thấp, thậm chí có trường của tỉnh Quảng Ngãi 100% HS trượt tốt nghiệp ở kỳ thi thử. Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho rằng đề thi quốc gia, áp dụng cho mọi đối tượng HS, lại “gánh” tới 2 trọng trách vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì việc tính toán thật kỹ làm sao để không khiến HS chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT bị trượt oan mà lại không tuyển được HS xứng đáng vào ĐH.
Tuy nhiên, PGS Cương cũng đưa ra lý giải có thể lúc thi thử các trường vẫn tuân thủ theo cấu trúc đề minh họa, trộn lẫn các câu hỏi khó dễ nên HS có học lực trung bình yếu dễ bị lúng túng và mất thời gian với việc chọn câu hỏi nào phù hợp để làm bài.
Ông Nguyễn Quốc Bình nhận định: “Với những trường có chất lượng khá tốt lại nằm ở trung tâm thủ đô, HS và giáo viên nhận xét đề thi phù hợp thì chưa chắc đã là phù hợp với HS của tất cả các vùng miền trên cả nước”.
Đề xuất điều chỉnh cấu trúc đề thi
Chính thực tế đề thi khó phù hợp với HS ở các vùng miền khi thực hiện cùng lúc 2 mục đích nên tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn đề nghị: “Kết quả thi thử của các trường, các địa phương phải được Bộ GD-ĐT xem là căn cứ để điều chỉnh cách thức ra đề. Cụ thể là đề thi chính thức phải giảm yêu cầu so với đề minh họa”.
Ông Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội), đề xuất cấu trúc đề thi nên tách thành 2 phần độc lập: Phần 1 dành cho mục đích xét tốt nghiệp THPT. Phần này nội dung đề thi ở mức cơ bản phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Phần 2 dành cho mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ với yêu cầu nâng cao tương tự đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay từ nay đến khi bắt đầu làm đề thi, Bộ đã có một bộ phận do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ sẽ tổng hợp, phân tích để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho các trường hợp chỉ thi tốt nghiệp THPT không có áp lực và phân luồng tốt ở nhóm trên để vào ĐH. Tuy nhiên sẽ không chia tách phần đề dành cho HS chỉ xét tốt nghiệp THPT và phần đề để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tập trung kèm cặp học sinh Về kết quả kỳ thi thử THPT quốc gia tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), thông tin: “Tính ra có khoảng 75% HS của trường tốt nghiệp. Số HS đạt từ 5 điểm trở lên, khả quan nhất là môn sinh học với trên 90%, vật lý khoảng 82%, toán xấp xỉ 50%. Hai môn lo ngại nhất là địa lý có 54 HS thi thì chỉ có 7 em đạt điểm 5 trở lên, còn môn lịch sử có 6 HS dự thi nhưng không có em nào đạt điểm trung bình”. Tại một trường THPT khác ở Q.Tân Phú, tỷ lệ HS đạt từ điểm 5 trở lên đối với 3 môn thi bắt buộc đều chưa đến 50%. Lãnh đạo trường này lo lắng: “Dù thực tế đề thi của Sở có độ khó hơn đề thi minh họa của Bộ, thời điểm thi thử HS vừa kết thúc học kỳ 2, chưa có thời gian ôn lại kiến thức và với tâm thế thi thử nên chưa cố gắng hết sức nhưng kết quả thật sự đáng lo. Phần nào thể hiện sự nắm bắt kiến thức của HS chưa tốt”. Tương tự, ông Trương Quốc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8), nói: “Qua kết quả thi lần này, nhà trường khoanh vùng theo môn để giáo viên tập trung ôn tập cho HS”. Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Khuyến cũng đã sắp xếp giáo viên kèm cặp cho HS ngay sau khi có kết quả chấm bài. Qua tìm hiểu, sau kỳ thi thử THPT quốc gia vừa qua, chỉ một số trường được coi là tốp đầu như THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Bùi Thị Xuân (Q.1)... có kết quả khả quan. Vì vậy, ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), cho rằng đề thi minh họa có sự xáo trộn cũng có điểm hay là đánh giá HS tốt nhưng với HS chỉ xét tốt nghiệp lại thiệt thòi. Bộ có sự tính toán sao cho cấu trúc đề đảm bảo 2 tiêu chí của kỳ thi. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Thảo đưa ý kiến: “Nếu không có sự tách bạch 2 phần kiến thức thì các câu hỏi nên có sự liên thông kiến thức từ dễ đến khó. Như vậy thí sinh sẽ biết để định lượng khi làm bài”. B.Thanh |
Bình luận (0)