Thi THPT quốc gia: Trường ĐH chủ trì chấm thi sẽ khách quan hơn

21/06/2019 08:35 GMT+7

.Ngày 20.6, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm sẽ chuyên nghiệp chẳng kém gì phòng khảo thí của các Sở GD-ĐT, mà tính khách quan lại cao hơn, khiến xã hội tin tưởng hơn

Theo bà Phụng việc để các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm là thay đổi lớn nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

ĐH chấm thi do lo ngại gian lận ở địa phương

Bà Phụng cho biết, thời “3 chung”, ĐH hoàn toàn chủ trì việc thi tuyển sinh vào ĐH. Tiếp đó, Bộ GD-ĐT đổi mới, chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, tổ chức tại địa phương nhưng có 2 loại cụm thi, một do ĐH chủ trì, một do địa phương chủ trì. Sau đó thì chỉ có một loại cụm, do địa phương chủ trì và không phân biệt điểm thi dành riêng cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp với thí sinh muốn xét tuyển ĐH, CĐ. Bà Phụng nói: “Đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được xem có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, còn tuyển sinh ĐH ngày càng đề cao quyền tự chủ của các trường”.

Sở dĩ năm 2019, sự tham gia của khối trường ĐH vào công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được tăng cường so với năm ngoái, cụ thể khâu chấm thi trắc nghiệm sẽ do các trường chủ trì, là do xảy ra gian lận chấm thi ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Theo bà Phụng, có nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện hiện nay (tâm lý xã hội, bệnh thành tích…), nếu để địa phương chủ trì phần lớn thì có nhiều nguy cơ. Vì thế năm nay có điều chỉnh, nhưng mức độ không làm thay đổi phương thức cuộc thi. Vẫn là địa phương chủ trì, vẫn với nguyên tắc 50-50. ĐH tham gia vào tất cả các khâu, với tỷ lệ 50-50.
Nhưng riêng chấm thi trắc nghiệm thì do ĐH chủ trì. Đó là thay đổi lớn nhất trong thi THPT quốc gia năm nay. Bà Phụng chia sẻ: “Vì chúng ta biết, cái can thiệp vào kết quả thi trắc nghiệm rất dễ, nguy cơ vi phạm rất cao, nên riêng khâu này sẽ được tách ra khỏi những người vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức thi, để tính khách quan cao hơn”.

Giảm thiểu tối đa việc can thiệp vào kết quả thi

Theo bà Phụng, việc giao cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT kỳ vọng kết quả chấm thi sẽ khiến xã hội tin tưởng hơn. “Hầu như trường nào cũng có máy, thường xuyên thực hiện quy trình chấm thi để đánh giá trong quá trình đào tạo. Vì vậy, khối ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm thì tính chuyên nghiệp không khác gì khối khảo thí của phổ thông, nhưng tính khách quan thì cao hơn. Mục đích lấy kết quả cho mình sử dụng, không liên quan tới thành tích của mình, chúng tôi tin rằng với tâm thế đó, việc giao cho ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm là một trong những yếu tố làm cho kết quả thi khách quan hơn, yên tâm hơn, đáng tin cậy hơn. Nguy cơ can thiệp vào kết quả thi giảm thiểu tối đa”, bà Phụng cho biết.

“Qua quan sát, tôi tin rằng với tâm thế đó, những người được giao trách nhiệm không chủ quan. Họ sẽ phải thực hiện công việc một cách trách nhiệm nhất. Thực tế khi đi kiểm tra thi ở các địa phương, tôi nhận thấy các trường ĐH rất lo lắng để làm sao thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình. Khi tôi vào Bình Định, Trường ĐH Quy Nhơn là trường ở địa phương, hai bên tranh luận với nhau rất thẳng thắn, không phải vì cùng địa bàn với nhau mà có thể du di cho nhau. Chỉ có một vài băn khoăn, chẳng hạn ban chỉ đạo thi địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi ở địa phương, còn ban chỉ đạo quốc gia trực tiếp chỉ đạo việc chấm thi trắc nghiệm của các trường ĐH, vậy vai trò của địa phương trong khâu này được xác định thế nào?”, bà Phụng nói.
Về lo ngại việc những trường địa phương chủ trì chấm thi ngay tại địa phương, bà Phụng cho rằng cũng có cơ sở bởi việc thi cử, đánh giá ở trường lớn thường chuẩn mực và theo các quy trình nghiêm ngặt hơn, còn trường địa phương thì có thể không bằng. Tuy nhiên, chất lượng khâu chấm thi sẽ được đảm bảo nếu thực hiện đúng quy chế.

ĐH Quốc gia TP.HCM chấm toàn bộ bài thi của thí sinh tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã tổ chức họp với 6 trường ĐH về việc phối hợp trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia. Trong kỳ thi năm nay, TP có 71.045 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong đó có 62.625 TS hệ THPT, 8.420 TS học tại các trung tâm GDTX và TS tự do.
Theo lãnh đạo Sở, các bên đã thống nhất về phân công địa bàn trường ĐH sẽ tham gia với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho TS dự thi.
Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia vào công tác thi đối với TS các quận huyện: Q.1, Q.9, Q.10, Q.11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân. Trường ĐH Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm Q.6, Củ Chi. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thí sinh ở khu vực: Q.2, Q.4, Q.7, Q.8, Cần Giờ, Nhà Bè. Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen chịu trách nhiệm thí sinh Q.3, Hóc Môn. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chịu trách nhiệm tại Q.5, Q.12. Trường ĐH Văn Hiến tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi đối với những thí sinh ở Q.Tân Phú, Phú Nhuận.
ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm. Một cán bộ phụ trách khảo thí cho hay, quy trình chấm bài thi năm nay có thể kéo dài gấp 3 lần thời gian so với năm trước.
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.