Cách học sinh lớp 12 đăng ký môn thi tự chọn kỳ thi THPT quốc gia cho thấy học sinh khá thực dụng. Nếu không theo khối thi ĐH thì cũng chọn môn được cho là dễ 'ăn' điểm.
Nhiều học sinh chọn địa lý là môn thi tự chọn vì tâm lý dễ “ăn” điểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đây chính là một trong những lý do khiến môn địa “lên ngôi” còn môn sử “thất thế”.
Theo môn xét tuyển ĐH
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy ngoài 3 môn bắt buộc, với học sinh (HS) có mục tiêu xét tuyển ĐH rõ ràng thì chọn môn chủ yếu tương ứng với khối thi ĐH truyền thống hoặc các tổ hợp xét tuyển mới mà các trường quy định. Số lượng HS xét tuyển theo khối A, A1, D1 vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo nên khi chọn thêm một môn để đủ 4 môn thi bắt buộc thì phần lớn HS đều chọn môn thuộc khối thi ĐH.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết: “Việc lựa chọn môn thi vài năm gần đây hoàn toàn không có gì gây bất ngờ so với việc chọn phân ban của các em ngay từ khi vào lớp 10. Nhà trường chỉ có 2 ban cơ bản A và D, HS cũng chủ yếu chọn xét tuyển ĐH theo khối thi truyền thống là A, A1 và D1. Do vậy, ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ thì HS thi khối A, A1 sẽ chọn môn vật lý hoặc hóa học trong các môn tự chọn. Với HS xét tuyển theo khối D1 thì cả 3 môn thi bắt buộc đều nằm trong khối thi này rồi nên các em sẽ phải cân nhắc nên chọn môn nào phù hợp và an toàn để đủ 4 môn xét tốt nghiệp. Và địa lý được xem là môn thi như vậy. Tuyệt nhiên không có HS nào chọn lịch sử”, ông Cương cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), thông tin: “Dự kiến việc chọn môn thi năm nay cũng sẽ không khác biệt so với năm ngoái, môn vật lý, hóa học, địa lý sẽ có số HS lựa chọn nhiều nhất, số HS chọn lịch sử chỉ vài chục em”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho hay trong những môn tự chọn, môn địa đứng thứ hai (sau môn lý). Bà Thu Anh chia sẻ: “Nhiều ý kiến vẫn nói HS không chọn lịch sử vì các em sợ, ghét môn này nhưng điều đó không đúng với trường tôi. Trong quá trình học, các em rất hào hứng với các tiết học lịch sử và đạt điểm cao do được học ở bảo tàng, ở di tích lịch sử, học qua phim ảnh, qua các câu chuyện kể hấp dẫn... Nhưng đến khi lựa chọn môn thi thì sử vẫn là môn học có ít HS chọn nhất (11 em). Điều này là do rất ít HS chọn các khối ngành có xét tuyển môn lịch sử. Ngoài ra, khi đi thi, các em phải cân nhắc lựa chọn môn nào mang lại kết quả thi cao nhất có thể”.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng do đặc thù của trường là chất lượng đầu vào quá thấp, thầy và trò chỉ cố gắng để các em có thể đạt yêu cầu tốt nghiệp nên việc phân ban theo khối thi ĐH của trường cũng không rõ rệt như các trường THPT khác. Vì thế các năm trước có tới 80% HS chọn địa lý là môn thi thứ tư.
Rõ ràng môn thi THPT quốc gia liên quan đến ngành học, nghề nghiệp của thí sinh nên việc lựa chọn môn thi cũng bị thực dụng theo.
Chọn môn học thuộc lòng hoặc dễ… quay cóp ?
Các tỉnh miền núi phía bắc năm nay vẫn dự tính số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp rất cao, từ 40 -60% tổng số HS đăng ký dự thi. Cũng chính vì số lượng lớn như vậy nên cách HS ở đây chọn môn thi cũng khác biệt so với HS ở thành thị, nơi chủ yếu HS dự thi với 2 mục đích.
HS ở các tỉnh này chủ yếu sẽ sử dụng “quyền” thi thay thế môn ngoại ngữ với lý do điều kiện dạy học môn này không đảm bảo. Như vậy, HS sẽ chỉ còn 2 môn thi bắt buộc là văn, toán và thay vì lựa chọn một môn còn lại như HS ở khu vực thuận lợi thì HS miền núi, hải đảo sẽ phải quyết định 2 môn nữa (một môn thay thế môn ngoại ngữ và một môn tự chọn). Theo khảo sát về dự kiến chọn môn thi, phần lớn HS các tỉnh này đều có xu hướng chọn các môn khoa học xã hội và né các môn khoa học tự nhiên.
Các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng... có trên 60 - 80% HS chọn môn địa lý, tiếp đến là lịch sử. Các môn vật lý, hóa học chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và rơi vào những HS đăng ký dự thi với cả mục đích xét tuyển ĐH. Một lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT Cao Bằng chia sẻ: “Nếu nói HS ở đây chọn lịch sử vì các em yêu thích môn học này, do giáo viên dạy tốt hơn ở nơi HS không chọn môn sử… là phán đoán sai lầm. HS chọn lịch sử hay địa lý đơn giản vì các em cho rằng đây là các môn có thể học thuộc lòng được. Các em chỉ cần cù học thuộc để làm bài đạt đủ điểm tốt nghiệp, có tấm bằng để học trung cấp, CĐ hoặc đi làm. Cũng có không ít HS chọn các môn này với tâm lý có thể quay cóp được nếu thi ở cụm địa phương...”.
Dự kiến trung tuần tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế thi THPT quốc gia và quy chế xét tuyển ĐH, CĐ sau thời gian tiếp thu ý kiến góp ý. Ngay sau đó, Bộ sẽ công bố đề minh họa và hướng dẫn tổ chức thi, các trường căn cứ vào đó sẽ chính thức cho HS đăng ký thi với quyết định chính thức về lựa chọn môn thi.
Đề thi sẽ giảm thuộc lòng, ghi nhớ
Theo dữ liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, phổ điểm các môn khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 được đánh giá là “đẹp” nhất, đỉnh của phổ điểm các môn này ở mức trung bình (từ 5 - 6,5 điểm). Tuy nhiên, nếu tính kỹ đến từng loại cụm thi thì mức điểm sẽ khác. Ví dụ hơn 1.200 thí sinh bị điểm yếu môn lịch sử ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Những HS chọn thi và bị điểm yếu trong môn sử chủ yếu ở các tỉnh, tỷ lệ đông đảo là miền núi, vùng nông thôn bởi những HS chọn môn sử thường mang hy vọng là chép được bài”.
Trong khi đó ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết đề thi sẽ ngày càng hướng tới xu hướng giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc, đòi hỏi HS phải biết tổng hợp kiến thức, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tuệ Nguyễn
|
Chọn môn địa lý gấp nhiều lần lịch sử
Các trường THPT tại TP.HCM đã tổ chức cho HS lớp 12 chọn thử môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo thông tin từ nhiều trường, vật lý, hóa học vẫn là 2 môn có nhiều lựa chọn nhất. Trong khi đó ngày càng nhiều HS đăng ký môn địa lý.
Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú) đến giờ không có HS nào đăng ký môn lịch sử, còn môn địa lý lại tăng đột biến so với năm trước. Cụ thể có đến 1/4 HS đăng ký môn địa lý, tương đương với môn vật lý, hóa học. Phần lớn HS lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) cũng chọn các môn tự nhiên. Đối với các môn xã hội, địa lý vẫn được ưu tiên hơn. Số HS chọn môn địa lý gấp khoảng 10 lần môn sử.
Nếu tính theo khối thi, ghi nhận từ các trường cho thấy phần lớn HS chọn các khối A, thậm chí có trường không có HS nào đăng ký dự thi theo khối C.
Bích Thanh
|
Bình luận (0)