THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI VÀ CHỈ SỐ GIÁO DỤC CÒN THẤP
Vùng trung du và miền núi phía bắc (miền núi phía bắc) là vùng rộng lớn, với tổng diện tích 100.965 km², gồm 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Về kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người/tháng và một số giáo dục liên quan đến giáo dục THPT và bình quân trung bình điểm thi (TBĐT) tốt nghiệp THPT 5 năm (2020 - 2024) của vùng miền núi phía bắc còn thấp so với các vùng khác (xem chi tiết bảng 1) .
Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ người dân có trình độ THPT, trên THPT và bình quân TBĐT tốt nghiệp THPT 5 năm: 2020 - 2024
Từ bảng số liệu trên cho thấy, về thu nhập bình quân đầu người theo tháng vùng trung du và miền núi phía bắc thấp nhất trong 6 vùng, với 3,17 triệu đồng/tháng; tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ "Tốt nghiệp THPT" của vùng này đạt 14,4% xếp thứ 4 và tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ "trên THPT" đạt 18,1% xếp thứ 4. Tuy nhiên, về bình quân trung bình điểm thi 5 năm (2020 - 2024) là 6,22 điểm, thấp nhất trong 6 vùng.
PHÚ THỌ, BẮC GIANG CÓ THỨ HẠNG CAO, NHIỀU TỈNH TRONG TỐP CUỐI
Từ số liệu công bố của Bộ GD-ĐT, chúng tôi tổng hợp TBĐT của 14 tỉnh trong vùng nhằm nhìn nhận đầy đủ thực trạng kết quả thi tốt nghiệp THPT của vùng miền núi phía bắc giai đoạn 2020 - 2024. Kết quả ở bảng dữ liệu cho thấy, nhiều địa phương có thứ hạng TBĐT năm 2024 cao hơn năm 2020, như Phú Thọ (năm 2020: xếp thứ 15 - năm 2024 xếp thứ 8), Bắc Giang (49 - 19), Tuyên Quang (50 - 14), Thái Nguyên (46 - 37), Hòa Bình (58 - 36), Lạng Sơn (54 - 51). Trong đó, Phú Thọ là tỉnh luôn ở trong tốp 10 toàn quốc, Tuyên Quang là tỉnh có tiến bộ vượt bậc từ vị thứ 50 năm 2020 lên 14 năm 2024. Phú Thọ và Bắc Giang là 2 tỉnh có nhiều học sinh (HS) đạt giải quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, một số tỉnh giảm hạng như Lào Cai (28 - 34), Lai Châu (56 - 59), Điện Biên (51 - 60). Trong đó, một số tỉnh luôn ở tốp 10 địa phương cuối của cả nước như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang (xem chi tiết bảng 2) .
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC THPT: KHÓ CHỒNG KHÓ
Giáo dục THPT các tỉnh trung du và miền núi phía bắc khó lại chồng khó. Trước hết là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thiếu đội ngũ giáo viên, khả năng đổi mới của đội ngũ giáo viên chưa bắt kịp với mặt bằng chung toàn quốc.
Thứ hai, HS lớp 12 năm học 2024 - 2025 là lứa HS lớp 8 năm 2020 - 2021 và lớp 9 năm 2021 - 2022. Đây là 2 năm dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng toàn quốc, các trường học phải đóng cửa và chuyển sang dạy học trực tuyến. Do điều kiện HS miền núi khó khăn, thiếu thiết bị học tập nên chất lượng giáo dục của HS lớp 8 năm học 2020 - 2021 và lớp 9 năm 2021 - 2022 bị ảnh hưởng lớn.
Thứ ba, các tỉnh trung du và miền núi phía bắc thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất, và đặc biệt bị ảnh hưởng rất nặng của cơn bão Yagi (bão số 3) vào tháng 9.2024. Bão và lũ đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả tính mạng của thầy và trò. Nhiều trường học hư hỏng, thiết bị dạy học hư hỏng, trường học tạm đóng cửa một thời gian, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của HS nói chung và HS lớp 12 năm nay nói riêng. Trong khi ngành giáo dục và các trường THPT ở các vùng khác trên toàn quốc đã và đang có những bước chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thì một số trường THPT ở các tỉnh miền núi phía bắc bị ảnh hưởng nặng vẫn còn khắc phục.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các tỉnh miền núi phía bắc, vốn đã khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, việc đi lại của HS, thiếu đội ngũ giáo viên giỏi… nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, nên các trường THPT trên địa bàn của vùng đã khó lại chồng khó.
Từ những khó khăn chồng chất này, dự báo kết quả thi THPT năm 2025 của vùng miền núi phía bắc sẽ giảm hơn nữa. Vì vậy cần có các giải pháp hiệu quả cho vùng.
Cần có hội nghị về hỗ trợ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho vùng
Trong năm học này, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức một hội nghị đặc biệt về thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho vùng miền núi phía bắc nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện khó khăn, các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh vùng miền núi phía bắc nói chung và các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai… nói riêng. Bộ GD-ĐT cần hỗ trợ các tỉnh vùng này về xây dựng ngân hàng đề thi theo cấu trúc định dạng mới về thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bình luận (0)